VIỆN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Là người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản, ai trong chúng ta cũng ưu tư về vận nước nổi trôi, về tương lai của con em đang  tiếp cận với nền văn hoá phương Tây để hội nhập vào dòng chính nên các em thông thạo ngôn ngữ bản xứ hơn là tiếng mẹ đẻ. Thậm chí các em còn có một cái nhìn khác chúng ta về lịch sử, văn hoá và quan niệm về thời cuộc. Chúng ta đừng vội trách các nhà nghiên cứu ngoại quốc cũng như các em, vì bước vào thư viện các trường Đại        học, thấy đầy dẫy sách sử viết một chiều của Cộng Sản viết bằng tiếng Anh, mà con em chúng ta thì không rành tiếng Việt, nên vô tình bị tiêm nhiễm luận điệu tuyên truyền của Cộng sản. Kể cả các          học giả người ngoại quốc cũng bị ảnh hưởng nên thường có cái nhìn phiến diện sai lạc về lịch sử và văn hoá Việt Nam.

   Đây là một thực tế đau lòng, do một phần lỗi thuộc về chúng ta, vì chúng ta chưa có những chương trình biên soạn các sách sử Việt thật trung thực, viết bằng hai thứ tiếng Anh Việt để cung ứng cho nhu cầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam của thế hệ trẻ hiện nay, cũng như cho người ngoại quốc. Mặt khác, sống trong một xã hội đa văn hoá đòi hỏi thế hệ trẻ phải hội nhập vào đời sống thực tế, nên phần nào quên đi việc tìm hiểu bản sắc văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Chính vì vậy, các Trung Tâm Việt Ngữ ở khắp các nơi đã được thành lập để dạy tiếng Việt, dạy lịch sử và văn hoá Việt Nam cho các học sinh theo học vào mỗi cuối tuần.

    Tháng 9 năm 2018, Thống Đốc Tiểu Bang California đã ban hành Đạo Luật 895, đòi hỏi Uỷ Ban Soạn Thảo thiết lập chương trình giảng dạy môn lịch sử người tỵ nạn của ba sắc dân Việt, Campuchia và H’mong, cho học sinh của mỗi sắc dân biết vì sao mà các em có mặt tại Hoa Kỳ. Để đáp ứng nhu cầu đó, Ban Đại Diện Các Trung tâm Việt Ngữ Nam California, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt và các thân hào, nhân sĩ, nhà văn, nhà giáo đã đứng ra thành lập Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn Hoá Việt Nam biên soạn soạn tài liệu cần thiết đáp ứng chương trình giảng dạy lịch sử người tỵ nạn Cộng Sản cho học sinh tại Hoa Kỳ theo Đạo luật SB895 của tiểu bang California Hoa Kỳ.

    Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn Hoá Việt Nam là một tổ chức văn hoá quy tụ nhiều nhà chuyên môn, nhằm nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân tộc. Ý thức rằng “Cây có Cội, Nước có Nguồn”, lấy Dân tộc, Nhân bản, Khoa học và Khai phóng làm nền tảng cho chủ trương, đường lối hoạt động của Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn Hoá Việt Nam. Mục đích của Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn Hoá Việt Nam là góp phần làm sáng tỏ lịch sử nước nhà, cho các thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước và Hải ngoại cũng như cho người ngoại quốc hiểu rõ lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, một cách khách quan trung thực:

  1. Vận dụng phương pháp khoa học làm sáng tỏ lịch sử và văn  hoá Việt Nam. Phục hồi sự thật lịch sử một cách trung thực khách quan    , phục hồi “Hào Khí Việt Nam” với những chiến thắng thần kỳ oanh liệt hào hùng của dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử Việt.
  2. Bảo vệ, truyền lưu truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam. Duy trì và phát huy tính trong sáng phong phú của ngôn ngữ Việt Nam.

    Đáp ứng nhu cầu cần thiết bảo tồn và lưu truyền lịch sử và văn hoá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam quy tụ các nhà chuyên môn, sử gia chân chính chấp nhận tôn chỉ và mục đích của Viện, cùng tham gia công trình nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân tộc Việt Nam. Viện nghiên cứu sẽ lưu trữ tài liệu chính xác, trung thực đầy đủ về lịch sử và văn hoá dân tộc để thế hệ trẻ Việt Nam và người ngoại quốc tham khảo, nghiên cứu để đóng góp vào kho tàng văn hoá Việt Nam. Đồng thời, phản bác những sai lầm hay cố ý xuyên tạc lịch sử, văn hoá Việt phát sinh từ ý thức hệ hay bất cứ từ đâu tới.

    Sau hơn 48 năm định cư, cộng đồng tỵ nạn tại hải ngoại ngày thêm lớn mạnh. Thế hệ trẻ tỵ nạn có điều kiện học hỏi để phát triển tài năng và hội nhập vào xã hội nước định cư. Với tinh thần hiếu học và ý chí tiến thủ, người Việt tỵ nạn đã thành công trên các lãnh vực từ giáo dục, văn hoá, khoa học kỹ thuật, thương mại đến chính trị, quân sự… Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn với những thành quả nổi bật như các nhà văn nhà thơ nổi tiếng, các trí thức chuyên viên; nhất là các khoa học gia với những sáng kiến khiến quốc gia sở tại phải trân trọng. Đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, với sự đóng góp đáng kể của các khoa học gia tài năng đã góp phần cho sự tiến bộ của Hoa Kỳ nói riêng và của cả nhân loại nói chung, cũng như sự hiện diện của 7 vị Tướng lĩnh Hoa Kỳ gốc Việt, cùng rất nhiều sĩ quan cấp tá trong quân đội             oHoa Kỳ là điều mà không một sắc dân nào đạt được.

    Các thành viên của Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam cùng ngồi lại với nhau, phân chia đề tài để sưu tầm nghiên cứu viết về Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn ở Hải ngoại, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, để cho thế hệ con cháu chúng ta ở hải ngoại và trong nước hiểu rõ sự thật về lịch sử Việt Nam, cũng như lý do tại sao hàng triệu người Việt Nam phải bỏ quê hương ra đi. Đó là cuộc di tản chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người, đầy máu và nước mắt của hàng triệu người dân Việt, hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng trong rừng sâu hoặc trên biển cả. Thế hệ trẻ Việt Nam        phải hiểu thế nào là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống ngày hôm nay, mà ông cha đã phải hy sinh tất cả để đổi lấy hai chữ tự do  cho các em đang được hưởng ở những quê hương thứ hai. Các em có bổn phận phải hội nhập đóng góp vào quốc gia sở tại là quê hương thứ hai đang sinh sống. Mặt khác, các em phải nhớ tới  “Quê Mẹ” Việt Nam yêu dấu nên cố gắng thành đạt để mai sau đem tài năng về xây dựng lại đất nước, một khi quê hương thực sự được xây dựng trên nền tảng Dân tộc, Khoa học, Nhân bản, và Khai phóng.

    Quyển sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải ngoại” nói rõ về     lý do có mặt của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới  và sự thành đạt của người Việt Nam Tỵ nạn Hải ngoại, đồng thời nêu lên những tấm gương sáng tiêu biểu đã làm rạng danh dân tộc Việt.

    Quyển sách nầy được chia ra làm 9 chương:

Chương 1 – Pháp đánh chiếm Việt Nam.

Chương 2 – Sự chấm dứt chế độ quân chủ tại Việt Nam.

Chương 3 – Hiệp định Geneve và cuộc di cư 1954

Chương 4 – Việt Nam Cộng Hoà (1955 – 1975).

Chương 5 – Từ Hiệp định Paris đến Ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chương 6 – Đóng góp của người Việt tỵ nạn trên thế giới.

Chương 7 – Những lý do rời xa đất nước của người Việt tỵ nạn.

Chương 8 – Hội nhập và phát triển.

Chương 9 – Phát huy văn hoá Việt và thành tựu trên thế giới.

    Chúng tôi biên soạn quyển sách tài liệu đầu tiên của Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam với những sử liệu khách quan trung thực để thế hệ con em Việt Nam chúng ta hiểu rõ di sản lịch sử từ chính các nhân chứng Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và kinh nghiệm của người Tỵ Nạn Việt Nam. Đồng thời góp phần cung ứng đầy đủ sử liệu cho việc thực hiện đạo luật SB 895 của tiểu bang California: “Để lưu lại di sản lịch sử của những câu chuyện từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện của các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và người Tỵ Nạn Việt Nam của chúng ta phải hy sinh, chịu đựng những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được vì Tự Do sẽ được tất cả học sinh toàn Tiểu Bang California học hỏi”.

Trước khi dứt lời, một lần nữa chúng tôi xin thay mặt Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam chân thành cảm ta quý vị đã bớt chút thì giờ quý báu tới tham dự buổi Ra Mắt Sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nam Hải Ngoại” của Viện Nghiên Cứu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam. Trân trọng kính chào quý vị,

PHẠM TRẦN ANH

You may also like...