TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT
Lịch sử Việt là lịch sử của trường kỳ kháng chiến, chiến đấu và chiến thắng để tồn tại mãi tới ngày nay. Dân tộc Việt đã đánh thắng biết bao kẻ thù hung hãn quỷ quyệt bất cứ từ đâu đến, dù chúng núp dưới bất kỳ chiêu bài hoa mỹ nào. Lịch sử Việt cũng chứng minh rằng tất cả những gì xa lạ với dân tộc đều phải khuất phục trước sức sống Việt Nam, trước truyền thống anh hùng của một dân tộc có lịch sử lâu đời với gần 5 ngàn năm văn hiến. Vị trí địa lý của đất nước đặt dân tộc Việt vào thế sống còn, luôn luôn phải đối đầu với kẻ thù truyền kiếp đất rộng người đông.
Với tư tưởng chủ đạo độc tôn Đại Hán, sau khi xâm chiếm các nước bằng vũ lực rồi tiếp thu nền văn hóa của đại tộc Việt, họ tự cho mình là trung tâm của thế giới nên đặt tên là Trung Quốc. Với sức mạnh của kẻ thống trị, họ tự nhận là người có nền văn minh Hoa Hạ còn tất cả các nước đều là man di mọi rợ nên chủ trương của Hán tộc là “Đại nhất thống thiên hạ” và “Dĩ Hạ biến Di” nghĩa là lấy cái gọi là văn minh Hoa Hạ để cải biến Di địch. Thế nên, lịch sử Trung Quốc là lịch sử của những cuộc chiến tranh xâm lược bành trướng thôn tính và đồng hoá các dân tộc khác. Ngày nay các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đều thống nhất quan điểm cho rằng Hán tộc không phải là tộc người có mặt ở Trung Nguyên đầu tiên nhưng là tộc người xâm chiếm Trung Nguyên cho đến ngày nay.
Tương truyền thuở khai thiên lập địa có ông Bàn Cổ, về sau là thời Tam Hoàng, Ngũ Đế. Thời Tam Hoàng còn ăn lông ở lỗ, họ Hữu Sào mới chỉ cho dân cách làm nhà sàn để che mưa nắng.[1]Toại Nhân phát minh ra lửa để nấu chín thức ăn, Phục Hi dạy dân săn bắn, đánh lưới cá để làm kế sinh nhai. Đế Thần Nông dạy dân làm ruộng lập chợ bán buôn, tìm thuốc trị bệnh cho dân. Đế Viêm Thần Nông, thủ lĩnh của liên minh các bộ lạc lãnh đạo cuộc thiên cư đầu tiên cách đây hơn sáu ngàn năm xuống Trung Nguyên.
Khoảng một ngàn năm sau, nhánh Thần Nông định cư ở Hoa Bắc mà truyền thuyết kể là Đế Minh cháu ba đời của Đế Thần Nông truyền ngôi cho Đế Nghi năm 2879 TDL. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai, Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng thì xảy ra chiến tranh giành quyền lãnh đạo giữa các thủ lĩnh. Khi dòng Thần Nông phương Bắc tràn xuống Trung Nguyên, Li Vưu (Xuy Vưu) là chúa tể của Cửu Lê đem quân đánh Đế Du Võng.[2]Thủ lĩnh bộ lạc Hữu Hùng Thị (họ Hữu Hùng) lãnh đạo các bộ lạc khác đem quân đánh và giết chết Li Vưu ở Trác Lộc, đuổi Du Võng về Lạc Ấp và chết ở đó. Các bộ lạc tôn thủ lĩnh Hữu Hùng Thị lên ngôi cộng chủ và gọi là Hoàng Đế.[3]
Cổ sử Trung Hoa chép rằng Đế Hoàng bình định các nơi, mở mang bờ cõi, đặt ra y phục, xây dựng nhà cửa cung thất, chế đồ dùng bằng đồng để thay đồ bằng đá, chế xe cộ, ghe thuyền… Nguyên phi là Luy Tổ phát minh ra nghề nuôi tằm và chế ra thứ se để kéo kén ra tơ, nhà thiên văn Duy Thành phát minh ra máy Cái Thiên để quan sát thiên văn khí tượng. Đế Hoàng sai Thương Hiệt chế ra lối chữ tượng hình chân chim để thay cho lối chữ thắt nút (kết thằng) thời Đế Viêm.
Sách sử cổ ghi rõ Chuyên Húc thuộc dòng họ Cao Tân Cao Dương của tộc Việt còn lưu lại dấu ấn trong sự tích trầu cau. Đế Cốc thay Đế Chuyên Húc lại là cháu của vua Thiếu Hạo, dòng Thần Nông thờ chim là vật biểu, chính là chi Âu Việt (tộc thờ chim) của tộc Việt. Cổ sử Trung Hoa chép rằng “Đế Chí vi nhược, chư hầu tôn Nghiêu, con Đế Cốc lên thay”. Đế Nghiêu lên ngôi lấy tên nước là Đường, đóng đô ở Bình Dương thuộc Hà Đông tỉnh Sơn Tây. Đế Nghiêu họ Đào Đường là con thứ của Đế Cốc, em Đế Chí nhưng vì Đế Chí nhu nhược nên chư hầu tôn Nghiêu lên làm vua lấy hiệu là Đường Nghiêu. Sự thật lịch sử này sẽ làm đảo lộn tất cả những sử sách kinh điển của Hán tộc viết theo lý của kẻ mạnh để “Lộng giả thành chân” khiến mọi người tin theo bao đời nay.
Sử Trung Quốc chép rằng Hoàng Đế bình định các nơi, mở mang bờ cõi, đặt ra y phục, xây dựng nhà cửa, cung thất, chế đồ dùng bằng đồng để thay đồ đá, xe cộ, ghe thuyền. Nguyên phi của Đế Hoàng là Lũy Tổ phát minh ra nghề nuôi tằm và chế ra thứ xe để kéo kén ra tơ, nhà thiên văn Duy Thành phát minh ra máy Cái Thiên để quan sát hiện tượng. Thương Hiệt chế ra văn tự tượng hình để thay cho lối chữ thắt nút thời Viêm Đế.
Hoàng Đế truyền ngôi cho con là Thiếu Hạo rồi Xuyên Húc, Đế Cốc, Đế Chí. Sách xưa gọi Hoàng Đế,Thiếu Hạo, Xuyên Húc, Đế Cốc, Đế Chí là Ngũ đế còn Tam Hoàng là Toại Nhân, Phục Hi, Thần Nông.[4]Cổ sử chép “Đế Chí vi nhược, chư hầu tôn ông Nghiêu, con Đế Cốc lên thay”.[5]
Đế Nghiêu lên ngôi lấy quốc hiệu là Đường, đóng đô ở Bình Dương thuộc đạo Hà Đông tỉnh Sơn Tây. Đế Nghiêu họ Đào Đường chăm lo việc chính trị, cai trị nhân đức. Sai ông Hi và Hoà làm lịch để dân biết thời vụ mà làm nông. Lịch thời đó gồm có 360 ngày, có tháng nhuần. Trăm họ cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, an hưởng thái bình. Đế Nghiêu được Ông Thuấn giúp việc tuần thú và giao tiếp chư hầu. Con vua Nghiêu là Đan Châu kém cỏi bất tài nên Đế Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn là người hiếu thảo và có tài. Vì thế mà Đào Đường thị Đế Nghiêu được hậu thế ca tụng là tài đức song toàn, truyền ngôi cho người hiền mà không truyền cho con.[6]
Tương truyền họ Đào Đường làm vua từ 2356 đến 2255TDL thì truyền ngôi cho ông Thuấn là người có đức có tài. Thuấn lên ngôi đóng đô ở Bồ Bản thuộc đạo Hà Đông tỉnh Sơn Tây, đổi quốc hiệu là NGU. Đế Thuấn sai ông Vũ đi trị lụt, đặt ra lệ tuần thú, lập nhà học Thượng Tường và Hạ Tường. Theo Mạnh Tử thì Đế Thuấn là người Đông Di tức Lạc bộ Trĩ của Việt tộc (Thuấn Đông Di chi nhân) nhưng Tư Mã Thiên vì đưa Đế Hoàng vào ngôi Cộng chủ cúa Hán tộc nên bao biện rằng gọi Thuấn là người Đông Di vì theo thói quen!. Đế Thuấn được nhiều hiền tài ra giúp như ông Tiết, Cao Dao, ông Ích, ông Tắc.
Đế Thuấn ở ngôi được 18 năm, con là Thương Quân không theo nổi nghiệp cha nên Đế Thuấn truyền ngôi cho người hiền là ông Vũ. Vua Vũ là cháu huyền tôn vua Đế Hoàng, con của ông Cổn từng làm quan triều Nghiêu Thuấn.[7] Đời vua Nghiêu có lụt lớn, vua sai ông Cổn trị thủy. Cổn cho đắp đê nhưng nước lại dâng lên cao. Thuấn lên ngôi cử ông Vũ thay cha đi trị thủy, Vũ dùng cách sơ đạo, khai thông sông ngòi cho nước thuận dòng chảy ra biển, nước rút suốt 13 năm trời mới hết.
Khi lên ngôi, Vũ dời đô về An Ấp thuộc đạo Hà Đông tỉnh Sơn Tây và đổi tên nước là Hạ. Vua Vũ chia nước làm chín châu là châu Kỳ, châu Duyên, châu Dự, châu Thanh, châu Từ, châu Dương, châu Kinh, châu Lương và châu Ung rồi định lệ cống, thuế cho các châu. Vua Vũ đặt ra Cửu Trù để định rõ các mối luân thường và chính trị và thường hội các chư hầu ở núi Đồ Sơn. Lúc dân bị nạn lụt, vua Vũ muốn truyền ngôi cho người hiền là ông Ích nhưng thái tử Khải là người hiền nên khi vua băng, các chư hầu tôn thái tử lên thay tức là Đế Khải.[8]Ngôi vua từ chế độ “truyền hiền bất truyền tử” thời thịnh trị Đường Ngu chuyển sang chế độ quân chủ thế tập kể từ đó. Đến đời vua Kiệt say mê Muội Hỷ, đắm chìm trong tửu sắc không ngó ngàng gì đến việc triều chính mà chỉ lo xây cung điện, giết gián thần Long Bàn nên bị vua nước Thương là Thành Thang đem quân vào đánh tiêu diệt nhà Hạ.
Tính ra nhà Hạ gồm tất cả 18 đời vua trị vì hơn 432 năm. Theo Từ Hải và các bộ sử cũ thì triều Thương bắt đầu từ khoảng 1766 TDL và chấm dứt năm 1122 TDL. Kinh đô đầu tiên ở đất Bạc, sau đến đời Bàn Canh phải dời về đồi Ân nên đổi tên Thương là Ân. Chính thời kỳ này giặc Ân vượt Hoàng Hà xâm chiếm Xích Quy cổ sơ của ta ở Trung Nguyên nhưng thất bại còn ghi dấu trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên vương.[9]
Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương
[1] Hữu Sào: Tương truyền Toại Nhân họ Hữu sào thuở ban sơ, dạy dân cách làm nhà trên cây để tránh thú dữ làm hại. Điểu tục hữu sào là tục của chim làm tổ trên cây, thuở xa xưa chi Âu Việt thờ vật tổ là chim nên làm nhà sàn cách mặt đất để tránh thú dữ. Hán tộc thuở xưa còn ở trong hang nhưng vẫn chê tục làm nhà sàn của người Việt cổ là làm tổ trên cây bên sườn núi!
[2] Li Vưu: các sách cổ TQ chép là Xi Vưu để miệt thị người Việt cổ. Theo Kim Định thì nguyên là Li Vưu nghĩa là Rồng cao cả phi thường. Theo Ngũ Đế kỷ thì Li Vưu là hậu duệ của dòng Thần Nông phương Nam. Nguồn thư tịch khác cũng cho biết thêm Li Vưu là chúa tể của tộc Miêu, một chi tộc trong Bách Việt ở phương Nam.
[3] Hoàng Đế: Cổ thư chép Hoàng Đế sinh ở gò Hiên Viên nên còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế Cổ sử TQ nhận Hoàng Đế là thủ lĩnh liên minh các bộ lạc, sau khi đánh bại Li Vưu lên ngôi cộng chủ là Tổ của Hán tộc. Thế nhưng các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đó chỉ là sự mạo nhận mà thôi. Thực ra Hoàng Đế là Đế Hoàng, vua nước Hữu Hùng là người Việt cổ, lấy đức thổ làm vua nên gọi là Hoàng Đế.
[4] Cổ thư TQ lại chép ngũ đế là Hoàng Đế, Xuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
[5] Đế Chí yếu đuối kém cỏi nên chư hầu tôn ông Nghiêu ỏ đất Ký lên ngôi vua Đế Nghiêu là con thứ của Đế Cốc, em của Đế Chí. Đế Cốc là cháu Đế Thiếu Hạo (2597TDL). Thiếu Hạo họ Kim Thiên dòng Thần Nông có tục thờ vật tổ Chim (Thái Hạo thờ Rồng, Thiếu Hạo thờ chim). Tương truyền, Thiếu Hạo được Tả chí lập nên nhờ có một đội quân đội lốt chim muông từ phương Tây qua đánh thắng thú rừng nên sử gia Tư Mã Thiên không công nhận Đế Thiếu Hạo vì cho rằng Thiếu Hạo cướp ngôi vua của con Hoàng Đế. Thiếu Hạo cai trị thay Đế Hoàng từ 2597- 2514 TDL. (Theo nhà nghiên cứu Tiên Tích Việt, gs Nguyễn Đoàn Tuân).
[6] Truyền hiền bất truyền tử: Ngày nay thường ca tụng Thuở Nghiêu Thuấn là thời đại “Truyền hiền bất truyền tử”, thời thái bình thịnh trị nên chọn người hiền để truyền ngôi chứ không truyền ngôi cho con. Đến đời nhà Hạ mới truyền ngôi cho con mở đầu cho thời quân chủ thế tập. Theo Tiên Tích Việt thì truyền thống người Việt cổ xưa xem ngôi vua là Nhân quân nên khi dòng sinh vượng khí của dòng họ đã hết thì tìm người xứng đáng để nhường ngôi để tránh chuyện tranh giành soán đoạt ngôi vua gây bao nỗi đoạn trường cho trăm họ. Đây chính là chế độ suy cử Thủ lĩnh Quân trưởng của người Việt cổ.
[7][7] Đế Thuấn ( 2255 – 2205 TDL ) truyền ngôi cho Vũ còn gọi là Đại Vũ hoặc Hạ Vũ vì là thủy tổ nhà Hạ, có công trị thủy. Chính Khổng Tử cũng phải ca ngợi: “Không chê vào đâu được vì vua Vũ sống đạm bạc mà cúng tế quỷ thần thì trọng hậu”.
[8] Theo Nguyễn Hiến Lê trong Sử Trung Quốc thì sự thật lúc đó, chế độ thị tộc đã không còn bầu thủ lĩnh nữa mà truyền ngôi thủ lĩnh cho con hoặc em.
[9] Thời kỳ này, sử TQ ghi là nhà Ân đánh nước Quỷ Phương, đóng quân ở đất Kinh. Huyền tích Việt kể rằng giặc Ân xâm lược nước ta vào đời vua Hùng thứ sáu bị cậu bé nhà Trời làng Gióng dùng roi sắt đánh cho tan tác. Sau khi thắng giặc Ân, cậu bé bay lên trời. Nhân dân suy tôn là Phù Đổng Thiên Vương.
Đóng Góp Ý Kiến