HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI

Hoàng tử Vĩnh Thụy lúc nhỏ tại Huế

Vua Bảo Đại khi lên ngôi

Xa giá vua Bảo Đại ngày đăng quang từ điện Cần Chánh lên điện Thái Hòa.

HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI

Hoàng đế Bảo Đại. Ảnh chụp năm 1932. Flickr/Agence Mondial

Bảo Đại tại Paris, 1926            Bảo Đại khi về nước

        Hoàng đế Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại kinh thành Huế. Bảo Đại là vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn là triều đại thứ 13 và cũng là triều đại cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam. Chính sử Việt Nam chép Bảo Đại là con duy nhất của vua Khải Định với Nhất giai Hậu phi Hoàng thị Cúc. Trong hồi ký con rồng An Nam, Bảo Đại nhớ lại ngày xuất hành của vua cha Khải Định và Bảo Đại sang Pháp “Dọc theo các bức tường màu hồng, mười hai bà Cung phi đã phủ phục đợi chờ theo thứ bậc của họ. Không ai dám ngước đầu lên, trong số các bà này có mẫu thân tôi là thứ phi đang âm thầm nhỏ lệ…”. [1]

        Khi được 9 tuổi, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được lập làm Đông cung Hoàng Thái tử ngày 28 tháng 4 năm 1922. Ngày 15 tháng 6 năm 1922, theo vua cha Khải Định sang Pháp để tham gia cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille. Đây là lần đầu tiên ông đi sang một quốc gia ở miền Tây Âu.

Vua Khải Định, Vĩnh Thụy, và Toàn quyền Pháp Albert Sarrault tại thành phố Marseille, Pháp

        Đông cung Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy rất thông minh và có óc quan sát và trí nhớ rất tốt. Trong hồi ký “Con Rồng An Nam”, Bảo Đại nhớ lại buổi lễ tấn phong: “Đó là vào ngày 28 tháng 4 năm 1922, tức ngày mồng 2 tháng 4 năm thứ 7 đời Khải Định, lúc ấy tôi mới có 9 tuổi. Từ tảng sáng, khi tiếng súng Thần công nổ vang, báo hiệu giờ khai triều, các quan đủ mọi phẩm trật, vận đại trào đến chật sân chầu. Trong khi các quan thuộc bộ Lễ âm nhạc dẫn đầu kép đến điện Cần Chánh, để mang các bảo vật dành cho tôi, xếp để lên bàn. Một sắc phong khắc lên giấy bằng vàng, ấn vàng. Sắc để trong một ống quyển, có giá sơn son, đầu giá có hình đầu chim Phụng bằng vàng. Sắc chiếu này có kèm Ngọc tỉ của hoàng triều đề ngày 10 tháng 3 năm 1922…

        Sắc chiếu ghi “ Để tập hợp các phương hướng dị biệt trên toàn quốc ,  đưa non sông về một mối duy nhứt, cần phải có một chính quyền trung ương vững mạnh. Để đặt chính thể vào một vị trí vững chắc, bất khả xâm phạm, cần phải bảo đảm cho Ngai vàng một căn bản liên tục đã được dự trù hoàn hảo. Căn cứ vào đường lối ấy, Hoàng triều liệt Thánh trước đây bao giờ cũng chọn lựa sẵn ngôi Đông cung Thái tử để nối ngôi và phụng thờ tôn miếu. Gần đây, Hội đồng Tôn Nhơn phủ và Cơ mật viện Đại thần đều đồng thanh khẩn cầu Trẫm làm lễ tấn phong cho Thái tử lên chức Đông cung kế vị Trẫm sau này.

        Ngày 25 tháng giêng năm nay (ngày 21 tháng 2 ăm 1922) quan Toàn quyền Đông Pháp đã tới yết kiến trẫm tại kinh đô Huế và cho biết là chính phủ Cộng hòa Pháp quốc cũng như chính phủ Bảo hộ Nam triều, đều hân hoan chấp nhận dự định tấn phong này… Trước sự đồng nhứt thỉnh cầu của các bậc Đại thần, và sự tha thiết của quý quan Đại Pháp, đại diện chính phủ Bảo hộ hằng quan tâm đến sự bền vững của ngai vàng, Trẫm đã quyết định xin ý kiến của hai Đức Hoàng Thái hậu và đã được hai ngài chấp thuận. Bởi vậy, Trẫm chiếu phong cho con trai cả của trẫm Vĩnh Thụy, lên chức Đông cung Thái tử sẽ kế vị trẫm làm Hoàng đế Việt Nam, và được ngự tại An Định cung phía Đông Hoàng cung… Khâm thử”

        Tháng 6 năm 1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung Kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet.

