HOÀNG SA TRƯỜNG SA,
CHỦ QUYỀN LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM TỪ THỜI CỔ ĐẠI
Thưa Quý vị, thời gian thấm thoát qua mau, mới đây mà đã 50 năm ngày Hoàng Sa mất vào tay đế quốc mới Trung Cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử để hiểu rõ về những âm mưu thâm độc nham hiểm quỷ quyệt của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc . Đồng thời thấy rõ bộ mặt thật “Hại Dân Bán Nước” của tập đoàn giả nhân giả nghĩa Việt gian Cộng sản cũng như “Bộ mặt thật” của người bạn đồng minh VNCH đã thỏa hiệp với Trung Cộng để Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 và bỏ rơi miền Nam VNCH ngày 30-4-1975
Thưa Quý vị, năm 2011, Tập Cẩm Bình thăm Việt Nam được Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt gian Nguyễn Phú Trọng ôm hôn thắm thiết. Tập Cẩm Bình được đón tiếp giữa một rừng cờ Trung Quốc được các thiếu nhi cầm có thêm một ngôi sao chư hầu đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi nói chuyện trước quốc hội của một chư hầu thời đại như một Thiên tử, từ đó đi đâu Tập Cẩm Bình cũng rêu rao luận điệu là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc từ thời cổ đại. Thế mà các nhà sử học và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam im lặng chấp nhận mà không một lời phản bác. Thật là bất hạnh cho cả một dân tộc với ý chí kiên cường bất khuất, đã chiến đấu và chiến thắng để đất nước Việt Nam còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.
Nếu nói như Tập Cẩm Bình về lịch sử thời cổ đại thì lịch sử Trung Hoa thời cổ đại là của Đại tộc Việt với các nền văn hóa cổ đại có niên đại hàng mấy ngàn năm trong khi lịch sử Hán tộc chỉ mới bắt đầu từ năm 1.600 TDL. Trải dài suốt dòng lịch sử, đảo Hải Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc Việt Nam. Ngày nay với các công trình khoa học thuyết phục đã trả lại cho lịch sử những gì của lịch sử, đó là lịch sử Trung Hoa thời cổ đại là của Đại tộc Việt. Cuộc hội thảo về nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa được tổ chức tại đại học Berkeley California Hoa Kỳ năm 1978 với sự tham dự của các học giả, các nhà Trung Hoa học trên toàn thế giới kể cả Trung Quốc và Đài Loan, đã xác nhận tộc người Di Việt cư trú ở lãnh thổ Trung Quốc đầu tiên, Tầu Hán đến sau và tiếp thu nền văn hóa của Di Việt.[1]
Đến năm 111 TDL, Hán Vũ Đế xua quân thôn tính Nam Việt. Quân dân Nam Việt một số chạy ra đảo Hải Nam cùng với cư dân Lạc Lê ở địa phương tiếp tục chiến đấu nên năm 81TDL, Hán triều phải bỏ Đạm Nhĩ và đến năm 46TDL, quân Hán lại phải bỏ Châu Nhai vì bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, Hán triều phải bãi chức, triệu hồi Tích Quang về kinh. Cũng theo Thông Sử dân gian thì sau khi quốc gia Nam Việt mất vào tay Hán tộc, con cháu họ Triệu và quân dân Nam Việt xưng là dân nước Nam Chiếu (chi Âu Việt gọi vua là “Chiếu” nên Nam Chiếu là vua nước Nam) đã thực hiện chiếu chỉ của vua Nam chống Hán tộc. Trong một trận thuỷ chiến họ đã giết được viên Thú Lệnh của Hán triều rồi theo đường biển từ La Phù, Hợp Phố, ra Chu Nhai và Đam Nhĩ (đảo Hải Nam) rồi về tới Đồ Sơn và một số vượt biển xuống phương Nam định cư ở Nam Dương (Indonesia). Theo các công trình nghiên cứu thì dân địa phương trên đảo Hải Nam là người Việt cổ chi tộc Lê nên gọi là Lạc Lê, ngôn ngữ thuộc họ Việt- Tạng (Vieto-Tibetan). Chính vì thế mà quân dân Nam Việt dễ dàng hội nhập vì cùng một nguồn cội. Họ cùng nhau tiếp tục kháng chiến chống quân Hán xâm lược nên năm 81 TDL, Hán triều phải bỏ Đam Nhĩ rồi đến năm 46 TDL, Hán triều lại phải bỏ Chu Nhai vì chịu thiệt hại nặng nề. Như vậy, chính sử Trung Quốc đã xác nhận là Hán tộc đã xâm lược lãnh thổ của Việt tộc nên cả đảo Hải Nam chứ đừng nói tới Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu. Đây là chứng cớ hùng hồn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt tộc.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho bản đồ lãnh thổ Đại Việt. Bộ bản đồ Hồng Đức được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các bản đồ và thư tịch của Việt Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, quần đảo Hoàng Sa được người Việt đặt tên bằng chữ Nôm làː 𪤄葛鐄 hay 𡓁吉鐄 hoặc chữ Hánː 黄沙渚 hay 黄沙, đều có nghĩa là Bãi Cát Vàng.[2] Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do các triều đình Việt Nam liên tục cai quản. Nhà bác học Lê Quý Đôn triều Lê trong “Phủ Biên Tạp Lục” đã viết : “… Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn loại, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi có nhiều hải vật lạ. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được…”. Sau Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn là Lịch Triều Hiến Chương Loại chí và Hoàng Việt Địa Dư Chí của Học giả Phan Huy Chú đã đề cập chi tiết về chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam Thực Lục Tiền biên quyển I chép việc xảy ra đời chúa Nguyễn Phúc Khoát từ năm 1738 đến 1765 như sau:“… Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hàng năm cứ đến tháng 3 chèo thuyền ra đảo, ba ngày đêm thì tới nơi, thu lượm hoá vật, đến tháng 8 trở về nộp.
Vua Gia Long là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, ngay từ khi lên ngôi đã cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa. Nhà vua cho cắm mốc chủ quyền, khảo sát và khai thác tài nguyên tại Hoàng Sa. Năm 1815, vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra thăm dò đường biển, sau đó sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra khảo sát quần đảo này. Năm 1816, nhà vua đích thân ra Hoàng Sa và dựng Bia chủ quyền trên đảo này. Sự kiện vua Gia Long dựng bia chủ quyền năm 1816 không chỉ được ghi lại trong chính sử triều Nguyễn, mà còn được các học giả phương Tây lúc bấy giờ ghi lại như Baptiste Chaigneau (1769 – 1825) và Giám mục Jean Louis Taberd khẳng định: “Năm 1816, ông (vua Gia Long) đã tới long trọng cắm cờ chính thức giữ chủ quyền tại các hòn đảo đá này mà hình như không một ai tranh giành với ông”. Đây là nguồn sử liệu thành văn của các sử gia triều Lê và Nguyễncũng ngư của người ngoại quốc về việc vua Gia Long cắm cờ dựng bia chủ quyền được xem là những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam liên tục từ xa xưa đến thế kỷ XVII.
Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cử các hải đội ra khảo sát, khai thác hải sản Năm 1816, vua Gia Long sai quân ra cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa. Thời Minh Mạng đã có bản đồ vẽ dải Vạn Lý ở Trường Sa. Theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Ngày 19/3/1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat của Bắc Kỳ.
Ngày 23/9/1930, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục. Ngày 4/1/1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này. Ngày 18/2/1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc lại khước từ. Năm 1933, Pháp tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và đưa quân ra đóng. Năm 1938 Pháp phái các đơn vị Bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng Thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4/4/1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 15/8/1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26/8/1945, quân đội Nhật phải rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo Hiệp định ngày 8/3/1949, Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm 1949, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860, Trạm Ba Bình số 48419.
