TẾT ĐOAN NGỌ 2

     Sử gia Tư Mã Thiên trong tác phẩm Sử Ký đã viết về Khuất Nguyên như sau:

“Khuất Nguyên tên là Bình, cùng họ với vua Sở, Tả Đồ của Sở Hoài Vương. Ông là người học rộng nhớ dai, am tường lẽ quốc gia trị loạn và rất giỏi về từ lệnh. Ở triều đình thì ông bàn tính việc nước với vua để ban hành các hiệu lệnh, ngoài chốn triều đình thì ông tiếp đãi tân khách và ứng đối chư hầu. Vua Sở rất tín nhiệm ông. Ngang hàng với ông có quan Thượng Đại Phu tên là Cận Thượng cũng muốn được vua tin yêu và ngấm ngầm ganh tị, có ý muốn làm giảm giá tài năng của ông. Hoài Vương giao cho ông công việc dự thảo các điều luật, có lần bản thảo viết chưa xong hẳn thì Thượng quan Đại phu trông thấy và muốn chiếm đoạt nhưng ông không chịu. Vì chuyện này mà Thượng quan Đại phu gièm với vua rằng: “Bệ hạ sai Khuất Bình thảo Hiến lệnh, điều đó chẳng ai mà không biết. Mỗi khi một sắc lệnh ban hành là Bình khoe công bảo “Không có ta thì không ai làm nổi”. Nghe xong vua tức giận, xa dần và bãi chức Khuất Bình. Khuất Bình đau lòng về nỗi vua thiếu sáng suốt, bị lời gièm pha làm lú lấp để cho bọn gian tà làm hại việc công, lời ngay thẳng không được dung nạp. Cho nên ông sinh buồn phiền, gửi gấm tâm sự trong tập Li Tao nói lên niềm xót xa vì những việc bất như ý mà mình gặp phải. Sau khi bị vua Sở bạc đãi đày ải nơi thâm sơn cùng cốc, ông đã đi ngao du sơn thủy tìm hoa thơm cỏ lạ, những vị thuốc Nam để trị bệnh cho nhân dân.

     Tương truyền Khuất Nguyên đi tới bên sông, xoả tóc, ngâm thơ, lang thang dọc theo các đầm nước, mặt mày tiều tuỵ, hình dung khô đét. Một ông lão đánh cá gặp ông hỏi rằng: “Ông không phải là quan Tam Lư Đại phu ư? Cớ sao lại đến chốn này? Khuất Nguyên đáp: “Đời đục mình ta trong, đời say mình ta tỉnh cho nên ta bị ruồng bỏ”. Lão chài nói: “Đã là bậc Thánh nhân thì chẳng để cho ngoại vật cản ngăn, ràng buộc mà có thể cùng thời thế mà đổi thay. Đời đục ư? Sao ta chẳng theo dòng mà khuấy sóng? Đời say ư? Sao ta chẳng húp rượu nhạt và nuốt hèm? Can chi mà khư khư giắt viên Ngọc Cận, nắm viên Ngọc Du để cho đời ruồng bỏ?!” Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe nói, mới gội đầu ắt là phải sửa lại mũ cho ngay ngắn. Mới tắm rửa thì ắt là phải xốc lại áo cho chỉnh tề. Phàm là người có ai lại chịu để cho tấm thân trong sạch vấy bẩn dây nhơ? Chẳng thà nhảy quách xuống sông mà gởi mình nơi bụng cá cho rồi, chứ sao lại đành tâm để cho cái trắng phau kia bị đời làm cho lem luốc?”.  Ông bèn làm bài phú “Hoài Sa” lời văn có đoạn như trên rồi ôm một tảng đá, nhảy xuống sông Mịch La mà tự trầm vào đúng ngày mồng 5 tháng 5 trong nỗi u  uất vì “Chí ông sạch, nết ông thẳng, lòng ông thanh cao” đã không cứu được nước nhà vì vua Sở bất tài, lại ưa nghe lời xiểm nịnh của gian thần. Dân gian, mến mộ ông nên đến dịp tết Đoan Ngọ đều tổ chức đua thuyền để tưởng nhớ đến Khuất Nguyên”.

     Sách “Tuỳ Thư Địa Lý Chí” viết về cái chết của Khuất Nguyên và nguyên uỷ của tục đua thuyền. Dân gian khắp nơi kéo về tham dự lễ hội đua thuyền mang đậm đà bản sắc của truyền thống con Rồng cháu Tiên. Trên những con thuyền độc mộc mũi cong vút, đuôi én, thân thuyền thon dài trên có người đứng hò bắt nhịp. Thanh niên nam nữ cứ 50 người ngồi trên một thuyền, tất cả đều hóa trang thành chim, đầu dắt lông chim như mẹ Âu, tay cầm vũ khí hoặc dầm bơi tham dự cuộc đua theo hiệu lệnh của tiếng Cồng. Con số 50 thanh niên hoặc 50 thiếu nữ ngồi chung một thuyền như nhắc nhở mọi người về huyền thoại Rồng Tiên với sự tích 50 con theo mẹ Âu lên miền cao nguyên, 50 con theo Bố Lạc xuống miền sông nước … Đặc biệt trong lúc đua thuyền người ta hát vang những bài hát, những điệu hò tràn đầy tự tình dân tộc, khơi dậy lòng ái quốc.

     Sách “Tùy Thư Địa lý Chí” chép: “Không hiểu tục thi bơi thuyền có tự lúc nào, nhưng về sau nó kéo theo lễ kỷ niệm Khuất Nguyên trầm mình dưới sông Mịch La. Khuất Nguyên người nước Sở nên  dân gian có tục bắt một người Hán để đến ngày đua thuyền đem ra “Tế” để báo thù cho Khuất Nguyên… Đây là tục lệ nguy hiểm cho Hán tộc nhất là những người có bộ râu dài đẹp. Dân Nam man bắt cóc họ về nuôi nấng đàng hoàng để đến ngày “Trùng Ngũ” mồng 5 tháng 5 đưa ra dìm sông tế Khuất Nguyên. Vì thế, tết này bị vương triều Hán cấm đoán triệt để. Về sau có nhiều biến đổi, nhiều hiện tượng dị đoan len lỏi vào như việc thả cơm cháo xuống nuôi hồn Khuất Nguyên …”.

     Thực ra, Cửu ca là khúc Nhạc chương tôn giáo của người nước Sở đã có từ lâu mà Khuất Nguyên chỉ là người hoàn chỉnh áng văn chương kim cổ này. Ngày nay các học gỉa Đài Loan, Nhật Bản kể cả Trung Quốc đều xác nhận Cửu ca là của người nước Sở và các di chỉ khảo cổ cũng xác nhận Việt tộc đã có văn tự từ lâu ngay trước cả Hán tộc.

     Cuối cùng, Lễ hội đua thuyền trong dịp tết Đoan Ngọ là sinh hoạt văn hóa truyền thống của Việt tộc để tưởng nhớ về nguồn cội, đồng thời mừng mùa nước tới cần thiết cho cư dân nông nghiệp. Nhân dịp này, dân gian còn luyện tập vũ bộ, kỹ thuật chiến đấu trên sông nước cũng như kỹ thuật đi biển như lời Việt Vương Câu Tiễn nói trong “Việt thư”: “Người Việt đi trên nước mà ở trên núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa. Đi như gió thổi mà về thì khó theo. Đã đánh thì quyết đánh không sợ chết. Ấy là thường tánh của người Việt”. Ngày nay dân gian một số nơi ở thành thị và nhất là ở nông thôn còn tổ chức lễ hội tết Đoan Ngọ vào ngày mồng 5 tháng 5 nhưng ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ vẫn sống mãi trong tâm thức Việt.

     Thi sĩ Lý Bạch đã hết lời ca tụng Khuất Nguyên “Thơ Khuất Nguyên còn sáng mãi như trời trăng nhật nguyệt, vận mệnh nước Sở tiêu tan bên trời xanh cỏ…” để rồi đến ngày nay, tâm trạng của Khuất Nguyên cũng là ưu tư thao thức của các sĩ phu thời đại về vận nước nổi trôi. Tâm trạng ưu tư “Nước Mất Nhà Tan” này của biết bao con dân nước Việt đã được thi sĩ Trần Mạnh Hảo gửi gấm qua những vần thơ:

Tóc bạc cả nồi cơm
Ta biết làm gì với chòm râu rơm rác
Với vòm trời úp xuống như nơm
Cây ngô đồng bạn ta mùa thu ăn gần hết

Nước Sở ơi
Đừng bắt ta nhìn người lịm chết
Hạc bỏ trời
Tùng bách cũng mồ côi

Cả một triều đình bị điếc
Tai Sở vương làm thối lưỡi ta rồi

Sao chuột không khoét mắt ta đi ?
Đời ngủ cả chỉ thức toàn mắt lá

Ta đang nhìn thấy gì ?
Vua tin dùng chó má
Hoạn quan đi đầy đường
Hiền nhân vào ngục đá

Sao loài lươn không vấy bùn vào hồn ta ?
Đời đục cả chỉ còn trong nước lã
Hay ta mặc áo giấy vào đi theo ma ?

Cái xứ sở toàn đeo mặt nạ
Con cáo ngồi thương đứt ruột con gà
Hỡi xác chết trôi làm thuyền cho quạ
Tro trấu nào trang điểm mặt mày ta ?

Ta thương triều đình trong tay nghịch đảng
Thuyền độc mộc quốc gia bơi một mái chèo
Mái chèo mang hình lưỡi kẻ nịnh hót

Chó kiêu ngạo nhảy chồm lên bàn độc
Muốn yên thân phải sống thật đói nghèo
Con bò thông minh hơn nhà bác học
Thơ phú nào cũng rặt bọn ăn theo…

Sở từ, Sở từ
Khúc Ly Tao hát đứt cổ
Thơ viết rụng từng đốt tay

Ôi nước Sở
Sao chỉ toàn mật vụ với ăn mày?

Muốn nghĩ một điều gì lại sợ
Đêm nhìn lên trời cũng nổi da gà …

Chừng như gió cầm tù hai ốc tai ta
Khi hôn quân còn vờ làm minh chúa
Thì đất này còn lắm khúc Mịch La

Như vệt nhăn trên vầng trán nước Sở
Nghe sông nấc tiếng tù và
Xin vĩnh biệt mặt trời đoan ngọ
Sao kiếp người lại buồn hơn kiếp ma?

Ta gửi lại một vòm trời hình sọ
Để trầm mình trong chính khúc thơ ta!!!

Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn khâu” 
( Giang thượng ngâm-Lý Bạch) 

Chú Thích: Danh nhân văn hóa Thi hào Khuất Nguyên là người nước Sở còn gọi là Sở Việt. Nước Sở thành lập trên vùng đất có tên là Kinh Việt. Cổ sử được kiểm chứng bởi các kết quả của Dân tộc học, văn hóa học, huyết học, khảo cổ, Khảo tiền sử và nhất là kết quả phân tích cấu trúc mã di truyền DNA  cho biết cư dân vùng Nam Trung Hoa là người gốc Việt cổ vì cùng có chung một halotype khác biệt với halotype của Tàu Hán phương Bắc. Văn hóa Sở nói riêng và văn hóa của các cư dân ở Đông Bắc TQ, miền Nam TQ là văn hóa Việt, Tết Đoan Ngọ là của người Việt và người TQ ở Hoa Đông và Hoa Nam là người TQ gốc Việt cổ.

Vì vậy, tại Trung Quốc nơi già nửa dân số là người Trung Quốc gốc Việt nên vẫn ăn tết Đoan Ngọ hàng năm với lễ hội Đua Thuyền Rồng. Dân cư thường đeo một túi vải may bằng chỉ ngũ sắc may hình quả cầu bên trong đựng hương liệu như hạt mùi, hùng hoàng, hương nhu và một số loại hương liệu khác gọi là chiếc túi Thơm để chống bệnh tật và xua đuổi tà ma… Người dân cũng làm bánh Ú với nhân bánh nếp, thịt, đậu xanh, long nhãn, trứng mặn hay hạt dẻ xay nhuyễn, hạt tiêu và thưởng thức rượu “Hùng Hoàng” theo sách Bản Thảo Cương Mục là một vị thuốc có thể giết sâu bọ và tiêu độc dùng để pha vào rượu rồi uống. Rượu được làm bằng cách lên men lúa mạch với Hùng Hoàng, một khoáng vật màu vàng…

Ngoài ra tại Nhật Bản, người Nhật thuộc đại chủng Hoabinhoid Protoviets nên cũng duy trì truyền thống tết Đoan Ngọ, ban đầu được gọi là Tango no Sekku (端午の節句) từ thời Nara được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng năm Âm Lịch. Ngày nay ngày này còn được là ngày lễ dành cho các bé trai nên gọi là Tết Thiếu Nhi (こどもの日) là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.

Đây là dịp lễ đặc biệt, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khoẻ mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” và còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống. Cứ đến đầu tháng 5 là ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím.Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai. Bên trong nhà, họ cho chưng bày cái tượng chú bé “Kintarô” (金太郎) cưỡi cá “koi” và cái áo giáp hay nón giáp samurai gọi là “yoroi kabuto” (鎧兜) hay “kabuto” (兜, 冑). Người ta nói rằng Koi, nếu mổ sống, hoặc thậm chí nếu nấu sống, sẽ chẳng bao giờ hoảng loạn, giãy giụa và quật như một con cá khi nhảy lên khỏi mặt nước hoặc trong cát nóng. Hình ảnh con cá Koi chịu đựng, chấp nhận chết mà không hề hoảng sợ giãy giụa trở thành biểu tượng cho “Nam Tính” của các samurai là lòng dũng cảm, danh dự và cái chết. Vì vậy, Koi là một trong những biểu tượng quan trọng của ngày các bé trai. Vào ngày Tết Đoan Ngọ(Tango), người Nhật làm bánh gio  Akumaki gói trong lá “ayame” (xương bồ) hay tre để cúng và ăn lễ Tết này.

Tại Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn theo truyền thống nên chọn ngày mồng 5 tháng năm là Ngày Văn Hóa gọi là Dano 단오hay Surit-nal 수릿날.

You may also like...