        Tháng 2 năm 1924, Bảo Đại về nước để dự Lễ tứ tuần đại khánh của Khải Định, đến tháng 11 trở lại nước Pháp để tiếp tục học trường Hattemer.

        Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua Khải Định từ trần. Hoàng tử Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Hoàng tử Vĩnh Thụy được tôn lên làm hoàng đế kế vị lúc mới 12 tuổi, lấy niên hiệu Bảo Đại rồi trở lại Pháp để tiếp tục du học. Trong hồi ký Con Rồng An Nam Bảo Đại nhớ lại sự kiện này như sau: “Người ta vận (mặc) cho tôi một bộ triều phục để lên ngôi.  Đó là một chiếc áo cẩm bào của Đức Hoàng đế Gia Long khai sáng triều đại. Phẩm phục này được cất giữ như một linh vật, gồm có áo bào vàng có kết trân châu bảo ngọc, hia lót lông mịn bên trong và có đầu châu ngọc đính trên. Một vị Đại thần trong tứ trụ triều đình đã đệ trình tôi một chiếc bài vàng mang chữ Việt Nam Hoàng Đế để đeo ở bên vạt áo phải, vị đại thần khác thì đệ trình một cuốn “Kim Sách” để mở đầu thời đại mà trên đó có danh hiệu của tôi là Bảo Đại, có nghĩa là triều đại huy hoàng, vĩ đại. Hai chữ này do tôi lựa chọn trong danh sách các tên hiệu cao khiết, đẹp đẽ của kho tàng văn chương mà các quan bộ Học lấy trong cuốn Quốc khố Đồ thư ra để trình tôi quyết định. Tôi thấy 2 chữ Bảo Đại rất hợp với triều đại của tôi trong sứ mạng mà tôi sẽ đảm đương…”.

        Khi tôi đã ngồi uy nghiêm đúng như nghi thức trên ngai, quan Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne vận lễ phục màu đen, trái ngược hẳn với màu sắc xanh đỏ của các vị triều thần, đọc một bài diễn văn rất trịnh trọng trong đó, nhân danh nước Pháp bảo hộ, ông kính chúc triều đại tôi là triều đại của thái bình, thịnh trị đầy hạnh phúc cho toàn thể nhân dân… Ở trên cao tôi nhìn xuống, quả là một cảnh tượng đáng chú ý. Nó như chứa đựng một ý niệm thống trị của thể chế quân chủ đè xuống khắp đại chúng. Năm ấy tôi mới mười hai tuổi. Tôi làm Hoàng đế và sanh ra để  làm Hoàng đế. Chưa từng có lúc nào tôi lạc ra khỏi ý nghĩ đó. Trái lại tôi đã cố gắng nghiêm chỉnh làm tròn nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi…”.

      Thực dân Pháp muốn đào tạo một vị vua nước thuộc địa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp nên viên cựu Khâm Sứ Trung kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và cho học ở trường Lycée Condorcet. Năm 1930, Bảo Đại sống trong một ngôi nhà riêng ở số 13 phố Lamballe và theo học trường Sciences Po. Ngoài thời gian học, Bảo Đại chơi thể thao, mặc trang phục quần vợtquần soócáo thun trắng, hoặc trang phục của người chơi golftrượt tuyết. Lúc nào chàng thanh niên Bảo Đại điển trai cũng ăn mặc chỉnh tề, trau chuốt, lịch sự theo đúng Paris mode và sống hưởng thụ  những thú vui Paris hơn là ngôi vua và những công việc triều chính. Bảo Đại là người say mê chơi ô tô, mới 16 tuổi đã có nhiều kiểu ôtô với các xe tốc độ cao để đi vào các đường phố thủ đô hay đi trên đường cao tốc. Bảo Đại cũng say mê âm nhạc và văn chương cổ điển Pháp nên sau này, khi về nước cầm quyền, chính Bảo Đại thú nhận rằng bản thân gần như hoàn toàn không biết gì về lịch sử triều đại đã dẫn đến việc quyền hành bị nước ngoài thâu tóm như thế nào.

      Hồ sơ lưu trữ của Phủ Toàn quyền Pháp cho biết cùng thời gian đó triều đình Huế cũng sôi sục những mưu toan thủ đoạn thầm lén. Các quan thượng thư trong triều cũng không ngồi yên. Công việc điều hành nhiếp chính trở nên khó khăn. Quan đại thần đứng đầu Viện cơ mật cũng gây không ít khó khăn cho chính quyền bảo hộ. Chính vì vậy thực dân muốn Bảo Đại về nước điều hành việc triều chính càng sớm càng tốt.

        Tháng 9 năm 1932, Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut đã đến Marseille để tiễn Bảo Đại trở về về nước. Thực Pháp tổ chức đón tiếp linh đình trên các trạm dừng chân, trừ ở Penang, Malaysia là nơi Sở mật thám được tin mật báo có vụ mưu sát do ban thuộc địa của đảng Cộng sản Pháp chủ mưu. Đây là vụ thứ ba được phát hiện nên ngày hôm đó, con tàu xuyên đại dương mang tên Président Doumer đã phải âm thầm thả neo ở xa nơi tổ chức lễ đón tiếp rồi tiếp tục đi vào lãnh hải Việt Nam, thả neo ở mũi Saint-Jacques (Vũng Tàu ngày nay) xung quanh có các tàu chiến bảo vệ. Tại đây Bảo Đại rời tàu khách chuyển sang tàu chiến Dumont d’Urville đưa đến Đà Nẵng. Từng loạt đại bác nổ vang khi Vua rời khỏi tàu khách vượt qua vài sải nước để bước lên tàu. Đến cảng Đà Nẵng Bảo Đại lại được chuyển sang pháo thuyền ngược sông Hàn cập bến thành phố. Cuối cùng ông bước lên xe lửa đặc biệt đi thêm 100 cây số nữa mới đến Huế. Sau này, Bảo Đại viết trong hồi ký: “Sau nhiều năm sống tự do tôi có cảm tưởng từ nay bước vào nơi giam cầm…”.8

8. Hồi Ký Bảo Đại “Con Rồng Việt Nam”                                                       

CẢI CÁCH VIỆC TRIỀU CHÍNH

        Sau khi về nước, nhà vua cho mời Thượng tư Nguyễn Hữu Bài vào hỏi về tình thế nước nhà. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài tâu: “ Chính phủ Pháp trong thực tế đã nắm hết công việc của quốc gia trong tay và công việc triều chính thì trước kia mỗi bộ tâu trình lên Hoàng đê, đệ trình dự án để xin quyết định. Nhưng sau khi Đức Tiên đế Khải Định băng hà năm 1926, thì đã có một thỏa ước với Pháp, theo đó Nội các sẽ họp dưới sự chủ tọa của viên Khâm sứ, mình phải báo cáo và xin quyết định. Tòa Khâm ra chỉ thị, nhứt là về ngân sách. Chính phủ Pháp thâu thuế và trao lại cho Nam triều đủ để trả lương cho nhân viên để có thể tồn tại”. Hoàng đế Bảo Đại nói “Chưa ai cho Trẫm biết về cái thỏa ước ấy. Trẫm biết được thì chắc hẳn Trẫm đã không chấp thuận…”.

        Hoàng đế Bảo Đại bàng hoàng trước những lời tâu của viên Thượng thư rồi nói: “Đại nhân hãy bảo cho viên Thượng thư bộ Lễ phải soạn thảo ngay một sắc chỉ là kể từ nay, hãy bỏ ngay sự quỳ lạy đối với Trẫm. Trong bất cứ buổi lễ nào chỉ cần vái ba vái đối với Hoàng đế mà thôi. Trẫm muốn quyết định này được áp dụng ngay kể từ buổi chầu ngày mai khi các quan vào triều kiến Trẫm. Xin đại nhân làm gấp. Sau nữa, cũng xin đại nhân  thảo ngay một sắc lệnh trả tự do cho tất cả các phi tần của tiên đế. Ai muốn ở lại để phụng thờ tiên đế Khải Định thì vẫn có quyền ở lại

nơi cũ, và hàng tháng vẫn được tiền trợ cấp cho đến khi chết”.9 Sáng hôm sau, trong buổi khai triều, quan phụ chính Thân thần Tôn Thất Hân được chính thức giải nhiệm. Tôi có ý định thay thế tất cả những nhân viên này để trẻ trung hóa bộ máy triều đình đã quá già nua, cằn cỗi…

