HÚY NHẬT ĐỨC QUỐC TỔ

GIỖ ĐỨC QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG

        Kính thưa quý vị, Hàng năm cứ vào ngày mồng mười tháng ba Âm lịch, người dân cả nước nô nức kéo về đền Hùng để dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương, người khai mở nước Văn Lang xa xưa của Việt tộc. Đồng bào Việt Nam ở Hải Ngoại cũng tổ chức trọng thể Đại Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ khắp nơi trên thế giới. Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đã đi vào tâm thức Việt như một nguồn suối tâm linh làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt.

        Ngay tự thuở xa xưa, người Việt cổ đã có một đời sống tâm linh siêu vượt. Người Việt cổ đã sớm nhận thức được cuộc sống thường nhật để tìm ra lẽ sống của cả một đời người nên không chỉ tin vào thần thánh mà còn tin vào chính con người. Chính vì vậy, từ xa xưa người Việt ngoài việc thờ cúng thần linh giúp cho cuộc sống còn thờ cả nhân thần là những người khi còn sống đã giúp dân giúp nước, giúp ích cho địa phương. Đặc biệt người Việt có truyền thống thờ cúng Tổ tiên, ông bà cha mẹ là những người trực tiếp sinh đẻ ra mình, nuôi dưỡng mình thành người.

        Ngay cả ông Trời, đối với người Việt là cư dân sống bằng nghề nông nên tôn thờ ông trời đã ban cho những giọt nước mưa tưới xuống đất để hạt giống nảy mầm, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ông trời được dân gian Việt kêu cầu đến “Trời ơi” mỗi khi gặp sự đau buồn, dân gian còn nhân cách hoá ông trời thân thương từ chân trời, lưng trời đến mặt trời và nếu cần thì sẵn sàng bắc thang lên hỏi ông trời, chứ không thần thánh hoá kiểu Hán tộc là có một ông Ngọc Hoàng Thượng đế toàn quyền ban phát, toàn quyền sinh sát trên thượng giới và cả ở dưới trần gian nữa. Nhà Việt Nam học người Pháp Léopold Cadière đã nhận định về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam như sau: “Với người Việt, Trời không phải là một vị thần, ít nhất là trong quan niệm dân gian. Đó là ông Trời, đấng hình như thuộc về thế giới siêu việt. Hoàng đế tế trời một cách trọng thể còn dân gian thì cầu trời, kêu trời hàng ngày bằng ngôn ngữ thông thường. Ý niệm trời thấm sâu vào tâm tư người Việt và được biểu lộ thường xuyên mỗi ngày qua ngôn ngữ một cách minh nhiên đến nỗi ta không thể thấy rằng ý niệm trời chính là một nguyên lý cơ bản và cao cả nhất đối với đời sống tín ngưỡng của người Việt”. Trong khi đó,  phương Tây với nền văn minh hết duy thần, duy linh, duy tâm, duy lý rồi duy vật thái quá khiến con người cảm thấy bất an nên thường đặt ra những vấn nạn như chúng ta từ đâu đến rồi chết sẽ đi về đâu? Chính những câu hỏi xa vời không bao giờ giải đáp được nên con người phải tìm đến tôn giáo chấp nhận niềm tin một cách mặc khải, vô thường hoặc trở nên vô thần.

         Với niềm tin đơn giản chân chất của người Việt cổ thì Tổ Tiên, ông bà cha mẹ đã sinh ra mình chứ không phải do một thần linh nào từ trên trời. Chính vì thế trước hết, phải biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình nên người. Bổn phận con người là phải hiếu thảo với cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau vì cùng một mẹ mà ra. Sinh ra trong một đất nước, thuộc một dân tộc thì chúng ta phải trân trọng “Tổ Phụ” khai mở đất nước, những anh hùng dân tộc, Anh thư hào kiệt bao đời đã hy sinh để nòi giống trường tồn. Là người Việt Nam, chúng ta cùng một bào thai của mẹ Âu trong truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc với “Huyền thoại Rồng Tiên”. Trên thế giới duy nhất chỉ có dân tộc ta mới có hai chữ “Đồng bào” vì chúng ta cùng một bào thai mẹ sinh ra nên đối với mọi người, chúng ta cũng dùng tình thân mà đối xử, mới gọi nhau là bà con cô bác như trong một nhà vậy.

        Người Việt có một đời sống tinh thần tâm linh sâu thẳm, thể hiện tình cảm thiêng liêng cao cả mà không một dân tộc nào có được. Đạo lý làm người dạy chúng ta rằng khi sống là phải biết tri ân thờ cúng ông bà cha mẹ để mai này khi ta có chết đi thì cũng về với ông bà cha mẹ mà thôi. Từ việc hiếu thảo thờ cúng cha mẹ, ông bà tiên tổ đến ý thức tôn thờ ông Tổ của nòi giống cũng như các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá đã hun đúc lòng yêu nước thương nòi, tạo cho mỗi con dân đất Việt niềm tự hào về dòng dõi con Rồng cháu Tiên của Việt tộc. Hiện nay ở Việt Nam vẫn còn tôn thờ nhân thần và đạo thờ cúng ông bà vẫn còn trân trọng bảo lưu, đó chính là bản sắc văn hoá đặc trưng của dân tộc và cũng là đạo lý làm người của Việt tộc. Truyền thống cao đẹp này trải qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn thấm đậm trong lòng dân tộc với bao thăng trầm biến đổi của dòng vận động lịch sử. Cho tới nay và mãi mãi về sau, hàng hàng lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam vẫn tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc với tất cả lòng hãnh diện tự hào Việt Nam.

        Tự xa xưa, tiền nhân ta đã chọn ngày mồng mười tháng ba là ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Tháng ba là tháng Thìn, tháng của bố Rồng và ngày mười là ngày của mẹ Tiên nên tiền nhân đã  giỗ quốc Tổ vào ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm.[1] Tiền nhân chọn ngày Rồng tháng Tiên để nhớ tới “Tổ Phụ-Tổ Mẫu” là Đức Kinh Dương Vương – Long Nữ, Đức Lạc Long Quân – Mẹ Âu Cơ cùng với Vua Hùng lập nước Văn Lang. Kính thưa Quý vị, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Sử gia Ngô Sĩ Liên viết về họ Hồng Bàng và sách “Lĩnh Nam Chích Quái” chép Truyền kỳ lịch sử về khởi nguyên Dân tộc kể rằng: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi.  Đế Minh đi tuần du phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quý lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh nên Đế Minh lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc và phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng, ấy là Tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, sum hợp thật khó nên phải chia tay, năm chục con theo nàng về núi, năm chục con theo ta về miền Nam. Có sách chép là về biển Nam. phong  con cả là Hùng Vương nối ngôi”.

          Như vậy, Tổ Phụ của dân tộc Việt là Đức Kinh Dương Vương – Long Nữ hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông, Quốc Phụ là Đức Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ mà Đức Quốc Tổ Hùng Vương lập nước Văn Lang là người con cả trong một trăm người con, trăm chi tộc Việt cùng chung một bào thai của mẹ Âu Cơ với các chi tộc Việt dòng giống Tiên Rồng (Lạc Hồng) nên mới gọi nhau là “Đồng Bào”. Chúng ta tự hào vì chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu:“Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam…”. Thế nhưng tại sao lại vô cùng Việt Nam vì thưa quý vị và các bạn, trên thế giới duy nhất có dân tộc Việt Nam có hai tiếng “Đồng bào” vì “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào hai tiếng vô cùng Việt Nam”… Chúng ta có chung cội nguồn huyết thống thiêng liêng, truyền lưu cho chúng ta nên chúng ta đều “bình đẳng” như nhau. Chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu Cơ, người Mẹ Tổ quốc Việt Nam sinh thành dưỡng dục nên chúng ta có quyền gọi những anh em là đồng bào ruột thịt mà các dân tộc khác không thể gọi được như thế. Hai chữ đồng bào mà chúng ta vẫn gọi một cách thân thương trìu mến “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam…”. Thưa quý vị, chính vì vậy, chúng ta xem nhau như anh em một nhà, một Dòng tộc nên yêu nước phải thương nhà, yêu nước phải thương Nòi là như vậy.

          Truyền thuyết Việt Nam, nói đúng hơn đó là truyền kỳ lịch sử, “Dòng Sinh Mệnh của Dân tộc Việt Nam” được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất lại đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc chép mẹ Âu sinh ra một trăm người con trai mà không có con gái chỉ để biểu tỏ rằng thời kỳ này xã hội Việt cổ đã bắt đầu chấm dứt chế độ mẫu hệ chuyển dần sang thời kỳ phụ hệ. Cũng vậy, truyền thuyết chép Bố Lạc kết duyên với mẹ Âu chứng tỏ sự hợp nhất của ngành Thần Nộng phương Nam và ngành Thần Nông phương Bắc. Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn mà còn tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”.  Từ ý niệm đồng bào dẫn đến lòng yêu nước, thương nòi, yêu quê cha đất tổ, tất cả đã trở thành giá trị đạo lý truyền thống của nền văn minh đạo đức Việt Nam. Thực tế lịch sử đã cho chúng ta biết rằng Quốc Tổ Hùng Vương là người con trưởng của Bố Lạc-Mẹ Âu được ghi chép trong “Hùng Vương Ngọc Phả” chính là Hùng Quốc Vương mà các công trình nghiên cứu lịch sử đã phục hồi sự thật lịch sử chính là Đế Hoàng, thủ lĩnh Hữu Hùng Thị ở vùng chân núi Thái Sơn Tân Trịnh Hà Nam bán đảo Sơn Đông Trung Quốc bây giờ.

         Thưa quý vị, trên đền thờ các vua Hùng treo bức đại tự “Hùng Vương Tổ Miếu” nghĩa là miếu thờ Tổ Hùng Vương, gian bên phải treo một bức đại tự “Triệu Tổ Nam Bang” Tổ muôn đời của nước Nam, gian bên trái treo bức “Hùng Vương Linh Tích” nghĩa là Huyền tích linh thiêng của vua Hùng. Trên vòm cung cửa chính ra vào được trang trí phù điêu hình 2 vệ sĩ phương phi làm nổi bật bức hoành phi 4 chữ “Nam Việt Triệu Tổ” nghĩa là Tổ Triệu muôn đời của nước Việt. Trong nhà Đại Bái có câu đối bất hủ:

Mở lối đắp nền bốn hướng non sông về một mối

Lên cao nhìn rộng, nghìn trùng đồi núi tựa đàn con…

        Trong nhà Tiền Tế đặt một Hương án trên để tráp thờ bên trong đặt một triện gỗ hình vuông có khắc 4 chữ: “Hùng Vương Tứ Phúc”. Đặc biệt có treo một bức hoành phi trong đó có câu “Quyết Sơ Sinh Dân” nghĩa là cuộc sống của nhân dân là điều quyết định đầu tiên của người lãnh đạo. Ngay từ thời vua Hùng đã lấy dân làm gốc, Tất cả của  dân, do dân và vì dân, còn giá trị mãi đến muôn đời. Tư tưởng vì dân này mãi đến ngày 19-11 năm 1863, mới được Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln khẳng định trong diễn văn khánh thành Nghĩa trang Quốc gia tại Gettysburg: “Chúng ta sẽ khai sinh nền tự do và chính phủ Của Dân, Do Dân và Vì Dân nhất định sẽ không biến mất khỏi mặt địa cầu này”.

         Bên phải đền Thượng là cột đá thề của An Dương Vương, bên trái đền Thượng là Lăng vua Hùng nhìn về hướng Đông Nam, kiến trúc theo hình khối vuông, trên có cổ diêm 8 mái, đỉnh chóp đắp hình rồng uốn lượn nổi lên 3 chữ khắc chìm: “Hùng Vương Lăng”. Trên mỗi mặt tường đều đắp mặt hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính của Lăng nổi lên 2 câu đối tri ân Quốc Tổ Hùng Vương:

Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà

Non nước vẫn quay về đất Tổ …

Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc

Giống nòi còn biết nhớ mồ ông …

         Hàng năm vào ngày mồng mười tháng ba là ngày giỗ vua Hùng, Người khai mở nước Văn Lang là ngày Quốc lễ của dân tộc Việt mà trước đây chúng ta cứ tưởng là Quốc Tổ của nòi giống Việt. Thực ra Tổ Phụ của nòi giống Việt là Đức Kinh Dương Vương – Đức Long Nữ và Quốc Tổ của nòi giống Việt là Đức Lạc Long Quân – Quốc mẫu Âu Cơ mà chúng ta vẫn tự hào hãnh diện là “Con Rồng Cháu Tiên”. Việt tộc là cư dân nông nghiệp nên thường tổ chức lễ tết hội hè quanh năm suốt tháng nhưng lễ hội đền Hùng mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp. Dự lễ hội đền Hùng chính là cuộc hành hương trở về nguồn cội dân tộc trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Lễ hội đền Hùng không đơn thuần là cuộc chơi xuân với những hội hè đình đám mà để chúng ta hướng vọng về Quốc tổ Hùng Vương, người khai mở đất nước Văn Lang truyền thừa cho tất cả chúng ta. Trên thế giới ngày nay, có lẽ chỉ có dân tộc Việt Nam có Quốc tổ để tôn thờ và có một huyền thoại Rồng Tiên đẹp như áng sử thi để chúng ta có quyền tự hào gọi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt cùng một mẹ sinh ra:

Bọc điều trăm họ thai chung,

Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam… (Thơ Phạm Trần Anh)

         Nhân ngày giỗ Đức Quốc Tổ chúng ta cùng nhau tìm về quốc gia sơ khai Xích Quy và quốc gia Văn Lang để Tưởng nhớ công đức Quốc Tổ khai mở nước Xích Quy sơ khai và vua Hùng lập nước Văn Lang. Công trình Văn hóa khảo cổ của nền văn hóa Lương Chử đã phục hồi sự thật lịch sử về quốc gia Xích Quy sơ khai của tộc Việt. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc kể rằng: “Đế Minh, cháu 3 đời của Đế Thần Nông tuần du phương Nam…. Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quy…”. Xích Quy Phương theo Kinh Thư gọi là Xích Quy Phương là vùng đất đỏ trải dài từ 3 con sông ở phương Bắc là sông Hoàng, sông Lạc và sông Vị trải dài xuống phương Nam gồm 3 con sông là sông Nguyên, sông Tương và sông Dương Tử, còn gọi là Cửa Việt hay Giao Chỉ. Đức Kinh Dương Vương đã lấy tên đất để đặt tên nướ là Xích Quy chứ không phải như sách sử trước đây chép là Xích Quỷ.

      Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quý lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì thế lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc và phong cho Lộc Tục là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân huý là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng, ấy là Tổ của Bách Việt (Trăm giống Việt)”.

       Truyền thuyết về sự thành lập quốc gia Văn Lang được ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện do Vũ Quỳnh hiệu đính vào cuối thế kỷ 14. Đại Việt Sử Ký của Ngô Sĩ Liên chép “Khi Hùng Vương lên ngôi dựng nước gọi là nước Văn Lang, nước ấy phía Đông giáp biển Nam, phía Tây tới Ba Thục phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam tiếp với nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành” . Kết quả đo chỉ số sọ của khoa Khảo Tiền Sử cho chúng ta thấy rằng những cư dân mà họ gọi là Indonesian chính là Ancient Vietnamese= Hundred-Viets đã di chuyển xuống dọc lưu vực sông Dương Tử. Đây là những chi Việt tộc đầu tiên từ cao nguyên Tibetan tiến dọc lưu vực sông Dương Tử xuống vùng rừng núi Dân, núi Ba, núi Thục gọi là Châu Phong ở đất Ba Thục (Tứ Xuyên) chứ không phải Phong Châu ở Việt Trì Phú Thọ như sách sử chép từ trước đến giờ. Thật vậy, vào thời điểm này, vùng châu thổ Bắc Việt nước biển còn chìm ngập và địa danh Phong Châu mới có từ thời triều Đường Trung Quốc. Theo Hùng triều Ngọc Phả, Thần Phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc ghi rõ là đến đời Hùng Vương thứ 18 mới dời đô xuống Phong Châu Hạ ở Việt Trì Phú Thọ. Đây là sự thật lịch sử vì mãi tới năm 621 DL, triều Đường mới đặt tên Phong Châu cho vùng đất này.

       Truyền kỳ lịch sử về khởi nguyên dân tộc kể rằng “Đế Minh, cháu 3 đời của Thần Nông truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ (Xích Quy). Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 TDL, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, Đế Lai sinh ra Âu Cơ rồi truyền ngôi cho con là Đế Du Võng… Đế Lai dẫn con gái tuần du phương Nam, Âu Cơ gặp Lạc Long Quân nên duyên chồng vợ sinh ra trăm trứng nở thành trăm người con trai, khởi thủy trăm con của dòng giống Bách Việt”. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc nhắn gửi cho cháu con hậu thế về nguyên ủy của dòng giống Bách Việt. Lạc Long Quân dòng Thần Nông phương Nam lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành một trăm người con trai, chính là biểu tượng của sự hợp nhất của 2 dòng Thần Nông phương Nam và phương Bắc sinh ra dòng giống Bách Việt. Truyền thuyết cũng cho biết rằng, mẹ Âu cùng 50 người con ở lại vùng cao nguyên Phong Châu rồi cùng suy cử người con trưởng lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Bố Lạc dẫn 50 con về miền sông nước Thành Đô Tứ Xuyên ở phương Nam để khai khẩn vùng đất mới bồi, mỗi người con đi một nơi lập ấp trở thành một chi tộc Việt. Cổ sử Trung Quốc ghi rõ các nước Bách Việt nằm rải rác khắp Nam Trung Hoa trải dài từ Chiết Giang ở miền duyên hải phía Đông sang Ba Thục, Vân Nam ở phía Tây. Sách sử Trung Quốc ghi Đông Việt là nước Việt ở Ngô Thành Giang Tây, nước Việt ở Ninh Hương Hồ Nam, nước U Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Chiết Giang, Mân Việt ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Dương Việt ở Giang Tây, Âu Việt ở Quảng Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam. Lạc Việt ở xen kẽ với các chi tộc khác nhưng tập trung nhiều nhất ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam.

        Truyền thuyết kể rằng mẹ Âu hoài thoai sinh ra một bọc trăm trứng sau nở thành một trăm người con trai… Năm mươi con theo mẹ ở lại miền cao, năm mươi con theo bố xuống miền đồng bằng, mỗi người tới một nơi phát cỏ khai hoang lập ấp trở thành một dòng họ rồi thành một chi tộc Việt nên dân gian mới gọi là “Trăm Họ” là “Bách Tính” hay “Bá Tánh. Sách sử cổ Trung Quốc ghi Bách Việt để chỉ một trăm chi tộc Việt gồm các nước Việt rải rác khắp lãnh thổ Trung Quốc bây giờ đã chứng tỏ tính hiện thực của huyền thoại Rồng Tiên. Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: “Hùng Vương chia nước ra làm 15 bộ là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm và Tượng Quận”. Vua Hùng dựng nước Văn Lang và chọn kinh đô là châu Phong là vùng đất ở giữa 2 dãy núi của xứ Tạng và Tứ Xuyên, nơi phát nguồn của 4 con sông chảy xuôi Nam và sang hướng Đông. Bốn con sông này cùng họp nhau tại vùng “Min-Ya-Kon-Kạ” là chỗ 4 dòng sông chảy sát liền nhau là sông Minh Giang (Min), sông Dạ Lang (Ya), sông Mê Kông (Kon) và sông Dương Tử (Kạ) lúc trước là đất Dạ Lang vùng  Ba Thục, sau đổi tên là Tứ Xuyên. Trên thực tế, khi mực nước biển rút dần thì người Việt cổ Ancient Vietnamese cũng tiến dần xuống Trung nguyên theo lưu vực các con sông Nguồn, sông Dương Tử và Hoàng Hà. Nhánh Ancient Vietnamese từ thượng nguồn sông Cửu Long và Dương Tử tiến xuống định cư ở vùng lòng chảo đất đỏ ở Tứ Xuyên và lòng chảo Dạ Lang nên chúng tôi gọi là Hundred-Viets tức Bách Việt (Bai-Yue). 


[1].  Theo cách tính ngày tháng Việt Lịch của dân tộc, thì tháng 3 là tháng Thìn, và đếm từ Tý trong 12 con giáp, thì ngày mồng 10 là ngày Dậu. Theo 12 địa chi, Dậu là gà, thuộc loài chim, và chim là biểu hiệu của Tiên. Cũng vậy, địa chi Thìn đã mang nghĩa là Rồng. Ngày 10 tháng 3 là ngày Tiên, tháng Rồng. Ngày 10 tháng 3 được Tổ Tiên chọn chính là để giúp con cháu dễ dàng nhận thức về nguồn gốc dân tộc của mình. Tiền nhân chọn ngày Rồng tháng Tiên để nhớ tới “Tổ Phụ-Tổ Mẫu” là Đức Kinh Dương Vương-Long Nữ và Đức Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ. ĐứcQuốc Tổ Hùng Vương là người thành lập nước Văn Lang xa xưa của tộc Việt.

You may also like...