TÂM TÌNH LỊCH SỬ

KÍNH DÂNG

HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

DÒNG GIỐNG RỒNG TIÊN

QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG LẬP QUỐC

ANH THƯ HÀO KIỆT                                                                    

ĐỜI ĐỜI BẢO QUỐC AN DÂN

Sông núi trời Nam của nước Nam

Sách trời định rõ tự muôn ngàn

Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn

Chuốc lấy bại vong, lũ bạo tàn…

PHẠM TRẦN ANH

cẩn dịch

Nhớ xưa Quốc Tổ dựng nền

Ngàn năm văn hiến sử thiên anh hùng

Bọc điều trăm họ thai chung

Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam!

PHẠM TRẦN ANH

Image result for hình ảnh vua trần nhân tông

DI CHÚC MUÔN ĐỜI !

“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải mà ta phải nghĩ tới chuyện khác lớn hơn là họ không bao giờ tôn trọng biên giới quy ước. Họ cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác… Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau. Quá khứ là gốc rễ của tương lai, rễ càng đâm sâu thì cây mới vững vàng và càng vươn cao”.

VUA TRẦN NHÂN TÔNG

(1279-1293)

Tượng đồng vua Lê Thánh Tông                                                                         ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám Hà Nội.

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho gìặc, thì phải tội tru di…”.

VUA LÊ THÁNH TÔNG                                                                 (1460-1497)

“DUY NGÃ ĐẠI VIỆT CHI QUỐC

THỰC VI VĂN HIẾN CHI BANG…”

NGUYỄN TRÃI

“CHỈ NƯỚC ĐẠI VIỆT TA TỪ TRƯỚC

MỚI CÓ NỀN VĂN HIẾN NGÀN NĂM…”

PHẠM TRẦN ANH

Cẩn dịch

“Chúng ta đều do Tổ Tiên sinh ra, không cứ là trai gái già trẻ, không cứ là chi tộc nào, dòng họ nào. Mọi người đều là CON RỒNG CHÁU TIÊN, từ một bào thai của mẹ Âu nên tất cả đều từ một mẹ sinh ra các ngành các chi mà thôi.

  Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.

  Ngưỡng mộ và tưởng nhớ Tổ Tiên, chúng ta hãy lấy việc siêng năng mà bồi đắp cho gốc rễ. Lấy sự cần kiệm làm răn rồi tu nhân tích đức, giàu lòng thương người hơn là chê bai ghen ghét người.

  Là con cháu thì chúng ta phải nối tiếp truyền thống của Tổ Tiên, chứ lẽ nào con cháu mà lại không suy nghĩ về ý nghĩa thâm trầm cao đẹp nói trên hay sao?.”

HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

(Nói chuyện với các bô lão làng Vân Nội)

BÁCH VIỆT TỪ ĐƯỜNG TỘC PHẢ

Chú giải của La Sơn Phu Tử

“Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đây ứng xử như vậy… Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó hành động như thế”.

KHỔNG PHU TỬ

 “Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông hun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”.

HÁN HIẾN ĐẾ (189-220)

“Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy…”.

TƯ MÃ THIÊN

“Tên Giao Chỉ đã có từ lâu. Kinh Thư gọi là Minh Đô, thực đáng là cái vực sâu, cái chằm rậm chứa đựng văn minh của nhân loại”.[1]

LÊ QUÝ ĐÔN

Người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, đã ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém, chỉ thu thập văn minh và văn hóa Trung Quốc mà không tin rằng, văn hóa Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam. Những nếp sống văn hoá này đem vào Trung Hoa thời Tiền sử mang yếu tố “Biển” rõ rệt và có thể mô tả bằng một chữ, đó là chữ “VIỆT” mà trước kia thường gọi sai lầm là Thái cổ (ProtoThai).” Tôi xác định chữ Việt nay là quốc hiệu của một nước vùng Đông Nam châu Á: Nước Việt Nam. Sự thật bị che phủ hàng ngàn năm cùng với ảnh hưởng của ngàn năm thống trị nô dịch văn hóa khiến ngay cả người Việt cũng ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật …”.

J. NEEDHAM

“Ngay từ ngày lập quốc, tất cả then chốt của lịch sử Việt Nam đều ở cái tinh thần đối kháng kết hợp một cách kỳ lạ, một bên là năng lực đồng hoá lạ lùng, bên kia là ý chí quật khởi quốc gia không chịu khuất phục mặc dầu bị thua trận, bị phân tán, bị chinh phục. Hơn một ngàn năm bị sát nhập hoàn toàn vào Trung Quốc, từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên đến thế kỷ thứ mười sau kỷ nguyên, thay vì làm cho dân tộc Việt Nam kiệt quệ thì ngược lại đã làm cho dân tộc Việt trở nên hùng cường… Việt Nam đầy rẫy những triết gia hiểu biết theo nghĩa là những con người có chiều sâu tư tưởng, biết suy nghĩ trăn trở. Càng về đồng quê, thôn cùng xóm vắng thì càng nhiều, đó là xã hội lý tưởng của Platon mơ ước đã hiện thực ở Việt Nam từ lâu rồi” .

PAUL MUS

     “Chúng ta thấy ở đây là cả một nền văn minh, mọi thứ được xây dựng từ lâu. Nghệ thuật, khoa học, kể cả khoa quản lý quốc gia đều phát triển mạnh. Luật pháp, phong tục, tôn giáo, văn học, tất cả đều đã hoàn chỉnh và hòa hợp với nhau, trải qua bao nhiêu thế kỷ, đã được điều hòa và ngày càng hoàn hảo hơn. Những vết tích man rợ đã hết từ lâu. Dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức, trong khi người phương Tây còn ở trong tình trạng bán khai.

     Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói Thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn trọng lẽ phải, ghét xa hoa, không ham tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, sẵn sàng hy sinh… Đó là đức tính của người dân Việt. Tất cả người Việt Nam bình thường. mà người ta gặp bất cứ nơi đâu cũng đều như thế…”

Học giả Couve De Pouvourville

Toàn Quyền Đông Dương (Việt, Miên, Lào) 1921-1926

Văn Miếu không phải để cầu kinh hay làm bùa phép mà là nơi trang trọng ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các vị Tiến sĩ với những chuẩn mực đạo đức để con cháu đời sau ghi sâu vào tâm khảm bài học về đạo làm người Việt Nam, xứng đáng với hoài bão của Tiền Nhân”.

Nhà Việt Nam Học Henri Bernard Maitre

“Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ.”.

Linh mục Cadière

“Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ có một sức sống phi thường. Suốt mười thế kỷ bị Trung Quốc thôn tính, người Việt Nam vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc và liên tiếp nổi dậy đánh đuổi kẻ xâm lược ỷ vàosức mạnh tưởng có thể khuất phục được dân tôc này.  Lịch sử đã đặt lòng tin vào dân tộc ấy và họ đã chứng minh khả năng đề kháng, óc sáng tạo, tính kiên trì và sự thích ứng với mọi cuộc chiến gian khổ nhất, khó khăn nhất và kể cả không cân sức nhất…

Người Việt Nam tự hào với quá khứ của mình, tôn vinh những bậc vĩ nhân đã tô điểm rạng rỡ quá khứ đó và quá khứ dù xa xăm hay gần đây luôn luôn có mặt khắp nơi trên đất Việt Nam, tác động mạnh mẽ vào hiện tại và tương lai.

Nhà sử học Phillipe Devilère

“Một việc phi thường mà không một sử gia nào có thể giải thích được một cách thỏa đáng, mặc dầu đã nghiên cứu rất nhiều là tại sao sau hơn 1 ngàn năm bị đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa và Việt Nam vẫn giành lại nền độc lập dân tộc”.

G. BUTTINGER                                                                                      (The smaller Dragon, NewYork, Praeger 1958)

“Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước, yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã-hội của Tổ tiên đã xây dựng nên mà để lại cho mình”.

TRẦN TRỌNG KIM

(Việt Nam Sử Lược)

Truyền thuyết Việt Nam nói đúng hơn, là truyền kỳ lịch sử Việt Nam được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất dựa trên sự thật lịch sử được hư cấu như một huyền tích trong đó đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống.

Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, mà còn tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”.

     Đối với người Việt, việc thờ cúng Ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người trong đời sống tâm linh của người Việt. Đạo thờ cúng ông bà là một “Việt Đạo” thể hiện đạo lý làm người Việt Nam.

Việt Nam Nước Tôi

(Phạm Trần Anh)


[1]. Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, bản dịch của Phạm Vũ và Lê Hiền.

TRUYỀN KỲ LỊCH SỬ DÂN TỘC

     Mỗi dân tộc đều có những truyền kỳ lịch sử được thần thoại hoá thể hiện lòng tự hào dân tộc mang tính sử thi của mình. Thật vậy, huyền thoại Rồng Tiên về ngọn nguồn huyết thống Việt tuy đượm vẻ huyền hoặc nhưng lại tràn đầy tính hiện thực, thấm đậm nét nhân văn của truyền thống nhân đạo Việt Nam. Huyền sử con Rồng cháu Tiên là niềm tự hào của nòi giống Việt. Đã là người Việt Nam thì từ em bé thơ ngây đến cụ già trăm tuổi, từ bậc thức giả uyên bác đến bác nông dân suốt đời chân lấm tay bùn, không ai không một lần nghe truyện cổ tích Họ Hồng Bàng. Thật vậy, ai trong chúng ta mà không biết về nguồn cội Rồng Tiên với thiên tình sử của “Bố Lạc Mẹ Âu” mở đầu thời kỳ lập quốc của dòng giống Việt.

    Truyền thuyết Việt Nam nói đúng hơn, là truyền kỳ lịch sử Việt Nam được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất dựa trên sự thật lịch sử được hư cấu như một huyền tích trong đó đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống. Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, mà còn tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”.

    Từ ý niệm đồng bào dẫn đến lòng yêu nước, thương nòi, yêu quê cha đất tổ, tất cả đã trở thành giá trị đạo lý truyền thống của nền văn minh đạo đức Việt Nam. Henri Bernard Maitre một nhà Việt Nam Học đã ca tụng nét đẹp văn hiến của Việt tộc qua đền thờ Văn Miếu: “Văn Miếu không phải để cầu kinh hay làm bùa phép mà là nơi trang trọng ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các vị Tiến sĩ với những chuẩn mực đạo đức để con cháu đời sau ghi sâu vào tâm khảm bài học về đạo làm người Việt Nam, xứng đáng với hoài bão của Tiền Nhân”.

     Đối với người Việt, việc thờ cúng Ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa nên thường nghĩ tới ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày “sinh nhật” của mình. Ngày nay, dù giới trẻ quan tâm nhiều đến ngày sinh nhật nhưng cũng không quên những ngày cúng giỗ người thân trong gia đình. Đạo thờ cúng ông bà là một “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người Việt Nam. Linh mục Cadière một thừa sai ngoại quốc đến Việt Nam truyền giáo phải thốt lên “Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ”. Học giả P. Mus nghiên cứu về Việt Nam cũng thừa nhận rằng “Dân tộc Việt có một đời sống tâm linh cao, người Việt không làm việc, họ tế tự”.

    Thật vậy, người ngoại quốc ngạc nhiên khi thấy “Mỗi gia đình Việt Nam là một nhà thờ, nhà nào cũng có bàn thờ gia Tiên ở chính giữa nhà. Trong đời sống tâm linh Việt, Nhất cử nhất động, việc gì cũng tràn đầy tính chất thiêng liêng, thờ phượng, tế lễ, cúng giỗ với tất cả tấm lòng chí thành”. Đây chính là điểm đặc thù độc đáo thấm đậm bản sắc dân tộc, tràn đầy vẻ nhân văn của triết lý văn hoá nhân chủ Việt Nam. Trong đời sống tâm linh Việt không chỉ hiển hiện ở bàn thờ Gia Tiên mà đền thờ ngự trong tâm thức mỗi người.“Người Việt không tham dự vào các buổi lễ để được ban phát ân sủng, mà họ hiệp thông cầu nguyện như một người “Tư Tế” với tất cả tính chất thiêng liêng của một tôn giáo”. Điều này thể hiện giá trị cao đẹp đặc trưng đời sống tâm linh của người Việt cổ.

    Thờ cúng tổ tiên chính là đạo lý làm người, là dòng sống tâm linh thiêng liêng cao cả truyền từ đời này sang đời khác. Chính dòng sống tâm linh này đã góp phần bảo tồn dòng giống Việt. Truyền thống thờ cúng ông bà không còn là một tập tục, một tín ngưỡng đơn thuần mà đã trở thành đạo lý của dân tộc. Thờ cúng ông bà được xem như Tổ Tiên chính giáo của đạo làm người Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX đã ân cần nhắc nhở “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”. Người Việt Nam ai cũng biết uống nước phải nhớ nguồn vì “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là đạo con ..!” và “ Ơn cha mẹ thề không lỗi đạo, Thờ sống sao thờ thác làm vầy. Công cha nghĩa mẹ xưa nay, Con nguyền ghi nhớ thảo ngay một lòng”. 

    Đây chính là điểm độc đáo của dòng sống tâm linh Việt vẫn tiếp nối truyền lưu trong mỗi con người Việt Nam chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Thật vậy bên cạnh đời sống thực tế khổ đau trước mắt, vẫn hiển hiện một đời sống tâm linh sâu thẳm, thấm đậm tính nhân bản hiện thực cao đẹp. Chính dòng sống tâm linh đó đã tạo cho mỗi người Việt Nam một quan niệm sống lạc quan yêu đời, an nhiên tự tại nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nền độc lập thực sự, quyền tự do thực sự và sự ấm no hạnh phúc thực sự cho toàn dân Việt Nam.

   Lịch sử Việt là lịch sử của sự thăng trầm từ khi lập quốc đến ngày nay với gần một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, gần một trăm năm nô lệ giặc Tây và hơn nửa thế kỷ nô dịch chủ nghỉa vô thần, Hán hóa dân tộc. Trong suốt trường kỳ lịch sử, Hán tộc bành trướng với ưu thế của một nước lớn đất rộng người đông cùng với những thủ đoạn thâm độc quỷ quyệt xóa đi mọi dấu vết cội nguồn, bóp méo sửa đổi lịch sử khiến thế hệ sau chỉ biết tìm về lịch sử trong cái gọi là “chính sử” hỗn độn mơ hồ.

    Mỗi một triều đại Hán tộc đều chủ tâm thay đổi địa danh, thủy danh xưa cũ của Việt tộc cùng với ảnh hưởng nặng nề của gần một ngàn năm nô dịch văn hóa nên từ trước tới nay, chúng ta chấp nhận tất cả như một sự thật mà không một chút bận tâm. Thế nhưng, lịch sử vẫn là lịch sử của sự thật dù bị sửa đổi vùi lấp hàng nghìn năm dưới ánh sáng của chân lý khách quan trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại. Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, ánh sáng của sự thật soi rọi vào quá khứ bị che phủ hàng ngàn năm bởi kẻ thù Hán tộc bành trướng.

    Trước đây, nhân loại cứ tưởng tất cả nền văn minh Tây phương là của Hy Lạp La Mã, để rồi sau đó lại cho là nền văn minh đó đến từ nền văn minh của Trung Quốc. Cuối thiên niên kỷ thứ hai, nhân loại lại ngỡ ngàng khi thấy rằng cái gọi là nền văn minh Trung Quốc lại chính là nền văn minh của đại chủng Bách Việt.  Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhìn lại toàn bộ lịch sử Việt để phục hồi sự thật của lịch sử để xóa tan đám mây mờ che lấp suốt mấy ngàn năm lịch sử bởi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

    Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không một dân tộc nào chịu nhiều mất mát trầm luân như dân tộc Việt với những thăng trầm lịch sử, những khốn khó thương đau. Ngay từ thời lập quốc, Việt tộc đã bị Hán tộc với sức mạnh của tộc người du mục đã đánh đuổi Việt tộc phải rời bỏ địa bàn Trung nguyên Trung Quốc xuống phương Nam để rồi trụ lại phần đất Việt Nam bây giờ. Trải qua gần một ngàn năm đô hộ, với chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938 của Ngô Quyền mới chính thức mở ra thời kỳ độc lập của Việt tộc.

   Trong suốt trường kỳ lịch sử, tuy bị Hán tộc xâm lấn phải bỏ trung nguyên xuống phương Nam nhưng nền văn hóa của Việt tộc đã thẩm nhập vào đất nước và con người Hán tộc để hình thành “Cái gọi là văn minh Trung Quốc”. Chính sử gia chính thống của Hán tộc là Tư Mã Thiên đã phải thừa nhận một sự thực là: “Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy …”.[1]

    Vạn thế sư biểu, Người Thầy muôn đời của Hán tộc là Khổng Tử đã ca tụng nền văn minh rực rỡ, xác nhận tính ưu việt của nền văn minh Bách Việt ở phương Nam. Trong sách Trung Dung Khổng Tử đã viết như sau: “Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ứng xử như vậy..!  Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường bạo hành động như thế…”.[2]

    Trong kinh “Xuân Thu”, Khổng Tử đã ghi lại bao nhiêu trường hợp cha giết con, con giết cha, cha cướp vợ của con, con cướp vợ của cha, anh chị em dâm loạn với nhau, bề tôi giết chúa … Điều này chứng tỏ Hán tộc du mục vẫn còn dã man mạnh được yếu thua, bất kể tình người, bất kể luân lý đạo đức. Thế mà sách sử Trung Quốc vẫn miệt thị Việt tộc là man di, các Thứ Sử Thái Thú Hán vẫn lên mặt giáo hóa dân Việt trong khi Bách Việt ở phương Nam đã đi vào nền nếp của văn minh nông nghiệp từ lâu. Chính “Vạn thế Sư biểu” của Hán tộc là Khổng Tử đã phải đem những nghiên cứu, sưu tập, học hỏi tinh hoa của nền văn minh Bách Việt phương Nam đặt để thành những tôn ti trật tự, những giá trị đạo lý cho xã hội Trung Quốc.

    Tất cả năm bộ Kinh Điển, “Ngũ Kinh” được xem như tinh hoa của Hán tộc đã được chính Khổng Tử xác nhận là ông chỉ kể lại “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”, chép lại của tiền nhân chứ không phải do ông sáng tác ra. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi khi giới nghiên cứu đều xác nhận hầu hết các phát minh gọi là văn minh Trung Quốc, từ nền văn minh nông nghiệp đến văn minh kim loại, kỹ thuật đúc đồng, cách làm giấy, cách nấu thủy tinh, cách làm thuốc súng, kiến trúc nóc oằn mái và đầu dao cong vút … tất cả đều là của nền văn minh Bách Việt. Chính Hán Hiến Đế, vị vua cuối cùng của triều Hán đã phải thừa nhận như sau: “Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông un đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất …”.

    Bước sang thế kỷ XX, dân tộc Việt chưa tháo gỡ được cái ách thống trị của thực dân Pháp thì chủ nghĩa cộng sản đã tràn vào Việt Nam đưa dân tộc Việt vào thế khốn cùng. Cộng sản Việt Nam đã núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản, tạo cơ hội cho tư bản nhân danh thế giới tự do phải ngăn chặn làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á. Hậu quả là hàng triệu người đã phải hi sinh oan uổng để rồi hơn chín mươi triệu đồng bào đang phải sống dở chết dở dưới chế độ cộng sản bạo tàn phi nhân của tập đoàn Việt gian Cộng sản, những tên “Thái Thú xác Việt hồn Tàu” bất nhân hại dân bán nước.

    Với chủ trương nô dịch của cộng sản, biết bao thế hệ Việt Nam bị nhồi nhét nền văn hóa Mác-Lê phi nhân tàn bạo mà hậu qủa là tạo ra những cỗ máy vô hồn, những con người vô cảm lạnh lùng, mất gốc. Trong khi đó, gần 4 triệu đồng bào Việt Nam tỵ nạn Cộng sản trên khắp thế giới nên thế hệ con em chúng ta ở hải ngoại phần nào bị ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai mang tính thực dụng, quên đi bản sắc văn hóa truyền thống Việt chan chứa tình người.

    Chính vì vậy, vấn đề hết sức khẩn thiết là làm sao phải phục hoạt văn hóa Việt, phục hưng minh triết Việt để tẩy rửa mọi ý hệ ngoại lai, mọi ý đồ truyền bá văn hóa “Trung Quốc” đang được “những tên Thái thú mới”, “xác Việt hồn Tàu” đang thi hành mệnh lệnh của quan thầy Trung Cộng ra sức nhồi sọ dân tộc Việt. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết việc tìm hiểu về huyền thoại Rồng Tiên, khởi nguyên dân tộc Việt Nam với nền văn minh Việt cổ là một yêu cầu lịch sử hết sức cần thiết.

    Chúng ta phải làm sao xứng đáng với tiền nhân, chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn với hồn thiêng sông núi, với anh linh của những anh hùng liệt nữ Việt Nam. Toàn thể đồng bào trong nước và Hải ngoại cùng nắm chặt tay nhau, muôn người như một cùng đứng lên đáp lời sông núi để cứu quốc và hưng quốc, tô điểm giang sơn gấm vóc, xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng. Chúng ta hãnh diện được làm người Việt Nam thuộc một đại chủng lớn của nhân loại để ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

    Chính niềm tự hào dân tộc sẽ thôi thúc lòng yêu nước của toàn thể đồng bào Việt Nam chúng ta, nhất là thế hệ trẻ trong nước và Hải ngoại để vươn lên làm một cuộc cách mạng Đại Việt Nam: “Cách Mạng Hóa-Hiện Đại Hóa Việt Nam”. Điều kiện khách quan của lịch sử đã tạo cho dân tộc chúng ta một thế hệ trẻ có đầy đủ tri thức thời đại để hoàn thành một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật siêu vượt, đưa đất nước chúng ta bước lên sánh vai cùng các cường quốc trong thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

    Thế kỷ 20, chúng ta có bộ Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim và Lịch Sử Việt Nam Thời Thượng Cổ-Việt Nam, Đất Nước Con Người của sử gia Đào Duy Anh. Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bực của khoa học, đặc biệt là Khoa Di Truyền học và khoa Đại Dương học đã cung cấp cho chúng ta những kết quả khoa học thuyết phục nhất về nguồn gốc dân tộc. Các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học đã góp phần phục hồi sự thật lịch sử về cội nguồn văn hóa Việt, văn minh Việt mà chúng ta, những con dân đất Việt phải trân trọng bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống Việt, một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến.

    Trong ý hướng đó, chúng tôi cố gắng tóm lược lịch sử Việt từ thời lập quốc cho đến ngày nay trong tác phẩm “Lược Sử Việt Nam” để thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rõ tường tận lịch sử nước nhà.

    Khi thế hệ con em chúng ta hiểu rõ về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt, về đời sống văn hoá tâm linh Việt, về những lễ tết, hội hè đình đám của dân tộc Việt thì thế hệ con em chúng ta sẽ thấy rõ hơn giá trị cao đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống nhân bản Việt. Con em chúng ta có quyền tự hào là “con Rồng cháu Tiên” của một dân tộc có lịch sử lâu đời như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã  tuyên xưng: “Chỉ  nước Đại Việt ta từ  trước, mới có  nền văn hiến ngàn năm”.   

Tổ Quốc Việt Nam Trường Tồn                                                                   Dân Tộc Việt Nam Bất Diệt                                                                           Việt Nam Muôn Năm

Mùa Giỗ Tổ 4.893 Việt Lịch (2014 DL)

PHẠM TRẦN ANH


[1] Âu Đại Nhậm: Bách Việt Tiên Hiền Chí. Bản dịch của Trần Lam Giang, TTVHVN trang 17.

[2] Tử lộ vấn cường. Tử viết “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức chi cường dư?

Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, Bắc phương chi cường dã, nhi cường dã cư chi.  Cố quân tử hòa nhi bất lưu: Cường tai kiểu,  trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu. Quốc hữu đạo bất biến tắc yên, cường tai kiểu. Quốc vô đạo,chi tử bất biến, cường tai kiểu”. Tử Lộ hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói: “Là cái cương cường của người phương Nam ư? Hay là nói cái cương cường của người phương Bắc? Hay là nói cái cương cường của riêng ngươi?

Dạy bảo người ta một cách khoan dung, không trả thù kẻ vô đạo, đó là cái cương cường của người phương Nam, người quân tử giữ sự cương cường đó… Còn cứng như sắt thép, dẫu chết cũng không sợ, đó là cái cương cường của người phương Bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cương cường này. Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cương cường chân chính”.

You may also like...