        Được hấp thụ nền giáo dục phương Tây với tư tưởng dân chủ tiến bộ đã ban hành những đạo dụ cải cách việc triều chính. Ngày 19 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại ban hành đạo dụ số một tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam Hoàng triều. Văn bản này hủy bỏ “Quy ước” ngày 16 tháng 11 năm 1925 lập ra sau khi Khải Định mất không lâu. Từ nay Nhà vua sẽ quản lý công việc đất nước, quan tâm đến bước tiến của đế chế. Nhà cầm quyền bảo hộ Pháp hoan nghênh. Bảo Đại tuyên bố cải cách về quan trường, cải cách pháp luật, tổ chức tư pháp, giáo dục đồng thời hủy bỏ quy ước ngày 06 tháng 11 năm 1925 và chấm dứt vai trò của Hội đồng Phụ chính. Để thực hiện các dự định cải cách Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm năm vị thượng thư mới, gồm: Ngô Đình Diệm thay thế Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư bộ Lại, Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn làm Thượng thư bộ Hình, Thái Văn Toản thay thế Vương Tứ Đại làm Thượng thư bộ Công, Hồ Đắc Khải làm Thượng thư bộ Hộ, Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Giáo dục kiêm Tổng lý Ngự tiền văn phòng. Đồng thời một ban cải cách cũng được lập ra do Phạm Quỳnh làm Chủ tịch và Ngô Đình Diệm làm Thư ký. Ngô Đình Diệm được giao thảo và đệ trình một chương trình cải cách về hành chính, quan trường, giáo dục.

        Bảo Đại cho thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ Pháp, tháng 12 năm 1933, Bảo Đại ra Bắc kỳ thăm dân chúng.

         Ngày 10 tháng 9, Nhà Vua ra quyết định nhằm vào những tập tục lâu đời mang tính hình thức đang cột chặt lối sống và nếp nghĩ của Triều đình. Vị vua hai mươi tuổi chủ toạ buổi chầu truyền thống trong đó các vị quan lại đầu ngành trong bộ máy hành chính nhà nước đến chúc mừng nhà vua mới trở về sau một thời gian dài vắng mặt. Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính. Bảo Đại đã cho bỏ một số tập tục mà các vua nhà Nguyễn trước đã bày ra như thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy. Đồng thời, hoàng đế Bảo Đại cũng trả lại tự do cho các phi tần của tiên đế, ai muốn ở lại phụng thờ tiên đế Khải Định thì vẫn có quyền ở lại nơi cũ và được trợ cấp hàng tháng cho đến chết, Xóa bỏ những lễ tiết cổ hủ xa hoa và Giảm bớt các vật dụng bày biện rườm rà trong Hoàng cung… 

        Tờ báo đương thời Hà Thành Ngọ báo đã đưa tin về những cải cách của vua Bảo Đại như sau: “Đức Bảo Đại ôm những tư tưởng mới bên Thái-Tây về, từ những việc nhỏ cho tới việc lớn đã thay

9. Hồi Ký Bảo Đại “Con Rồng Việt Nam”

đổi nhiều, ngày nào cũng để riêng vài giờ đọc qua các tờ báo Pháp, Nam… Khi hoàng thượng ngự thiện (ăn cơm) không để cho thị vệ đứng cầm quạt lông quạt lâu, mà dùng quạt điện, không cho thị vệ dâng tăm, nước đến bàn ăn, như những cách chầu các đấng Tiên đế. Hoàng Thượng ngự thiện xong, tự lại rửa mặt. Những sự ấy tuy thường nhưng rất có ý nghĩa. Ngài đã tỏ ra một vị đế vương biết quý thời giờ, biết sinh hoạt một cách giản dị”.

        Mục đích của công cuộc cải cách là nhằm thanh lọc và củng cố đội ngũ quan lại, đồng thời đáp ứng đòi hỏi bức thiết của các tầng lớp nhân dân về giáo dục nhằm cứu vãn uy tín chính trị của triều đình Huế vốn đã bị xem như bù nhìn. Tuy nhiên, chương trình cải cách vấp phải sự phá hoại ngầm của chính quyền thực dân Pháp qua các phần tử bảo thủ, lạc hậu, chống đối ngấm ngầm mọi cố gắng về cải cách. Trong triều có sự bất hòa giữa Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh khiến Ngô Đình Diệm xin từ chức. Chương trình cải cách của vua Bảo Đại tuy thành công trên nhiều phương diện nhưng cũng có những thất bại.

        Hoàng đế Bảo Đại đã ban hành một số chính sách mới như:

        Năm 1938, theo đề nghị của bộ Lễ và bộ Công, Bảo Đại cho phép mở cửa Đại Nội trong cả năm, trừ ba ngày Tết để du khách có thể vào tham quan, chiêm ngưỡng các công trình trong Hoàng Thành như: Ngọ Môn, Thái Hòa Điện, Cần Chánh Điện, Thế Miếu, Cửu đỉnh… Cho phép sử dụng công văn, châu bản, bản đồ, tranh ảnh, thư họa và các tài liệu, hiện vật tại Càn Thành Điện và Nội Các để trưng bày triển lãm. Đây là lần đầu tiên các văn thư quan trọng của triều đình như châu bản, bản đồ trước đây quản lý rất nghiêm mật được đưa ra trưng bày rộng rãi.

        Ngày 30 tháng 3 năm1938, hoàng đế Bảo Đại ký đạo Dụ số 10, tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam-Ngãi, cho “sáp nhập các cù lao Hoàng sa vào địa phận tỉnh Thừa Thiên”. Ngoài ra triều đình còn cử một toán lính người Việt ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa, phối hợp với lực lượng người Pháp để quản lý quần đảo này.

        Ngày 3 tháng 2 năm 1938, Hoàng đế ban thưởng huy chương “Ngũ hạng Long tinh” của triều đình Việt Nam cho ông Louis Fontan người vừa qua đời do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil. 

        Ngày 15 tháng 2 năm 1939, Hoàng đế ban thưởng huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính khố xanh ở Trung Kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa.

        Năm 1941, Hoàng đế Bảo Đại lấy ngày 1 tháng 5 là ngày lễ Lao động, người lao động được nghỉ và không bị trừ lương. Đây là lần đầu tiên áp dụng quyền lợi ngày nghỉ lễ Lao động đối với người dân Việt Nam. Triều đình cấm sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ làm việc tại các ngành nghề độc hại nguy hiểm, bắt buộc các công trường lao động phải có phương tiện cứu hộ và nhân viên y tế chuyên trách.

        Ngày 11 tháng 8 năm 1943, triều đình đã ban hành Dụ thành lập Cơ quan Lưu trữ và Thư viện thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của triều đình. Đây là cơ quan đầu tiên của triều Nguyễn quản lý thống nhất cả văn thư và thư tịch của triều đình gồm tài liệu lưu trữ và sử liệu của Quốc Sử Quán, tài liệu lưu trữ của Nội Các, tài liệu lưu trữ tại Tàng Thư Lâu; tài liệu lưu trữ của Cơ Mật Viện, tài liệu lưu trữ của các bộ, cơ quan ở kinh đô và các tỉnh, Thư viện Bảo Đại. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng, tiền đề cho việc thành lập cơ quan lưu trữ nhà nước Việt Nam sau này.

        Được cha nuôi Charles kể lại cho Bảo Đại nghe các tiên đế từ Hàm Nghi, cuộc đào tẩu của vua Duy Tân và sự lên ngôi của Khải Định, cuộc đàn áp đẫm máu của 13 anh hùng Quốc Dân đảng khiến “ Máu đã chảy, máu của nhân dân nước tôi. Tôi lại nghĩ đế số phận của các đấng tiên vương, từng loạt cố gắng liên miên của các ngài, quyết chiến đấu đòi lại quyền tự chủ, mà chỉ đi đến thất bại nặng nề. Tôi đã từng tự chọn cho mình danh hiệu Bảo Đại, có nghĩa là huy hoàng vĩ đại. Thế thì cái vĩ đại huy hoàng kia phải lấy lại cho bằng được. Tôi biết cần phải theo đường lối nào để dấn thân. Nhưng phải dấn thân trong khôn Ngoan và thận trọng. Hiện tại cần phải mở mang xứ sở, canh tân đất nước, làm cho hùng cường với sự trợ giúp của Pháp. Rồi đợi và nắm lấy cơ hội, khi thời cơ đến… Thời gian sẽ đến với chúng tôi nhưng cần nhứt là phải tự tồn, tự tồn bằng mọi giá, mới có thể thực hiện được…”.10

        Hai tháng sau khi ở Pháp về, chính phủ bảo hộ Pháp tổ chức cho Bảo Đại ra thăm Bắc hà. Nhờ đó, Bảo Đại mới thấy được giang sơn của nước mình, đất nước đẹp tuyệt vời thành ra dù muốn dù không, tôi cũng trở thành chư hầu của Pháp. Bảo Đại có dịp nhận định về làng xã Việt Nam thẩm nhập lòng yêu nước, yêu sơn hà xã tắc “Gia đình nào cũng có gia tiên để thờ, làng thì có vị Thành hoàng. Từ đó nên nhà có thần với đạo Gia tiên, Xã tắc có hồn với khí thiêng sông núi. Làng mạc được che chở bởi những bậc thần linh, với các đình trung miếu mạo. Đời sống của dân gian được bình an dưới mái ấm, có những nỗi buồn vui quấn quit, tạo nên đạo hiếu trung bền vững cùng với núi sông…”.11

       Được Đức Đoan huy Hoàng thái hậu giới thiệu, Bảo Đại chọn một thanh niên người Hà Nội là Nguyễn Đệ đạo công giáo làm Bí thư riêng phụ tá. Cha nuôi Charles lại giới thiệu một trí thức người Bắc 35 tuổi, viết văn làm báo tên là Phạm Quỳnh cùng một lập trường canh tân đất nước nên Bảo Đại bổ nhiệm Phạm Quỳnh chức Tổng lý Ngự tiền văn phòng, hàm Thượng thư. Đây là lần đầu tiên một người tự học, chưa từng có quan chức gì được phong là Thượng thư trong triều đình Huế.

        Ngày 10 tháng 12 năm 1932, Bảo Đại công bố một Đạo dụ loan báo nhà vua cầm quyền dưới chế độ Quân chủ Lập hiến được dân chúng nhất là giới trẻ hoan nghênh nhiệt liệt.

10. Hồi Ký Bảo Đại “Con Rồng Việt Nam”                                                                                                                                                                        11. Hồi Ký Bảo Đại “Con Rồng Việt Nam”

       Ngày 2 tháng 5 năm 1933, Bảo Đại ban hành Đạo dụ cải cách và tổ chức lại cơ cấu chính quyền do chính Bảo Đại đảm nhiệm quyền trực tiếp quyền lãnh đạo chính phủ. Bảo Đại bổ nhiệm Tuần phủ liêm khiết Ngô Đình Diệm là Thượng thư  kiêm Tổng thư ký Hội đồng Hỗn hợp về Canh tân đảm trách bộ Lại. Bùi Bằng Đoàn, vốn là quan lại có bằng Luật khoa 51 tuổi phụ trách bộ Hình. Sau 4 tháng, vào đầu tháng 3 Ngô Đình Diệm xin từ nhiệm vì người Pháp đã nắm hết quyền hành, cai trị trực tiếp nhân danh hòa ước Bảo hộ, nhưng không lúc nào không vi phạm từng ngày từng giờ… nhưng Ngô Đình Diệm xác định một lần nữa là xin Hoàng thượng hãy tin tưởng lòng trung thành tuyệt đối của kẻ hạ thần. Sau Ngô Đình Diệm thì Bí thư Nguyễn Đệ cũng xin từ chức Bảo Đại hiểu rằng đường lối canh tân đất nước của mình đã bị người Pháp ngăn chặn hoàn toàn. “Từ đó, Bảo Đại để mặc cho Phạm Quỳnh lèo lái, múa may trên sân khấu và phong cho Phạm Quỳnh làm Thượng thư bộ Lại thay cho Ngô Đình Diệm. Tôi tin rằng nhân dân sẽ hiểu cái hình thái buông thả bên ngoài của mình…12

        Nhân dịp cuối năm, Bảo Đại đi nghỉ mát ở Đà Lạt thì  quan Toàn quyền Pierre Pasquier đã giới thiệu một thiếu nữ Việt Nam mới 18 tuổi đi cùng với bà Charles là Marie Therese Nguyễn Hữu Hào, con gái nhà điền chủ giàu có ở miền Nam, có đạo vừa tốt nghiệp trung học ở Couvent des Oiseaux ở Pháp. Sau đó đám cưới được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 trước triều đình và các đại diện của Pháp.

Nam Phương Hoàng Hậu

12. Con Rồng Việt Nam,NXB Nguyễn Phước Tộc ấn hành, tr 99.


[1]. Ngoại sử cho biết vua Khải Định là người vô sinh (“Birth of Emperor Bao Dai of Vietnam”. Truy cập 17 tháng 2 năm 2015) và không thích gần phụ nữ (Kể chuyện chín chúa mười ba vua triều Nguyễn, Tôn Thất Bình, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 1997).  Thế nhưng theo Wikipedia thì vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ.

You may also like...