NƯỚC VIỆT DÒNG THẦN NÔNG PHƯƠNG BẮC

LẠC VIỆT Ở THIỂM TÂY

        Trước đây chúng ta đã biết về các nước Việt của dòng Thần Nông phương Nam. Kết quả của các công trình khảo cổ đã cho chúng ta biết về nền văn hóa Hà Lạc với di chỉ Lão Ngưu Pha ở Thiểm Tây đã phục hồi sự thật lịch sử về nước Việt của dòng Thần Nông phương Bắc. Theo học giả Liu-Chen thì các nhà khảo cổ đã tìm thấy di chỉ của nền văn hóa Lão Ngưu Pha ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây vùng hợp lưu của các con sông Ba, sông Sa và sông Vị gần mỏ đồng ở dãy Tần Lĩnh.

        Giới nghiên cứu xác nhận văn hóa Lão Nguyên Pha với những di chỉ có đĩa Bích và ống Tông có khắc hình chim Phượng trong nơi chôn cất.[1] Đồ gốm chôn theo người chết khác hẳn với cách thức tùy táng của tộc Thương du mục. Đặc biệt rìu Việt có họng tra cán giống như văn hóa Tề Gia, Thành Cố, Bàn Long Thành và Ngô Thành. Chữ Việt trong Văn giáp cốt chỉ nước Việt ở lão Ngưu Pha và chữ Việt hình rìu trên thạp Diêm La Thôn đều là dạng rìu Việt lưỡi tròn Lương Chử.

       Di chỉ văn hóa Lão Ngưu Pha của cư dân Việt ở bờ Nam sông Vị và di chỉ văn hóa Diêm La Thôn của cư dân Lạc (Việt)  sống ở bờ Nam sông Lạc vùng Tam Giang Bắc, hợp lưu của các con sông Vị, sông Lạc (bộ Chuy) và sông Hoàng Hà đều là của người Việt cổ (Lạc=Việt). Đây chính là dòng Thần Nông phương Bắc theo truyền kỳ lịch sử đã được khoa tiền sử học sau khi đo chỉ số sọ xác nhận đây là đợt thiên cư thứ ba của Pre-Vietnamese xuống định cư tại vùng ngã ba sông Vị ở “Tam giang Bắc” cách nay 5 ngàn năm.

       Lão Ngưu Pha ở gần Thiểm Tây, thời thượng cổ gọi là Châu Ung. Tương truyền nơi đây là nơi phát nguyên và cũng là nơi an táng của Đế Viêm và Đế Hoàng. Theo sách cổ Quốc Ngữ thì Đế Viêm, Đế Hoàng cùng một ông Tổ là Thiếu Điển. Nguồn sử liệu này một lần nữa xác định “Hoàng Đế” mà Tư Mã Thiên viết là thủy tổ của Hán tộc chính là Đế Hoàng của tộc Việt. Đồng thời trên địa bàn Thiểm Tây còn có quốc gia cổ là “Hoa Tư” gọi là Hoa Tư cổ quốc hoặc “Hoa Tư Thị” ở khu vực Lam Điền của Tây An ngày nay. Hoa Tư thị là tổ tiên của người Hoa Hạ là người Việt cổ, chữ Hoa Hạ và Trung Hoa bắt nguồn từ Hoa Tư thị.[2]

         Theo truyền thuyết khởi nguyên dân tộc thì Đế Minh truyền ngôi cho Đế Nghi làm vua phương Bắc năm 2879 TDL, Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai, Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng thì xảy ra chiến tranh giành quyền lãnh đạo giữa các thủ lĩnh. Khi dòng Thần Nông phương Bắc tràn xuống trung nguyên thì Xuy Vưu (Li Vưu) là chúa tể thủ lĩnh của Cửu Lê đem quân tiến đánh Đế Du Võng. Đế Hoàng, thủ lĩnh thị tộc Hữu Hùng Thị (họ Hữu Hùng) ở Tân Trịnh Hà Nam lãnh đạo các thị tộc khác đem quân đánh và giết Li Vưu ở Trác Lộc, đuổi Du Võng về Lạc Ấp rồi chết ở đó. Các thị tộc suy tôn Đế Hoàng lên ngôi Cộng chủ thủ lĩnh của các thị tộc là Đế Hoàng mà Tư Mã Thiên nhận là thủy tổ của Hán tộc viết trong Sử Ký là “Hoàng Đế”.

         Cổ sử Trung Hoa chép rằng “Ngũ Đế” gồm Đế Hoàng, Đế Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn rồi Đế Thuấn truyền ngôi cho người hiền là ông Khải, lên ngôi đế hiệu là Hạ Vũ lập ra nhà Hạ của tộc Việt. Cổ sử Trung Hoa chép rằng nước Hạ là của người Hoa Hạ, Hoa là thanh nhã đẹp đẽ, Hạ cũng là Việt nên Hoa Hạ là người Việt cổ nhưng các triều Thương Chu sau khi đánh thắng Việt đã tiếm danh tự xưng là Hoa Hạ.  Zhou Dixu viết trong tác phẩm “Khổng Tử Thi Luận”, hai chương Đại Nhã và Tiểu Nhã là Đại Hạ, Tiểu Hạ và tất cả các chương của Kinh Thi đều chỉ địa danh nên Hạ là nhã là đất của người Hạ.

         Âm của Hạ (Nhã) rất gần với La gốc Ya=Việt nên Hạ không phải tên một triều đại mà là tên tự gọi của người Hạ cũng là người Việt.[3] Sử gia chính thống của Hán là Tư Mã Thiên lợi dụng sự mù mờ của lịch sử cổ đại đã nhận Đế Hoàng của tộc Việt là Cộng Chủ, thủy tổ của Hán tộc đã tạo ra những sai lạc ngộ nhân lịch sử tai hại về thời cổ đại. Tư Mã Thiên cũng dùng chữ Di là thi thể xác chết để chỉ các chi tộc Việt ở Tây Nam Trung Quốc và Hán sử, Đường Sử vẫn dùng tên Đông Di hoặc Cửu Di để chỉ người Mãn Châu, Triều Tiên Hàn Quốc và Nhật Bản.


[1] Baike.baidu.com/view/1004716.htm.

[2] Wikipedia tiếng Việt: Thiểm Tây (Shanxi)

[3] Tạ Đức: Sđd tr 477.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *