THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

         Theo truyền kỳ lịch sử thì tời đại Hùng Vương khởi từ năm Nhâm Tuất 2879 TDL là năm Lộc Tục lên ngôi, lấy hiệu là Kinh Dương Vương và đặt tên nước là Xích Quy. Sách sử chép là Kinh Dương Vương là vua của vùng Châu Kinh và Châu Dương nhưng trên thực tế vào thời đó, Kinh Dương Vương chỉ là thủ lĩnh được các bộ tộc ở vùng Châu Kinh và Châu Dương suy cử lên. Nhà nước Xích Quy thời đó cũng chỉ là hình thức sơ khai của liên minh các chi tộc Việt.

         Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 TDL, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân dòng Thần Nông phương Nam lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc. Truyền kỳ lịch sử kể lại rằng, mẹ Âu cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt.

         Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Triết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây. Sách sử cổ Trung Hoa chép về quốc gia cổ “Hoa Tư Thị” ở Thiểm Tây, về nước Việt ở Lão Ngưu Pha ở ngã ba sông Vị, nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Triết Giang (Đông Việt), Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở ngay ngả ba sông Vị, sông Lạc và sông Hoàng thượng lưu Hoàng Hà, đa số xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt nên dân gian Việt mới gọi là “Trăm Họ” là “Bách Tính” hay “Bá Tánh”. Thực tế trên đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên.

         Theo những nguồn sử liệu thì thời đại Hùng Vương gồm 18 đời kể từ khi Kinh Dương Vương lên ngôi năm 2879 TDL và chấm dứt vào đời Hùng Duệ Vương 258 TDL. Như vậy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, tính ra trung bình mỗi đời Vua trị vì khoảng 150 năm. Để giải thích sự kiện lịch sử này, các nhà sử học Mác Xít viết sử theo nghị quyết của đảng Cộng sản đã nhất loạt kéo lùi lịch sử cho phù hợp với sử quan Đại Hán và đế quốc Trung Cộng bây giờ là nước Văn Lang chỉ mới thành lập vào đời Chu Trang Vương (696-682TDL). Việc làm này phù hợp với những gì Tiền Hy Tộ sửa đổi trong Đại Việt Sử Lược để hợp thức hóa việc Hán tộc xâm lăng rồi sáp nhập các nước Bách Việt vào lãnh thổ Trung Quốc.

         Công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê Thánh Tôn cho thấy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua. Theo bản “Hùng Vương Ngọc Phả” thì đời vua Chữ Hán là “Thế”, “Thế” không phải chỉ một đời vua mà là một dòng vua, một triều đại gồm nhiều đời vua. Riêng chi thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì tỉnh Vĩnh Phú còn thờ bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. Chi này chấm dứt năm Quý Mão 258 TDL vào cuối đời Chu.  Mỗi dòng vua được xếp theo thứ tự bát quái và thập can như sau: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài và Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.  Theo sự tích Ngọc Phả Truyền Thư thì thời Hùng Vương gồm 47 đời vua theo thứ tự sau:

1. Chi Càn: Kinh Dương Vương, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép: “Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước Đại Việt ta, cùng với Đế Nghi ở Phương Bắc lên ngôi năm 2879 TDL”. Kinh Dương Vương huý Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ 2919 TDL, lên ngôi năm 41 tuổi, trị vì 86 năm từ Nhâm Tuất 2879 TDL đến Đinh Hợi 2794 TDL.

2. Chi Khảm: Lạc Long Quân húy Sùng Lãm tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn 2825 TDL lên ngôi năm 33 tuổi. Chi này kéo dài 269 năm từ Mậu Tý 2793 đến Bính Thìn 2525 TDL. Thời kỳ này được truyện cổ tích họ Hồng Bàng truyền kỳ gọi là huyền sử Rồng Tiên.

3. Chi Cấn: Hùng Quốc Vương húy Hùng Lân từ 2524 đến 2253 TDL dài 271 năm. Thời kỳ này theo truyền thuyết thì mẹ Âu dẫn 50 con ở lại vùng cao rồi suy cử người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng vương đóng đô ở Châu Phong. Thời kỳ này cũng chính là thời kỳ Đế Hoàng diệt Li-Vưu thủ lĩnh của Tam Miêu ở phương Nam và Du Võng của dòng Thần Nông Phương Bắc. 

4. Chi Chấn: Hùng Hoa Vương húy Hùng Bửu Lang, sinh năm 2254 TDL, chi này kéo dài 342 năm.

5. Chi Tốn: Hùng Hi Vương húy Bảo Long sinh năm 2030 TDL, lên ngôi năm 59 tuổi, chi này kéo dài 200 năm.

6. Chi Ly: Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm 1740 TDL, chi này gồm 2 đời vua, kéo dài 81 năm.

7. Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm 1659 TDL, lên ngôi năm 12 tuổi, gồm 5 đời vua, dài 200 năm.

8. Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương, húy Văn Lang, sinh năm 1469 TDL lên ngôi năm 31 tuổi, chi này gồm 5 đời vua, cả thảy là 100 năm. Thời kỳ này, truyền kỳ lịch sử kể rằng giặc Ân sang đánh nước ta bị Phù Đổng Thiên vương đánh cho tan tác. Sử Tầu ghi “Đời Cao Tông triều Ân đánh Quỷ Phương 3 năm đóng quân ở đất Kinh”.

9. Chi Giáp: Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm 1375 TDL, lên ngôi năm 45 tuổi. Chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 80 năm.

10. Chi Ất: Hùng Uy Vương húy Hoàng Long Lang, sinh năm 1287 TDL, lên ngôi năm 37 tuổi, gồm 3 đời vua dài 90 năm.

11. Chi Bính: Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, sinh năm 1211 TDL, lên ngôi 51 tuổi. Chi này gồm 4 đời vua dài 107 năm.

12. Chi Đinh: Hùng Vũ Vương húy Đức Hiền Lang, sinh năm 1105 TDL, lên ngôi năm 52 tuổi, gồm 3 đời vua, dài 96 năm.

13. Chi Mậu: Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm 982 TDL, lên ngôi năm 23 tuổi, gồm 5 đời vua, kéo dài 105 năm.

14. Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm 894 TDL, lên ngôi năm 42 tuổi, gồm 4 đời vua, dài 89 năm.

15. Chi Canh: Hùng Triệu Vương, húy Chiêu Lang, sinh năm 748 TDL, lên ngôi năm 35 tuổi, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 94 năm. Thời kỳ này là thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc.

16. Chi Tân: Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, sinh năm 712 TDL, lên ngôi năm 53 tuổi, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 92 năm. Hùng Triều Ngọc Phả, Thần Phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc ghi rõ là đến đời Hùng Vương thứ 16 là Hùng Tạo Vương húy Đức Quân Lang dời đô xuống Phong Châu Thượng. Hùng Tạo Vương (660TDL đến 569 TDL) ngang với Chu Linh Vương thời Đông Chu. Sử quan triều Thanh là Tiền Hy Tộ đã đổi tên Đại Việt Sử Lược là Việt Sử Lược sau khi sửa đổi nội dung, xuyên tạc ý nghĩa lập quốc và kéo lùi niên đại thành lập nước Văn Lang như sau: “Đời Trang Vương triều Chu (696-682TCN) ở Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.

17. Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương, húy Bảo Quang, sinh năm 576 TDL, lên ngôi năm 9 tuổi, gồm 4 đời vua, dài 160 năm.

18. Chi Quý: Hùng Duệ Vương, húy Huệ Vương Lang, sinh năm 421TDL, lên ngôi năm 14 tuổi, chi này gồm 3 đời vua, kéo dài 150 năm. Hiện ở Đền Hùng còn bài vị thờ “Tam Vị Quốc Chúa”.

       Sách sử xưa chép rằng 18 đời Hùng Vương trị vì 2.622 năm nên chúng ta thấy vô lý. Thực ra là 18 chi, mỗi chi gồm nhiều đời vua Hùng. Nếu tính từ thời Ngô Quyền giành độc lập năm 938 đến Bảo Đại vị vua cuối cùng đời Nguyễn 1945 thì có 10 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gồm 68 vị vua trị vì 1007 năm thì trung bình, mỗi vị vua trị vì gần 15 năm. Như vậy, chúng ta phải hiểu 18 đời ở đây là 18 chi, 18 triều đại và mỗi triều đại gồm nhiều đời vua, tất cả là 47 đời vua Hùng trị vì 2.622 năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc Qua khắc tên vị vua Hùng Nhược Ngao và sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Xuân Thu Tả Truyện thì vị vua có hiệu là Nhược Ngao là vị vua Hùng thứ 14 tên thật là Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao cai trị vào năm 789 trước Dương Lịch đã xác nhận thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, thời kỳ lập quốc cách đây hàng mấy ngàn năm được kể lại từ đời này sang đời khác dưới dạng truyền thuyết, sử truyền khẩu dân gian nên niên đại lịch sử, thời kỳ lịch sử cũng như những con số cũng chỉ chính xác tương đối mà thôi.

         Năm 659 TDL, Tần Mục Công đánh chiếm Lão Ngưu Pha và Diêm La Thôn của Lạc bộ Chuy ở Vùng Tam Giang Bắc, vua Hùng phải dời đô đô Châu Phong xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam. Đời Hùng Vương thứ 16 dời đô từ Tam Giang Bắc xuống Vân Nam Thượng đến đời Hùng Vương thứ 18 mới dời đô xuống Việt Trì Phú Thọ miền Bắc Việt Nam.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *