TRƯNG NỮ VƯƠNG, ANH THƯ NƯỚC VIỆT
Kỷ niệm ngày Giỗ Trưng Nữ Vương 6-2 Âm Lịch
TRƯNG NỮ VƯƠNG
ANH THƯ NƯỚC VIỆT
Từ xa xưa mãi cho đến ngày nay, hàng năm toàn dân Việt vẫn tổ chức Đại lễ kỷ niệm “Hai Bà Trưng” với tất cả sự thành kính xen lẫn niềm tự hào về hai Bà, bậc nữ lưu Việt tộc đã lưu lại trang sử oanh liệt hào hùng của dân tộc. Thế nhưng, cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa biết gì hơn về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng ngoài những sách sử của Trung Quốc ghi chép lại với luận điệu của “Thiên triều” nước lớn mà các nước nhỏ phải thần phục. Vì vậy những cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược thì sử Trung Quốc ghi là làm loạn, nổi loạn …. Một vấn đề khác cần phải làm sáng tỏ để trả lại những gì của lịch sử cho lịch sử, đó là phục hồi tính trung thực khách quan của sự thật lịch sử.
Vấn đề là tìm hiểu xem hoàn cảnh lịch sử của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và nơi đã xảy ra cuộc chiến đầu tiên của Hai bà với quân xâm lược. Nói cách khác, chúng ta phải tìm lại nơi Hai Bà đã khởi nghĩa ở đâu và có thật Bà Trưng chỉ nổi dậy chống lại quân xâm lược vì sự tham bạo của Tô Định để trả thù riêng cho chồng hay không? Khi trả lời được những câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy toàn bộ vấn đề với ý nghĩa cao đẹp của sự thật lịch sử bị chôn vùi hơn 2 ngàn năm nay.
BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC Ở HỒ NAM.
Trưng Trắc là con Lạc tướng đất Mê Linh thuộc danh gia vọng tộc nên đã kết duyên với danh sĩ đất Giao Châu, con của Lạc tướng Chu Diên để chung lo đại cuộc như hịch xuất quân của vua Bà” Một xin rửa sạch thù nhà, hai xin nối lại nghiệp xưa vua Hùng ..”. Sách “ Lĩnh Nam Chích quái” chép: “Hai Bà Trưng vốn dòng họ Hùng, chị tên Trắc, em tên Nhị, người ở huyện Mê Linh đất Phong Châu, con gái quan Hùng Tướng đất Giao Châu”. Mê Linh ở đây là tên vùng đất và tên con sông ở Trường Sa, miền Nam Tiến Tang, quận Tường Kha tỉnh Hồ Nam TQ bây giờ. Đất Phong Châu ở đây mà sách sử cũ gọi là Phong Châu Thượng ở giữa Quí Châu và Vân Nam, còn Phong Châu ở Phú Thọ Bắc VN là tên sau này do Triều Đường khi đô hộ nước ta mới đặt tên năm 622.
Khi Thái thú Tô Định đem quân sang chiếm đóng Trường Sa, mục tiêu đầu tiên là quân giặc phải tiến đánh căn cứ của Lạc tướng Thi. Sách “Thiên Nam Ngữ lục” chép : “Khi thấy thế quân địch qúa mạnh, Thi khuyên vợ nên đi đường tắt về Hát Môn huy động quân sĩ, lập thành lũy chuẩn bị dụng binh. Bị đại quân địch vây đánh bất ngờ nên danh tướng Thi chống cự không nổi nên giết chết, quân giặc đốt phá dinh thự rồi xua quân tràn vào làng mạc cướp của giết người hết sức dã man .”.
Nhận được hung tin, Hai Bà làm lễ tế cờ rồi truyền hịch đi khắp nơi dấy nghĩa “Giết quân Hán xâm lược để lập lại nghiệp xưa vua Hùng”. Đầu năm Kỷ Hợi (39DL), Trưng nữ Vương xuất quân đánh ngay vào Trường Sa, trị sở Đô Úy của Hán triều. Trận chiến do Trưng Nhị cùng các nữ tướng Phật Nguyệt, Trần Thiếu Lan, tướng Trần Năng, Lại Thế Cường. Quân hai Bà thắng lớn giết chết Tô Định, bọn tàn quân tháo chạy. Chiến thắng Trường Sa vang dội mở đầu cho các chiến thắng liên tiếp trên khắp đất nước.
Sử sách chép rằng nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề hưởng ứng nên chỉ trong vòng 1 tháng mà Hai Bà đã đánh chiếm được 65 thành trì dễ như trở bàn tay. Như vậy, cuộc chiến đã xảy ra trong lãnh thổ nước Nam Việt và Văn Lang xưa, bao gồm các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Kinh Châu và Dương Châu. Sự kiện này đã được xác nhận trên thực tế là nhân dân Hoa Nam cho đến nay vẫn còn tôn thờ sùng kính Hai Bà Trưng mà họ gọi là vua Bà. Thậm chí sự tôn thờ sùng kính vua Bà đã trở thành một tôn giáo dân gian gọi là đạo thờ “ Vua Bà” nên đã lập hàng trăm đền thờ, miếu thờ Vua Bà cùng các nữ tướng trên khắp Hoa Nam.
Theo Thông Sử Dân Gian được chép trong “Thiên Nam Ngữ Lục” thì Hai Bà Trưng rút xuống vùng Vân Nam, lập căn cứ ở nước Nam Chiếu, về sau Hai Bà bệnh mà qua đời. Thế nhưng sách sử viết là Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên dòng sông Hát để chứng tỏ khí tiết cao đẹp tuyệt vời của bậc Nữ lưu “Con Rồng Cháu Tiên” của dòng giống Việt. Khi Mã Viện tiến đánh Vân Nam thì các Lạc Hầu Lạc Tướng dẫn dân quân và gia đình con cháu lui xuống phương Nam tiếp tục mở đất từ Tứ Xuyên xuống Vân Nam, Việt Tây tức Quảng Tây bây giờ thành lập các quốc gia Đại Lý, Nam Chiếu, một số khác xuống phương Nam dọc theo dãy Trường Sơn thành lập các vương quốc Champa và Phù Nam sau này.
Ngày nay, 4 triệu người Minangkabau trên đảo Sumatra Indonesia tự nhận là hậu duệ của Hai Bà Trưng. Người Minangkabau còn lưu giữ bản sắc văn hóa Việt cổ với trống đồng Đông Sơn. Bảo tàng Quốc gia Indonesia giữa thủ đô Jakarta hiện trưng bày bốn chiếc trống đồng Đông Sơn mà họ gọi là gendang với các hình mặt trời và hình người chèo thuyền, chim Lạc giống hệt như ở trống ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau gần 2 ngàn năm, họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ giống như người Việt cổ thời xa xưa. Người con gái Minangkabau vẫn giữ quyền thừa kế trong thị tộc và được gọi là Turun Cicik, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi rất giống tên gọi của hai Bà Trưng: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
PHỤC HỒI QUỐC GIA VĂN LANG CỦA VUA HÙNG…
Sách “Đại Việt Sử ký” của Lê văn Hưu viết: “Trưng Trắc Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương giống như trở bàn tay, đủ thấy là tình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”. Lê Tung trong tác phẩm “Thông Giám Tổng luận” ghi rõ hơn về dòng dõi Hai bà Trưng: “Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng là dũng lược, căm hận về chính lệnh hà khắc bạo ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ, nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh ngọai, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong giới nữ lưu”.
Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục viết về Hai Bà như sau: “Vua tiến đến đâu, gió lướt đến đấy… Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và Mán đều theo. Lược định được 65 thành ở Lĩnh Nam. Ngài tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh”. Danh nho Nguyễn Trãi trong “Dư Địa chí” đã viết Trưng Nữ Vương lên ngôi, đóng đô ở Mê Linh và đặt tên nước là HÙNG LẠC. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép: “Kinh Dương Vương dựng nước gọi là Xích Quỉ, Hùng Vương gọi nuớc là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, Triệu (Đà) gọi nước là Nam Việt, đô ở Phiên Ngung, Trưng (Vương) lại gọi là Hùng Lạc đóng đô ở Mê Linh”.
Mã Viện không chỉ là một võ tướng của triều Hán chuyên đem quân đi xâm lược để bành trướng đế chế “Đại Hán”, mà y còn là một viên quan thống trị hết sức thâm độc. Sau khi đánh chiếm lại Nam Việt, Mã Viện đã dùng thủ đoạn tịch thu trống đồng để dập tắt mọi mầm mống chống đối của dân Việt. Trống đồng ngoài biểu trưng của nền văn minh Việt Nam nó còn là vật biểu tượng quyền uy của các Lạc Hầu, Lạc Tướng, đồng thời khi trống được đánh lên, nó là một phương tiện truyền thông chuyển đạt hiệu lệnh của thủ lĩnh Quân Tưởng Việt. Chinh vì những lý do đó, Mã Viện đã ra lệnh tịch thu hết trống đồng Lạc Việt để đúc “Ngựa Thép” đem về dâng lên Hán đế. Sau Mã Viện đến Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Âu Dương Ngủy đời Lục triều và Lưu Hiển triều Minh cũng tịch thu trống đồng Lạc Việt. Tất cả đều không ngoài mục đích thâm độc của đế quốc Đại Hán là triệt tiêu mọi biểu tượng văn minh Việt để dễ bề thống trị và đồng hóa dân tộc Việt.
Mặt khác, Mã Viện bắt dân Việt phải bỏ tục lệ cũ để theo Hán tục để đồng hóa nô dịch đồng hóa dân ta. Hậu Hán thư chép: “Viện tâu lên vua rằng, luật Việt và luật Hán khác nhau hơn mười điều, nay xin làm sáng tỏ cựu chế đối với người Việt để ước thúc họ. Từ đó về sau, Lạc Việt tuân theo điều cũ của Mã Tướng Quân ..!”. Tuy thắng được Trưng Nữ Vương nhưng theo chính “Hậu Hán Thư” thì quân số đi mười, lúc về chết vì dịch bệnh nên chỉ còn 4,5 phần. Đây là một sự bao biện cho sự thiệt hại nặng nề của quân Hán, nếu quả như vậy thì phải kể thêm số quân chết vì chiến trận thì lúc về chắc chỉ còn 1,2 là cùng thì làm gì có chuyện Mã Lưu như Hán sử chép. Về tớí kinh đô còn chưa kịp hoàn hồn sau mấy năm rong ruổi chiến chinh thì 4 năm sau, lại nhận lệnh đi đánh dẹp “Mọi Năm Khe” nên tinh thần suy xụp, sức khỏe suy kiệt rồi chết trên đường đi ..!
TRƯNG NỮ VƯƠNG ANH THƯ VIỆT TỘC, NỮ LƯU CỦA NHÂN LOẠI
Tự ngàn xưa tới mãi mãi ngàn sau, Việt tộc vẫn tự hào về chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng, bậc anh thư liệt nữ của nước Việt Trưng Nữ Vương đã chiến đấu kiên cường để tiếp nối nghiệp xưa của vua Hùng, kéo dài nền độc lập tự chủ cho dân tộc thêm 4 năm để rồi sau đó, lịch sử Việt bước vào thời kỳ vong quốc đau buồn tủi nhục. Hai Bà Trưng được nhân dân cả nước sùng kính tôn thờ trong hàng trăm ngôi đền thờ Hai Bà cùng các nữ tướng khắp nơi. Tương truyền ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch là ngày Hai Bà “tuẫn tiết” trên dòng sông Hát nên nhân dân cả nước đổ về dự lễ hội Vua Bà đông như trảy hội. Không những đồng bào trong nước mà ngày nay, đồng bào người Hoa gốc Việt ở Hoa Nam vẫn tôn thờ vua Bà trong các lễ hội dân gian.
Lịch sử danh nhân Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại nói chung, không có bậc nữ lưu nào có thể sánh ngang với Trưng Nữ Vương. Từ nợ nước đến thù nhà, biểu trưng tuyệt vời của lòng yêu nước hòa quyện với tiết nghĩa thủy chung của người phụ nữ Việt Nam. Với lòng yêu nước thương nòi và tấm lòng trung trinh tiết liệt thanh cao vời vợi của người phụ nữ Việt Nam, Trưng Nữ Vương đã biểu trưng cho khí phách anh hùng của bậc nữ lưu. Giá trị tinh thần này không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là di sản văn hóa của cả nhân loại nữa. Chính vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa đã chọn ngày giỗ Đức Trưng Nữ Vương làm ngày truyền thống của Phụ nữ Việt Nam.
Nhân tưởng niệm Húy nhật Đức Trưng Nữ Vương, thế hệ cháu con VN hôm nay xin nguyện tiếp nối sự nghiệp cứu dân cứu nước của Hai Bà Trưng. Lòng yêu nước thương nòi đã khiến Hai Bà đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược để khôi phục quốc gia Văn Lang, tiếp nối nghiệp xưa của vua Hùng chứ không phải chỉ chống lại tham lam tàn bạo của tên Thái thú Tô Đinh để trả thù chồng như các sách sử viết từ trước đến giờ. Bản chất của Hán tộc du mục là xâm lược bành trướng nên lịch sử Trung Quốc là lịch sử của sự xâm lăng, thôn tính các nước láng giềng rồi đồng hóa các dân tộc này. Trưng Nữ Vương đứng lên đánh đuổi quân Hán xâm lược thì Hán sử viết là: “Làm phản rồi tự làm vua”. Chính sách “Thủy Kinh Chú” của Lệ Đạo Nguyên người Hán đã chép rằng Trưng Trắc thu phục được các Lạc Tướng và họ đã suy tôn Trưng Trắc lên làm vua. Đây chính là truyền thống dân chủ trực tiếp từ thời các vua Hùng, nhân dân suy cử người tuấn kiệt lên làm Quân trưởng. Các Lạc Hâu, Lạc Tướng suy cử người đứng đầu cả nước, thủ lĩnh của mọi thủ lĩnh tức vua Hùng mà sau này là Trưng Nữ Vương.
Trải qua gần 2 ngàn năm nhưng không một người Việt Nam nào mà không thuộc lòng trang sử oanh liệt của Hai Bà Trưng trong “Đại Nam Quốc sử Diễn ca”:
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận quân hung bạo, thù chồng chẳng quên …
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân …
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên …
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thùy …
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta …!
Hơn lúc nào hết, đất nước Việt Nam đang cần những bậc anh thư nối tiếp Trưng Nữ Vương đánh đuổi quân xâm lược Bắc phương. Thế hệ Việt Nam hôm nay nguyện tiếp nối truyền thống hào hùng bất khuất của Hai Bà Trưng, bà Triệu, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi và Hoàng Đế Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã đứng lên tiêu diệt “thù trong” rồi đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược trong một chiến dịch tốc chiến tốc thắng thần kỳ, có một không hai trong lịch sử nhân loại.
PHẠM TRẦN ANH
Đóng Góp Ý Kiến