Năm 1950 Pháp chính thức chuyển giao Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại. Đặc biệt Hội nghị San Francisco, ngày 7 tháng 9 năm 1951 có đại diện của 51 nước tham dự, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 8/9/1951, Hòa ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7, của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly” (khoản f).
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, giữa lúc phong trào kháng chiến đang thắng lợi thì CSVN bị Quốc tế Cộng sản ra lệnh ký hiệp định Genève chia đôi đất nước. Miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và miền Nam là Quốc gia Việt Nam. Hiệp định Genève quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Liên Hiệp Pháp quản lý. Năm 1956, sau khi Pháp hoàn tất rút quân khỏi Việt Nam, Quốc gia Việt Nam tiếp tục quản lý quần đảo Hoàng Sa thì Trung Cộng đem quân chiếm giữ toàn bộ phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn. Tháng 4/1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trước hành động xâm chiếm trái phép một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối. Ngày 1 tháng 6 năm 1956, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vũ Văn Mẫu tố cáo hành động xâm lược của Trung Cộng, tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.tiếp tục tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo. Thế nhưng, ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Ung văn Khiêm nói với Đại lý sự vụ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là Li Zhimin rằng: “Về phương diện lịch sử, Hoàng Sa và Trường Sa là một phần đất của Trung Hoa”. Trong khi đó, ngày 22 tháng 8 năm 1956: Một đơn vị hải quân Việt Nam Cộng hòa cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia chủ quyền trên quần đảo này. Ngày 26 tháng 10 năm 1956, Quốc hội Lập hiến Quốc gia Việt Nam chính thức ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa, kế thừa Quốc gia Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai công bố quyết định của Chính phủ Trung Quốc nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý, có đính kèm bản đồ đường ranh giới lãnh hải tính từ lục địa và các hải đảo thuộc Trung Quốc trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Đến ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm văn Đồng gửi công hàm cho Chu Ân Lai, Tổng lý Sự vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) công nhận Hoàng sa Trường sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa như sau: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Sau khi Trung Cộng đánh chiếm Tây Tạng năm 1959. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận chỉ thị thành lập Mặt trận Dân Tộc Giải phóng miền Nam ngày 20 tháng 12 năm 1960. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập mặt trận Giải phóng miền Nam theo chỉ thị của Bắc Kinh để mở đầu cho kế hoạch xâm chiếm miền Nam của Mao Trạch Đông.
Ngày 13 -7-1961, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh quy định quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Nam.
Ngày 21 tháng 2 năm 1972, Tổng Thống Nixon viếng thăm Trung Quốc để thương thuyết việc rút quân ra khỏi Việt Nam, giao Hoàng Sa cho Trung Quốc và đưa Trung Quốc vào Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để phân hóa quốc tế Cộng sản, tách Trung Quốc khỏi Liên Xô. Trong cuộc họp đầu tiên với Chu Ân Lai ngày hôm sau 22 tháng 2 năm 1972, tổng thống Nixon đề cập ngay đến vấn đề Việt Nam: “Nếu tôi ngồi vào bàn với bất cứ nhà lãnh đạo nào của Bắc Việt Nam, và cùng nhau bàn bạc về việc đình chiến và nhận lại tù binh của chúng tôi, tất cả người Hoa Kỳ sẽ được rút ra khỏi Việt Nam trong sáu tháng kể từ ngày đó… Chúng tôi đã đề nghị rút hết người Hoa Kỳ, mà không để cái “đuôi” đàng sau – như cách nói của Thủ tướng – và ngưng bắn trên toàn Đông Dương, miễn là chúng tôi lấy lại được tù binh. Sau đó, chúng tôi sẽ để cho dân chúng ở đó tự quyết định.”.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Cộng đánh chiếm nốt khu Nguyệt Thiềm phía Tây quần đảo Hoàng Sa do quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Việt Nam Cộng Hòa ra Tuyên cáo về chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ngày 14-2-1974, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Quần đảo Hoàng Sa và quân đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa. Chánh-Phủ và nhân dân Việt-Nam Cộng-Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy…”. Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa thì tàu HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp và bị chìm sau đó. HQ-16 bị hư hại nặng, nghiêng trên 10 độ, HQ-4 và HQ-5 thì chỉ bị hư nhẹ. Về nhân mạng, 75 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong đó HQ-10 có 63 chiến sĩ bao gồm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà. HQ-4 có 3 chiến sĩ, HQ-5 có 3 chiến sĩ hy sinh và 16 bị thương, HQ-16 có 2 chiến sĩ hy sinh, lực lượng người nhái có 4 chiến sĩ hy sinh cùng với 14 công chức đang thi hành nhiệm vụ trên đảo.
Sự thật là Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thắng thế trong trận Hải chiến lịch sử nhưng trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung Quốc vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam. Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung Quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam. Việt Nam Cộng hòa quyết định tăng viện 2 chiến hạm cho Hoàng Sa, nhưng phía Việt Nam Cộng hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân tuy đang sẵn sàng hỗ trợ cho hải đội tại Hoàng Sa nhưng lại bị Hoa Kỳ ngăn cản. Thật vậy, sau khi xảy ra Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, Hoa Kỳ tuyên bố: “Chính phủ Hoa Kỳ không dính dáng gì đến việc tranh chấp tại Hoàng Sa và Koa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên chúng tôi rất muốn có một sự dàn xếp ôn hòa“, và tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn được lệnh thông báo, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa phải “cố gắng tối đa tránh những đụng độ trực tiếp nữa với lực lượng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…”. Trong khi đó, măc dù chiếm được Hoàng Sa nhưng Trung Cộng tuyên truyền che giấu thiệt hại nặng nề của họ: “Tuy nhiên, chiến thắng nào cũng phải trả giá. Về phía ta, tổng cộng có 18 người tử trận trong số này 1 Hạm Trưởng và 67 người khác bị thương. T-389 bị hư hại nặng, nếu không kịp ủi vào bãi san hô chắc chắn sẽ bị chìm. Ba chiến hạm khác đều bị trúng đạn, thiệt hại trung bình”. Thế nhưng, theo sự tiết lộ mới đây của chính một viên sĩ quan hải quân Trung Cộng tham chiến ở Hoàng Sa thì nguyên bộ chỉ huy Hạm đội Nam Hải bị tiêu diệt gồm 11 chiến hạm do Đô Đốc Hải quân Phương Quang Kính, Tư lệnh phó Hạm đội, Tư lệnh mặt trận và bộ tham mưu hành quân gồm 1 đại tá và 4 Trung tá đều là Hạm Trưởng, 2 Thiếu Tá và 7 sĩ quan cấp úy bị tử thương.
Một thực tế đau lòng của thân phận một nước nhược tiểu bị các thế lực quốc tế thỏa hiệp xâm phạm chủ quyền của dân tộc, phải chấp nhận số phận bi thương của một nước nhỏ. Thật vậy, năm 1954 Hà Nội phải nghe theo Liên Xô và Trung Công ký hiệp định Genève và sau khi bị Hoa Kỳ oanh tạc 12 ngày đêm thì Hà Nội bị sức ép cũng phải vào bàn hội nghị Paris sau cái gọi Là “Điện Biên Phủ trên không”. Về phía VNCH thì năm 1974, Hoa Kỳ đã làm ngơ để Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa. Mao Trạch Đông mật chỉ thị cho đại sứ Hoàng Hoa của TQ tại Liên Hiệp Quốc thăm dò ý kiến của Kissinger để được bảo đảm trước khi Hải quân TQ hành động. Hồi ký của Kissinger cho biết ngày 4-4-1972 ), Kissinger đã trả lời cho Trung Quốc : “Chủ quyền lãnh hải không là vấn đề đối với chúng tôi. Hải quân HK sẽ nhận được lệnh cách xa các đảo đó 12 dặm”. Đây là bằng chứng xác nhận Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Kissinger nhường Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cho Trung Cộng.[3] Sau khi xảy ra Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, Hoa Kỳ tuyên bố: “Chính phủ Hoa Kỳ không dính dáng gì đến việc tranh chấp tại Hoàng Sa và Koa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên chúng tôi rất muốn có một sự dàn xếp ôn hòa“, và tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn được lệnh thông báo, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa phải “cố gắng tối đa tránh những đụng độ trực tiếp nữa với lực lượng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…” [4] Ngày 21-1-1974, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố đã chỉ thị cho Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ không được can dự vào các trận đánh giữa Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cũng đã từ chối lời yêu cầu của chính phủ VNCH cung cấp chiến hạm và phi cơ trực thăng để tìm kiếm thủy thủ đoàn HQ 10 của VNCH bị chìm tại Hoàng Sa.
Ngày 22-1-1974, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger bày tỏ “Rất tiếc là đã có vụ đụng độ quân sự tại Hoàng Sa” và Hoa Kỳ chính thức lên tiếng từ chối không bênh vực phe nào trong tranh chấp tại Hoàng Sa. Ngày 23-1-1974, giới chức Hoa Kỳ cho biết người Mỹ tên Kosh mất tích tại Hoàng Sa thuộc nhóm nhân viên dân chính làm việc cho bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, là nhóm quan sát viên có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo những hạt động và hiệu năng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhóm này chỉ có trên dưới 10 người được gọi là những liên lạc viên. Giới chức ngoại giao tin tưởng rằng Hoa Kỳ đã không vi phạm Đạo luật của Quốc hội ngăn cấm việc sử dụng quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam và cũng không vi phạm Thỏa hiệp Paris. Ngày 23 tháng 1, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức hội đàm tại Washington. Kissinger đã bày tỏ quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa: “Hoa Kỳ không ủng hộ các tuyên bố về chủ quyền hải đảo của Việt Nam Cộng Hòa”, đồng thời cũng không ủng hộ việc đưa vấn đề này ra thảo luận tại các tổ chức quốc tế. Đến ngày 28-1-1974, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn bày tỏ: “lo lắng sâu sắc về rủi ro phía Việt Nam Cộng hòa và bày tỏ giận dữ về hành động quân sự phi lý với Trung Quốc”” và yêu cầu Đại sứ Hoa Kỳ “kiềm chế” chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phải ngăn cản Việt Nam Cộng hòa nếu họ có ý định đánh chiếm lại Hoàng Sa… Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kisinger bật đèn xanh cho ngoại trưởng Trung Cộng Chu Ân Lai để Cộng sản Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris đem quân xâm chiếm miền Nam ngày 30-4-1975.[5]
Hôm nay, tưởng niệm 50 năm ngày mất Hoàng Sa và tri ân 75 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và 14 nhân viên dân sự đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, chúng ta nhìn lại lịch sử qua những mất mát tang thương cùng với những kinh nghiệm máu và nước mắt đó là:
1. Bộ mặt thật của Trung Quốc, núi liền núi sông liền sông với 16 chữ vàng “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh, được CSVN rêu rao là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” “Cộng Đồng Chung Vận mệnh” và Cộng Đồng Chia sẻ tương lai”. Sự thật lịch sử đã chứng minh rằng Đế quốc “Đại Hán” xâm lược xưa và đế quốc mới Trung Cộng bành trướng ngày nay đã xâm chiếm đất đại của Bách Việt trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Lãnh thổ của đế quốc mới Trung Cộng bành trướng rộng lớn hơn 27 lần, trong khi đất nước Việt Nam cứ ngày càng thu hẹp dần cho đến ngày nay chỉ còn bằng 1 phần 24 lãnh thổ rộng lớn thời xa xưa. Sự thật lịch sử đó đã chứng minh bản chất trước sau như một của Tầu Hán là xâm lược bành trướng. Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam 26 lần và thống trị dân tộc Việt 9 lần gần 1 ngàn năm. Chính vì vậy, Tầu Hán xưa và đế quốc mới Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt.
2. Bộ mặt thật “giả nhân giả nghĩa” của tập đoàn Việt gian Cộng sản là công cụ của Quốc tế CS, cấu kết với thực dân Pháp chia đôi đất nước, thi hành chỉ thị của Mao Trạch Đông xâm chiếm miền Nam bành trướng chủ nghĩa Cộng sản toàn cõi Đông Dương, mở đường xuống Đông Nam châu Á. Sự thật lịch sử đã chứng minh rằng Đảng CS Việt Nam là một tập đoàn Việt gian bán nước, bất nhân hại dân bán nước… Là tội đồ của Dân tộc Việt.
3. Để phân hóa hàng ngũ CS quốc tế, kéo Trung Cộng về làm đồng minh, Hoa Kỳ đã chủ trương một chiến lược mới là xóa thế cân bằng chiến lược cũ, nhường Biển Đông Nam Á cho Trung Cộng để chuyển trục sang Trung Đông, tập trung sức mạnh giật sập Liên Xô… Hoa Kỳ đã vì lợi ích của họ mà thỏa hiệp với Trung Cộng bỏ ngỏ Hoàng Sa năm 1974 rồi bỏ rơi quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngày 30-4-1975. Tất cả đã lộ rõ bộ mặt thật của cái gọi là “Đồng minh” một thời của VNCH… Kinh nghiệm sống bằng máu và nước mắt cho chúng ta thấy rằng 2 người chúng ta có thể hy sinh cho nhau vì tình yêu, tình bạn thế nhưng, 2 dân tộc thì không bao giờ… Khi còn chung một lợi ích nên gọi là “Đồng minh, cùng đi một đoạn đường nhưng khi đến ngã ba, vì quyền lợi riêng sẵn sàng hy sinh quyền lợi của người bạn đồng minh để đi theo một hướng khác vì quyền lợi của họ… Ngày nay, Hoa Kỳ phải trở lại Biển Đông Nam Á, thành lập liên minh “Tứ Giác Kim Cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Úc để chống lại đế quốc mới Trung Cộng.
Bài học lịch sử đầy máu và nước mắt cho chúng ta thấy rằng muốn thoát khỏi sự áp đặt của các thế lực quốc tế thì trước hết chúng ta phải đoàn kết một lòng, xây dựng quốc gia độc lập tự chủ dựa trên sức mình là chính, tạo một nội lực vững mạnh ngõ hầu bảo vệ chủ quyền lịch sử của dân tộc Việt Nam… Mặt khác, đế quốc mới Trung Cộng với tham vọng bá chủ toàn cầu sẽ bị Hoa Kỳ và các nước đồng minh tiêu diệt, chúng ta sẽ thâu hồi lại phần lãnh thổ xa xưa của đại tộc Việt. Toàn dân Việt Nam sẽ đứng lên đáp lời sông núi “Diệt kẻ nội thù để chống quân xâm lược”. Lịch sử đã chứng minh rằng với sức sống vô biên, dân tộc Việt đã và sẽ chiến thắng mọi thế lực ngoại lai phản dân tộc. Trong tương lai, khi điều kiện khách quan tác động, chúng ta có quyền tin tưởng mãnh liệt rằng với khí thế hào hùng, dân tộc Việt sẽ phục hưng và thu hồi toàn thể đất đai của Đại tộc Việt nằm trong lãnh thổ Trung Quốc bây giờ.
Trước khi dứt lời xin cảm ơn quý vị đã có mặt ngày hôm nay và xin trân trọng kính chào quý vị.
PHẠM TRẦN ANH
1. The Origine of Chinese Civilization, University California 1978.
[2] Wikipedia.
[3] Kissinger, The White House years, trang 1114
4. Tài liệu mang mã số 1974STATE012641_b của Chính phủ Hoa Kỳ.
Đóng Góp Ý Kiến