THỜI KỲ VĂN HÓA PHÙNG NGUYÊN             VUA HÙNG 18 DỜI ĐÔ VỀ VIỆT TRÌ BẮC VN

        Sử Ký Tư Mã Thiên chép năm 659 TDL, Tần Mục Công đánh thắng Lạc bộ Chuy, tịch thu được một trống đồng. Chi Lạc bộ Chuy của Việt tộc phải chạy xuống phương Nam. Thực tế lịch sử này phù hợp với ghi chép trong “Hùng Triều Ngọc Phả”. Theo Hùng Triều Ngọc Phả thì đến đời Hùng Vương thứ 16 là Hùng Tạo Vương (660TDL-569 TDL) dời đô từ Phong Châu Ba Thục xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam. Lĩnh Nam Trích Quái, truyện Thánh Tản Viên chép: “Thời Chu Noãn Vương, vua Hùng thứ 18 đến đất Việt Trì, châu Phong, lấy Quốc hiệu là Văn Lang”. Như vậy, đến đời Vua Hùng thứ 18 mới dời đô xuống Việt Trì Phú Thọ ở Bắc Việt Nam. Thời kỳ này, chiến tranh liên miên giữa các nước tranh giành ngôi bá chủ trung nguyên nên sử sách gọi là thời Xuân Thu (722-479 TDL).

        Trong 12 nước gọi là chư hầu của triều Chu thì có Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống là lớn mạnh hơn. Về sau có nước Việt ở huyện Thiệu Dương tỉnh Hà Nam và Ngô ở huyện Ngô tỉnh Giang Tô nổi lên cùng các chư hầu tranh giành ngôi bá chủ Trung Nguyên. Sử sách gọi thời này là thời “Ngũ Bá” vì 5 chư hầu lấy danh nghĩa là phò Chu dẹp Di địch “Tôn Chu nhượng Di” để kế tiếp nhau làm minh chủ thống lĩnh Trung nguyên. Đó là Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công và Tần Mục Công.

        Suốt thời kỳ này, Sở không chịu triều cống Chu, đánh Tề Tấn và bắt được Tống Tương Công đang hội họp chư hầu ở Lộc Thượng. Sở Trang Vương diệt nước Dung, đánh nước Tống, tiến công rợ Lục Hồn, phá quân Tấn ở đất Bắc và tiến quân vào Lạc Ấp, kinh đô của triều Chu lên ngôi “Bá chủ” chư hầu. Đến đời Sở Bình Vương, nghe lời dèm pha giết Ngũ Xa, con Xa là Ngũ Tử Tư qua cầu cứu nước Ngô đem quân về đánh, Sở Vương bỏ chạy. Cuối đời Xuân Thu, nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn, hậu duệ vua Thiếu Khang nhà Hạ đánh thắng Hạp Lư. Sau bị Ngô Phù Sai con của Hạp Lư đánh thua ở Cối Kê phải xin cầu hoà. Suốt 10 năm trời khổ nhục, cuối cùng nước Việt diệt được nước Ngô, thanh thế Việt Vương vang dội khắp nơi trở thành bá chủ Đông Nam vào thế kỷ thứ 5 TDL.

        Sau thời Xuân Thu là thời Chiến Quốc (478-221 TDL). Thời kỳ này tình hình trung nguyên thay đổi nhiều, nếu kể cả 3 nước Ngụy, Triệu, Hàn, Ngụy thì thời Chiến quốc có tất cả 10 nước nhưng chỉ có 7 nước mạnh nên các sử gia còn gọi thời kỳ này là thời “Thất Hùng”. Đó là các nước Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Triệu, Sở và Tần. Bảy nước này đều muốn trở thành bá chủ Trung Nguyên nhưng do tương quan lực lượng nên phải tổ chức thành liên minh “Hợp tung” gồm sáu nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở do Sở lãnh đạo chống Tần phương Bắc hùng mạnh.

        Trương Nghi đưa ra thế “Liên Hoành” thuyết phục các nước liên minh với Tần theo hàng ngang để phá vỡ thế Hợp tung của Tô Tần nhưng không thành… Nước Tần lúc bấy giờ ngày càng phú cường nhờ những cải cách triệt để do Thương Ưởng đề xướng thực hiện. Tần Thủy Hoàng triệt tiêu giai cấp quý tộc cũ, tạo lập một giai cấp mới gồm những quân nhân có nhiều chiến công, thực hiện chính sách khẩn hoang cho dân tự do khai phá đất đai tạo ra một thành phần phú nông ủng hộ triều đình. Lần đầu tiên trong lịch sử, đế chế Tần cho tổ chức quản lý hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tổ chức cứ năm gia đình liên đới trách nhiệm trị an gọi là “Ngũ gia Liên bảo”, công bố thực hiện chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bình đẳng về pháp luật giữa quý tộc và thứ dân nên chẳng bao lâu trở thành một nước giàu mạnh.

        Ngay từ năm 299 TDL Tần thắng Sở, bắt giam Sở Hoài Vương. Năm 278 TDL, Tần Bạch Khởi chiếm đất Dĩnh, Sở phải dời đô rồi Tần thắng liên tiếp Triệu. Năm 260 TDL, 40 vạn quân Ngụy đầu hàng, quân Tần tiến vào Chu năm 256 TDL. Triều Chu phải dâng đất cho Tần, chấm dứt triều Chu trong lịch sử Trung Quốc. Năm 242 TDL, Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng Đế chọn Lã Bất Vi rồi Lý Tư, môn đệ của pháp gia Tuân Tử làm Tướng Quốc. Chỉ trong 10 năm sau đó Tần diệt Hàn (năm 230 TDL), Ngụy (225 TDL), Sở (223 TDL) và Tề (221 TDL) làm bá chủ Trung Nguyên trở thành đế chế Tần hùng mạnh.

        Sau khi gồm thâu lục quốc, Tần thống nhất văn tự quy định một lối chữ mới gọi là “Tiểu Triện” áp dụng trên toàn quốc. Đồng thời cho thống nhất các đồ cân, đo lường và cả nông cụ, cày bừa kể cả khoảng cách giữa hai bánh xe để dễ thu thuế và chuyên chở lúa nộp thuế. Đế quốc Tần thống nhất tư tưởng để dễ bề thống trị, nhồi nặn dân chúng trở thành kỷ luật, tuân thủ lệnh vua, không một ai được có ý kiến riêng tư nào khác ngoài chủ trương chính sách của Triều đình. Tần chủ trương “Diệt Nho-Đốt sách”, chôn sống nho sĩ buộc mọi người dân phải tuân phục những gì triều đình Trung ương đưa ra để triệt tiêu mọi mầm mống chống đối. Tần ghét nhất giới nho sĩ, triết gia mở trường tự dạy đạo lý, chỉ trích chiến tranh và hình phạt tàn bạo của bạo chúa.

        Năm 213 TDL theo đề nghị của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách và chôn Nho, đốt hết các bản Tứ thư, ngũ kinh và Bách Gia Chư Tử trong dân gian. Các bộ sử của lục quốc cũng phải đốt hết để triệt tiêu sử liệu về nguồn cội dân tộc của các nước. Ai không tuân lệnh mà lén lút giữ thì bị kết tội là phản động, chủ trương của Tần Thủy Hoàng được chế độ độc tài Cộng sản sau này thi hành triệt để.

        Thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời kỳ phục hưng của các quốc gia Bách Việt hết nước Sở rồi đến nước Việt chiếm ngôi Bá Vương, lãnh đạo trung nguyên một thời nên lần đầu tiên trong lịch sử, Phục Hy Thần Nông mới được sách sử ghi chép lại. Thế  nhưng các nước Việt lại tranh giành xâu xé lẫn nhau nên cuối cùng du mục Tần ở phương Bắc thắng Sở thống lĩnh trung nguyên. Khi đế quốc Tần sụp đổ, Hán Sở lại tranh hùng và một lần nữa anh hùng Hạng Võ kiêu căng khí đoản lại thua một Lưu Bang tầm thường, mở ra một triều đại Hán của Trung Quốc.  Vào đầu triều Hán, Lưu Bang phải cử Lục Giả sang Nam Việt để bang giao hòa hiếu với Triệu Đà. Hán Văn Đế phải hạ mình biếu quà cáp và điều đình thương lượng giao trả lại phần đất Lĩnh Nam lại cho Triệu Vũ Đế đổi lấy việc giao thương hòa hiếu. Đời Triệu văn Vương, Nam Việt suy yếu nên Hán Vũ Đế đem quân đánh chiếm Nam Việt mở đầu thời kỳ Hán tộc thống trị đô hộ nước ta.

        Theo Hùng Vương Ngọc Phả ghi chép thì đến đời Hùng Vương thứ 16 là Hùng Tạo Vương mới dời đô từ Phong Châu Ba Thục xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam và đến đời Vua Hùng thứ 18 mới dời đô xuống Việt Trì Phú Thọ Bắc Việt Nam. Hùng Tạo Vương (660TDL đến 569 TDL) ngang với thời Chu Linh Vương thời Đông Chu. Nhân sự kiện này, Tiền Hy Tộ sửa đổi đã sửa đổi rồi chép lại trong Đại Việt Sử Lược là: “Đời Trang Vương triều Chu (696-682TCN) ở Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.[1]

        Hùng Vương Ngọc Phả Sự Tích Cổ Truyện phù hợp với truyện cổ trong Lĩnh Nam Trích Quái Liệt Truyện và được ghi rõ trong sử liệu thành văn của nước ta đó là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên. Sự tích Ngọc Phả Hùng Vương đã xác định dòng Thần Nông phương Nam thành lập nước Xích Quy rồi Văn Lang ở vùng Xích Quy Phương còn gọi là Cửa Việt hay Giao Chỉ. Kinh đô Châu Phong ở Ba Thục, Tứ Xuyên Trung Quốc bây giờ.

        Đời Hùng Tạo Vương, chi Hùng Vương thứ 16 (660 TDL đến 569 TDL) bị Tần Mục Công đánh chiếm nên phải dời đô xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam. Đến đời vua Hùng thứ 18 mới dời đô xuống Phong Châu Hạ ở Việt Trì Bắc Việt Nam bây giờ. Đây là một sự thật lịch sử vì giới khảo cổ cũng ghi nhận là sau lần hội nhân lần thứ nhất thì không ghi nhận gì về con người Sơn Vi, Hòa Bình ở phần đất Bắc Việt Nam vì Hoabinhian Pre-Vietnamese đã di cư lên miền cao để tránh nạn biển tiến. Mãi tới thời văn hóa Phùng Nguyên, nước biển rút xuống nên con người mới hội tụ trở lại trên phần đất Bắc Việt Nam.

        Chủ nhân của nền văn hoá Phùng Nguyên cũng chính là cư dân Văn Lang, hậu duệ của người Hòa Bình (Hoabinhian => Pre-Vietnamese (Tiền Việt) => Hundred-Viets (Bách Việt) đã di cư lên vùng cao và sau khi mực nước rút dần thì cư dân Pre-Vietnamese lại di cư từ cao nguyên Tây Tạng xuống trung nguyên Trung Quốc thành lập các nước Bách Việt. Vào thời hậu kỳ đá mới cư dân Văn Lang gồm các chi tộc Việt-Mường, Mon-Khmer mà cổ sử Trung Quốc gọi miệt thị là rợ Khel hay rợ Khương lại từ miền núi cao Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây và người Việt Cổ chi Mân Việt từ Chiết Giang miền ven biển tiến xuống đồng bằng Bắc Việt. Họ đem theo nghề trồng lúa nước đã phát triển từ hàng ngàn năm trước đó của cư dân Hoabinhian tức Pre-Vietnamese. Đồng thời từ dải Trường Sơn dọc Trung Việt, Trung và hạ Lào tiến sang mang theo nền văn hoá tụ hội tại vùng trung du giáp đồng bằng Vĩnh Phú, Sơn Tây đó là sự hội tụ con người và văn hoá lần thứ hai vào thời kỳ biển lùi tạo thành đồng bằng Bắc Việt.

        Thực tế lịch sử ghi nhận là sau khi Tần Mục Công đánh thắng Lạc bộ Chuy của tộc Việt năm 659 TDL, đời Hùng Vương thứ 16 phải dời đô từ Dạ Lang Quý Châu xuống Vân Nam. Các bộ sử cũ chép là vua Hùng lập quốc ở Phong Châu, Việt Trì Phú Thọ là không đúng vì mãi đến năm 659 TDL vua Hùng mới dời đô từ Phong Châu ở vùng Tam Giang Bắc xuống Phong Châu Thượng ở Vân Nam. Theo Hùng triều Ngọc Phả, Thần Phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc ghi rõ là đến đời Hùng Vương thứ 18 mới dời đô xuống Phong Châu Hạ ở Việt Trì Phú Thọ. Đây là sự thật lịch sử vì mãi tới năm 621 DL, triều Đường mới đặt tên Phong Châu cho vùng đất này.

        Sử triều Đường “Cựu Đường Thư” chép đến năm 621, triều Đường đổi Tân Hưng là Phong Châu gồm 6 huyện là Gia Ninh, Tân Xương, An Nhân, Trúc Lạc, Thạch Đê và Phong Khê bao gồm vùng đất quanh ngã ba Hạc, phần dưới của các thung lũng sông Chảy, sông Thao, sông Đà là Phong Châu Hạ khác với Phong Châu Thượng ở Vân Nam Trung Quốc. Thế mà, các nhà sử học Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam viết sử theo nghị quyết của đảng Cộng Sản Việt Nam nhất loạt kéo lùi niên đại thành lập nước Văn Lang cho phù hợp với sử quan Tiền Hy Tộ để phủ nhận toàn bộ lãnh thổ của Bách Việt xưa, phủ nhận truyền thuyết Rồng Tiên và phủ nhận luôn những nền văn minh rực rỡ của Việt tộc.

        Nguyễn Khắc Thuần trong “Việt Nam, Tư Liệu Tóm Tắt” nhân danh cái gọi là “Khoa học lịch sử hiện đại” lập luận rằng: “Trái với những ghi chép của chính sử cũ và các tài liệu dã sử khác, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho rằng nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại khoảng 300 năm và niên đại tan rã là khoảng 208 TDL chứ không phải 258 TDL. Với 300 năm, con số 18 đời Hùng là con số dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên cũng không vì thế mà khẳng định rằng nước Văn Lang thực sự có 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì. Tóm lại nước Văn Lang chỉ tồn tại trước khoảng 300 năm và con số 18 đời vua Hùng cho đến nay vẫn là con số của huyền sử!”.

        Bộ Lịch Sử Việt Nam của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam viết về sự thành lập nước Văn Lang như sau: “Sự ra đời của nhà nước Văn Lang đầu tiên của nước ta đời Hùng Vương và Âu Lạc đời An Dương Vương vào giai đoạn Đông Sơn trong thiên niên kỷ thứ I trước công nguyên… Căn cứ theo 15 bộ của nước Văn Lang và nhất là căn cứ vào quá trình chuyển hoá lịch sử nước Văn Lang đời Hùng Vương đến nước Âu Lạc đời An Dương Vương, rồi đến 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc bộ, Bắc Trung bộ nước ta ngày nay và một phần phiá Nam tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc”.[2]

        Các nhà sử học Xã Hội Chủ Nghĩa viết sử theo nghị quyết của đảng Cộng sản sửa đổi lịch sử cho phù hợp với sử Trung Quốc đã chứng minh bản chất Việt gian bán nước khi phủ nhận cội nguồn, phản dân tộc của họ. Đây là tội ác lịch sử của một số người vong bản, nhân danh “Sử quan Duy vật, khoa học lịch sử Mác Xít” để phản bội dân tộc, phủ nhận cội nguồn gốc tích tổ tông không thể tha thứ được. Họ đã phủ nhận nền văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, văn minh Đông Sơn mà các công trình khảo cổ đã xác định rằng, sơ kỳ của thời đại đồ đồng ở Việt Nam mở đầu cách nay 4.000 năm với nền văn hoá Phùng Nguyên mà đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn được giới nghiên cứu thừa nhận là nền văn minh trống đồng độc đáo của Việt tộc mở đầu cách nay 2.800 năm.

        Điều đó có nghĩa là ít nhất là cách đây ít nhất là 4.000 năm, xã hội Việt cổ đã được tổ chức ổn định thứ tự lớp lang. Nói một cách khác, xã hội Văn Lang đã được định chế hoá thành nhà nước từ lâu. Giới nghiên cứu lịch sử cổ đại đã nhận định là khi con người cổ đại đã biết nung chảy kim khí thì họ cũng nung chảy luôn cái khuôn mẫu xã hội nguyên thủy để tổ chức thành nhà nước với những định chế rõ ràng. Mặt khác, họ quên một điều là bộ Đại Việt Sử Lược tuy là bộ sử xưa nhất còn sót lại nhưng đã bị Tiền Hy Tộ, sử quan triều Thanh sửa chữa đổi tên là Việt Sử Lược rồi lưu trong Tứ Khố Toàn Thư của Thanh triều nên luận điệu sặc mùi Đại Hán bành trướng.

        Các sử gia Hán tộc du mục do mặc cảm “Tự ti về văn hóa”, nhưng đã đánh thắng các quốc gia nông nghiệp trở nên “Tự tôn” với quan niệm “Đại nhất thống” tự cho là trung tâm thế giới, cái rốn của nhân loại, là tộc người ưu việt. Các triều đại Hán tộc luôn luôn chủ trương “Huệ thử Trung Quốc, dĩ tuy tứ phương” nghĩa là: lấy ân huệ Trung Quốc để yên định bốn phương và “Dĩ Hạ biến Di”, lấy cái cao thượng, tao nhã của “Đại Hán” để cải hoá man di mọi rợ. Trong suốt dòng lịch sử, Hán tộc luôn luôn chủ trương tiêu diệt văn tự các dân tộc khác, âm mưu nô dịch văn hoá rồi đồng hoá các dân tộc. Lợi dụng Hán tự là văn tự duy nhất các sử gia Trung Quốc từ cổ đại đến nay đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, sửa đổi cho phù hợp với sử quan Đại Hán, đánh đổ lòng tự hào dân tộc của các tộc người khác để dễ bề thống trị và đồng hoá họ. Đó là chủ trương trước sau như một, bản chất bành trướng thâm độc của họ suốt từ xưa tới nay. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết việc tìm hiểu về huyền thoại Rồng Tiên, khởi nguyên dân tộc Việt Nam thời Lập Quốc với Quốc Tổ Hùng Vương là một yêu cầu lịch sử hết sức cần thiết.

        Thế hệ con em chúng ta sẽ hiểu rõ về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt, về đời sống văn hoá tâm linh Việt, về những lễ tết, hội hè đình đám của dân tộc Việt. Để từ đó, thế hệ con em chúng ta sẽ thấy rõ hơn gía trị cao đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống nhân bản Việt. Chúng ta có quyền tự hào là “Con Rồng Cháu Tiên” của một dân tộc có lịch sử lâu đời như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã tuyên xưng: “Chỉ nước Đại Việt ta từ trước, mới có nền văn hiến ngàn năm” chứ Tầu Hán (Trung Quốc) du mục thì làm gì có văn hiến như dân tộc Việt Nam chúng ta.


[1] Nguyên tên bộ sách là Đại Việt Sử Lược, Tiền Hy Tợ bóp méo xuyên tạc sửa đổi toàn thể nội dung, kéo lùi niên đại thành lập quốc gia sơ khai Xích Quy rồi Văn Lang, thậm chí đổi tên sách từ Đại Việt Sử Lược thành Việt Sử.

[2] Lịch Sử Việt Nam tập I. NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội 1985 tr 164). Bộ lịch sử Việt Nam của cái gọi là nhà nước CHXHCNVN viết sử theo nghị quyết của đảng CSVN đã viết rằng nhà nước Văn Lang thời vua Hùng chỉ gồm lãnh thổ Bắc VN và 1 phần phía Nam tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông Trung Quốc bây giờ. Đảng CSVN và nhà nước CHXHCNVN đã chính thức từ bỏ gần như toàn bộ lãnh thổ Xích Quy, Văn Lang mà biết bao xương máu của tiền nhân bao đời dựng nước và bảo vê mảnh giang san gấm vóc này. Đây là một hành động bán nước tệ hại nhất trong lịch sử Việt, một tội ác “Trời không dung, Đất chẳng tha, Thần Người đều căm hận.” Chính vì viết sử theo nghị quyết nên sử gia Đào Duy Anh trước khi chết đã phải cay đắng thốt lên “Người ta biết tôi vì lịch sử và kết án tôi cũng vì lịch sử” và Viện Trưởng Viện Sử học Phan Huy Lê cũng đã thừa nhận: “Viết sử theo nghị quyết thì lịch sử không còn là lịch sử nữa.”.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *