QUỐC GIA XÍCH QUY

        Công trình Văn hóa khảo cổ của nền văn hóa Lương Chử đã phục hồi sự thật lịch sử về quốc gia Xích Quy sơ khai của tộc Việt. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc kể rằng: “Đế Minh, cháu 3 đời của Đế Thần Nông tuần du phương Nam…. Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quy…”. Xích Quy Phương theo Kinh Thư gọi là Xích Quy Phương là vùng đất đỏ trải dài từ 3 con sông ở phương Bắc là sông Hoàng, sông Lạc và sông Vị trải dài xuống phương Nam gồm 3 con sông là sông Nguyên, sông Tương và sông Dương Tử, còn gọi là Cửa Việt hay Giao Chỉ.

        Dòng Thần Nông phương Nam đã định cư từ vùng Xích Quy Phương ở Tam Giang Nam với liên minh của những chi tộc Việt như quốc gia sơ khai Xích Quy rồi Văn Lang, Việt Thường… mà sách sử ghi chép như nước Dạ Lang, nước Thục Việt cổ đại mà sách sử cổ Trung Quốc gọi là tộc Khương (hậu duệ Đế Thần Nông) và các nhà nhân chủng học đặt tên là Mon-Khmer. Sách cổ Trung Hoa chép đời Nghiêu Thuấn đánh dẹp họ Cộng Công của Hán tộc vì đã tranh ngôi với Chúc Dung là hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông. Vua các nước ở bán đảo Sơn Đông như Tề, Lỗ, Trần sau này đều nhận là con cháu của Thần Thái Sơn và lấy họ Khương của Thần Nông.

       Từ nôi sinh tụ này, người Việt cổ tiến dọc lưu vực sông Dương Tử định cư ở Ba Thục sau gọi là Tứ Xuyên rồi tiến sang các tỉnh Hồ Bắc tới châu Dương, châu Từ  gồm U Việt, khắp miền sông Hoài và tiến lên Hà Nam bán đảo Sơn Đông. Theo Kinh Thi thì cư dân Sơn Đông vẫn được gọi là Lai Di, Cửu Di hay Cửu Lê… và một nước Di (Yifang) ở vùng Trung và Hạ lưu sông Hoài được ghi trong bản đồ Trung Quốc thời Thương Ân thế kỷ 17 – 11 TDL có ghi nước Lai Di (Laiyi) ở bán đảo Sơn Đông.[1]      Theo Địa phương Chí của Vũ Hán thì: “Di chỉ Bàn Long Thành ở Vũ Hán là kinh đô của nước Phương thời Thương”. Như vậy, tên nước là Xích Quy Phương hay Phương nhưng Hán tộc gọi miệt thị là Quỷ Phương. [2]Nhà ngôn ngữ Pulleyblank xác định người Đông Di trong đó có cư dân Lương Chử nói một ngôn ngữ Nam Á có họ hàng với tiếng Việt-Mường.[3]

        Sách cổ Trung Hoa chép Đế Viêm Thần Nông lập nước ở phương Nam, đóng đô ở Trần về sau dời đô về Khúc Phụ nước Lỗ sau này. Các nguồn sử sách cổ đối chiếu với truyền kỳ dân gian cho biết Quân Trưởng Thần Nông lãnh đạo Bách Việt Hundred-Viets từ nôi sinh tụ vùng cao nguyên Tây Tạng Tibetan xuống Lũng Tây Cam Túc rồi về đồng bằng Đông Nam để định cư khai khẩn đất đai định cư đầu tiên ở vùng đất bao gồm các tỉnh An Huy, Giang Tô và vùng phía Bắc sông Hoài, sau này là nước Trần. Thời kỳ này lãnh đạo tộc Việt được gọi là Quân Trưởng nên Sử Trung Quốc chép “Người Việt gọi vua là Quân, gọi cha là Bố”. Sách sử sau gọi là quốc gia nhưng trên thực tế Xích Quy là một liên minh nhiều chi tộc Việt định cư khắp vùng Xích Quy Phương từ Bắc xuống Nam và từ phía Tây vùng Ba Thục sang tới phía Đông Nam ven biển do vị Thủ lĩnh của châu Kinh và Châu Dương nên gọi là Kinh Dương Vương.

       Thiên Vũ Cống của Kinh Thư chép cương giới của châu Kinh rất nhỏ, hướng Đông tới ngọn sông Hoài. Châu Kinh nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Qúy Châu, Quảng Tây là địa bàn cư trú của dân nước Sở thời Chiến Quốc mà sử Trung Quốc gọi là Kinh Man. Châu Dương rộng hơn tới tận biển Đông gồm miền sông Hoài, châu Từ, U Việt mà sử Trung Quốc gọi là Di Việt. Nhà Trung Hoa học Legge trong tác phẩm Xuân Thu “The Ch’ un sew” có in tấm bản đồ “Việt Đông Tỉnh Thành” thì hai chữ Việt Đông bao trùm các chi tộc Việt ở rải rác từ miền núi Thái Sơn ở Sơn Đông trở xuống xuyên qua các tỉnh miền Sông Hoài, Giang Tô, Giang Nam trong đó có quê hương của các nhân vật huyền sử như Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông mà J. Needham gọi là liên đoàn các dân tộc Việt hay cộng đồng huynh đệ Bách Việt.

TIẾN TRÌNH LẬP QUỐC VĂN LANG

         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quý lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc và phong cho Lộc Tục là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân huý là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng, ấy là Tổ của Bách Việt (Trăm giống Việt)”.

VUA HÙNG LẬP QUỐC Ở CHÂU PHONG

         Truyền thuyết về sự thành lập quốc gia Văn Lang được ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện do Vũ Quỳnh hiệu đính vào cuối thế kỷ 14. Đại Việt Sử Ký của Ngô Sĩ Liên chép “Khi Hùng Vương lên ngôi dựng nước gọi là nước Văn Lang, nước ấy phía Đông giáp biển Nam, phía Tây tới Ba Thục phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam tiếp với nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành” . Kết quả đo chỉ số sọ của khoa Khảo Tiền Sử cho chúng ta thấy rằng những cư dân mà họ gọi là Indonesian chính là Pre-Vietnamese = Hundred-Viets đã di chuyển xuống dọc lưu vực sông Dương Tử. Đây là những chi Việt tộc đầu tiên từ cao nguyên Tibetan tiến dọc lưu vực sông Dương Tử xuống vùng rừng núi Dân, núi Ba, núi Thục gọi là Châu Phong ở đất Ba Thục (Tứ Xuyên). Nguồn sách sử trên xác minh tính hiện thực của truyền thuyết phù hợp với cương giới của nước Văn Lang xưa.

         Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: “Hùng Vương chia nước ra làm 15 bộ là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm và Tượng Quận”. Vua Hùng dựng nước Văn Lang và chọn kinh đô là châu Phong là vùng đất ở giữa 2 dãy núi của xứ Tạng và Tứ Xuyên, nơi phát nguồn của 4 con sông chảy xuôi Nam và sang hướng Đông. Bốn con sông này cùng họp nhau tại vùng “Min-Ya-Kon-Kạ” là chỗ 4 dòng sông chảy sát liền nhau là sông Minh Giang (Min), sông Dạ Lang (Ya), sông Mê Kông (Kon) và sông Dương Tử (Kạ) lúc trước là đất Dạ Lang vùng  Ba Thục, sau đổi tên là Tứ Xuyên. Trên thực tế, khi mực nước biển rút dần thì người Việt cổ Ancient Vietnamese cũng tiến dần xuống Trung nguyên theo lưu vực các con sông Nguồn, sông Dương Tử và Hoàng Hà. Nhánh Pre-Vietnamese từ thượng nguồn sông Cửu Long và Dương Tử tiến xuống định cư ở vùng lòng chảo đất đỏ ở Tứ Xuyên và lòng chảo Dạ Lang nên chúng tôi gọi là Hundred-Viets tức Bách Việt (Bai-Yue). 

         Truyền kỳ lịch sử về khởi nguyên dân tộc kể rằng “Đế Minh, cháu 3 đời của Thần Nông truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ (Xích Quy). Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 TDL, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, Đế Lai sinh ra Âu Cơ rồi truyền ngôi cho con là Đế Du Võng… Đế Lai dẫn con gái tuần du phương Nam, Âu Cơ gặp Lạc Long Quân nên duyên chồng vợ sinh ra trăm trứng nở thành trăm người con trai, khởi thủy trăm con của dòng giống Bách Việt”.

         Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc nhắn gửi cho cháu con hậu thế về nguyên ủy của dòng giống Bách Việt. Lạc Long Quân dòng Thần Nông phương Nam lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc sinh ra dòng giống Bách Việt.[1]

         Truyền thuyết cũng cho biết rằng, mẹ Âu cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt. Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Chiết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây. Sách sử Trung Quốc ghi Đông Việt là nước Việt ở Ngô Thành Giang Tây, nước Việt ở Ninh Hương Hồ Nam, nước U Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Chiết Giang, Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam.

         Truyền thuyết kể rằng mẹ Âu hoài thoai sinh ra một bọc trăm trứng sau nở thành một trăm người con trai… Năm mươi con theo mẹ ở lại miền cao, năm mươi con theo bố xuống miền đồng bằng, mỗi người tới một nơi phát cỏ khai hoang lập ấp trở thành một dòng họ rồi thành một chi tộc Việt nên dân gian mới gọi là “Trăm Họ” là “Bách Tính” hay “Bá Tánh. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt gồm các nước Việt rải rác khắp lãnh thổ Trung Quốc bây giờ đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên.

         Ngày nay các học giả quốc tế đều thừa nhận Việt Nam với nền văn hoá Hoà Bình là cái nôi của nghề trồng lúa nước đầu tiên trên thế giới và chính từ cái nôi này nghề trồng lúa nước đã lan truyền lên Trung Quốc, sang vùng Địa Trung Hải vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất TDL. Nền văn minh nông nghiệp của Việt tộc đã góp phần to lớn trong việc thuần hoá, biến cải giống lúa, cải tiến phương pháp canh tác góp phần tăng gia sản xuất lương thực để nuôi sống nhân loại. Giới khảo cổ quốc tế cũng thừa nhận người Việt cổ thời Đông Sơn là cư dân nông nghiệp, giỏi về luyện kim, đúc đồng thau và sắt.

         Từ các công trình nghiên cứu về nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học đến các kết quả khoa học thuyết phục của khoa Khảo cổ, Khảo tiền sử, Huyết học, Di truyền học và Đại dương học đã phục hồi một sự thật lịch sử, đó là “Lịch sử Trung Hoa Thời Cổ Đại” là của đại tộc Việt từ Nghiêu Thuấn Vũ, nhà Hạ là của Việt tộc với các nền văn hóa cổ đại mà trước đây xem là của Trung Quốc. Lịch sử Trung Quốc thật sự chỉ bắt đầu từ năm 1.600 TDL sau khi Thành Thương tộc Thương đánh chiếm nhà Hạ, Bách Việt phải vượt sông Hoàng Hà chạy xuống phương Nam thành lập các nước Việt …

        Thực tế lịch sử này đã được các nhà Trung Hoa học toàn thế giới tham dự Hội Nghị Quốc tế về Nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa tổ chức tại đại học Berkeley Caifornia Hoa Kỳ năm 1978 đã kết luận là “Tộc người Di Việt chiếm lĩnh Trung nguyên trước tiên và Hán tộc đã tiếp thu nền văn hóa của tộc người Di Việt”.


[1] Truyền kỳ lịch sử này được Liễu Nghị đời Đường sao chép lại trong sử Đường như một Dị bản để nói lên cội nguồn Nam Bắc một nhà.  “Truyện kể cô con gái của vua hồ Động Đình vì lấy con một thứ dân ở đất Kinh Xuyên nên bị đuổi đi chăn dê. Sau cô gặp được Liễu Nghị, một học trò đi thi về đến đất Kinh Dương (Thiểm Tây) và nhờ Liễu Nghị đưa thư cho vua cha, nhờ đó được trở về. Hai xứ Kinh Xuyên và Động Đình từ đó đời đời thông gia với nhau…”.


[1] Nguồn: Chinaknowledge.org.

[2] Phương chỉ cái đòng đòng lúa nên cư dân lấy tên Phương để đặt tên cho nước của cư dân nông nghiệp. Theobald (2005), Chang (1980:251).

[3] Tạ Đức: Nhà ngôn ngữ học người Anh Pulleyblank 1983 cho rằng người Đông Di cũng như người Việt, Lý, Lão ở vùng ven biển từ Triết Giang xuống Quảng Đông nói cùng một thứ tiếng Nam Á. Người Di phía Bắc cũng chính là người Việt phía Nam nên Tiếng U việt có họ hàng với tiếng Việt Nam. Nhà ngôn ngữ Hoa Kỳ La Polla (2001:232) dựa trên các bằng chứng ngôn ngữ và khảo cổ của Pulleyblank (1983), Bellwood (1992), Li Jingchong (1994), Tong (1998) đã xác định là ít nhất có 2 khối Bách Việt, một khối nói ngôn ngữ Nam Á (ven biển) và một khối ở lục địa nói tiếng Thái-Kadai và Mông-Dao…

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *