Hai dân biểu Hoa Kỳ hối thúc Việt Nam trả tự do cho TNLT Huỳnh Thục Vy
RFA
06/02/2023
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy
Facebook Huỳnh Thục Vy
Tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy, người đang thụ án tù 33 tháng về tội danh “xúc phạm quốc kỳ” tại Trại giam Gia Trung, được hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ nhận bảo trợ và hối thúc Nhà nước Việt Nam trả tự do cho bà.
Ngày 31/1 vừa qua, dân biểu Gerald E. Connolly, thuộc đơn vị bầu cử số 11 của tiểu bang Virginia, đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Antony J. Blinken, hối thúc Chính phủ Hoa Kỳ hành động để buộc Việt Nam trả tự do cho Huỳnh Thục Vy, người mà ông viết là một blogger độc lập, chuyên đưa các vấn đề nhân quyền, chính trị, xã hội ở Việt Nam từ năm 2008 và đã bị giam giữ từ cuối năm 2021 chỉ vì thực thi những quyền con người căn bản của mình.
Thư ông viết có đoạn (tạm dịch):
“Việc giam giữ được thúc đẩy bởi lý do chính trị và sự ngược đãi về thể lý đối với cô Huỳnh Thục Vy của Việt Nam là một sự xúc phạm đối với quyền tự do bày tỏ và quyền tự do báo chí. Cô và 20 ký giả khác hiện bị giam giữ ở Việt Nam tính đến ngày 01/12/ 2022, nên được phóng thích ngay lập tức.”
Ông Gerald cũng thúc giục người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ tại cuối thư:
“Tôi trân trọng hối thúc ông hãy cổ võ cho việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện cho cô Huỳnh Thục Vy, và cho một cuộc điều tra toàn bộ về những người bị cáo buộc đã hành hung cô trong khi bị giam giữ một cách sai trái.”
Trong cùng ngày, Dân biểu Ro Khanna, thuộc đơn vị bầu cử số 17 của tiểu bang California, viết trên Twitter với nội dung:
“Tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhà báo và người bảo vệ nhân quyền Huỳnh Thục Vy. Chính phủ Việt Nam và quản giáo phải chịu trách nhiệm trong việc đối xử đối với bà trong thời gian thụ án. Văn phòng của tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc này một cách sát sao.”
Hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ lên tiếng về trường hợp Huỳnh Thục Vy sau khi người phụ nữ có hai con nhỏ này bị đánh đập và khủng bố bởi tù hình sự trong Trại giam Gia Trung đầu tháng 10 năm ngoái nhưng giám thị trại giam không có biện pháp gì để ngăn chặn bạo lực đối với bà.
Ông Huỳnh Trọng Hiếu, em trai của bà Huỳnh Thục Vy, vừa mới vào Trại giam Gia Trung hôm 4/02, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về lá thư của hai dân biểu Hoa Kỳ:
“Việc hai vị dân biểu Hoa Kỳ bảo trợ cho hồ sơ của Huỳnh Thục Vy thực sự là một tin tức rất đáng mừng. Chúng tôi mong đợi điều này từ lâu.
Kể từ khi chị Huỳnh Thục Vy bị bạo hành ở Trại giam Gia Trung, chúng tôi kỳ vọng rằng dưới áp lực ngoại giao của Hoa Kỳ, phía Chính phủ Việt Nam và Trại giam Gia Trung nói riêng, để cho Huỳnh Thục Vy được an toàn trong tù.
Những hành vi bạo hành ngược đãi từ phía trại giam sẽ bị hạn chế.”
Ông Hiếu chia sẻ thêm:
“Chúng tôi được thông tin từ văn phòng của Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna, ngoài việc công bố những lo lắng cho vấn đề của chị Huỳnh Thục Vy, ông sẽ tiếp tục vận động các đồng nghiệp để vận động cho tự do của Huỳnh Thục Vy.”
Ông Hiếu cũng cho biết sau khi được thông tin về sự lên tiếng của hai vị dân biểu, chị ruột của mình rất vui mừng:
“Chị hy vọng sự vận động của các vị dân biểu sẽ giúp chị sớm được đoàn tụ với gia đình.”
Ông Hiếu cho biết việc đàn áp của Trại giam Gia Trung đối với chị ruột của mình đã dừng lại sau khi có tác động ngoại giao từ Đại Sứ quán Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu ở Việt Nam. Tuy nhiên, trại giam vẫn kiểm duyệt thư của bà một cách gắt gao và gây khó khăn trong thăm nuôi.
Những năm qua, nhiều dân biểu và thượng nghị sỹ Hoa Kỳ cũng như nghị sỹ của một số quốc gia khác nhận bảo trợ vận động cho nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Không ít trong số họ đã được trả tự do, trong đó có Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), và luật sư Nguyễn Văn Đài- người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ.
Ông Đài cho biết sau khi ông bị bắt vào cuối năm 2015, có hàng chục chính trị gia Hoa Kỳ, Quốc hội Châu Âu và ASEAN đã lên tiếng đòi Việt Nam trả tự do cho ông. Ông chia sẻ với RFA như sau:
“Ngay sau khi tôi bị bắt có rất nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới đã vận động cho tự do của tôi, ví dụ ở Mỹ có Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Lowenthal (tiểu bang California- PV) trong Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam, vận động rất tích cực.
Hạ nghị sĩ thứ ba là ông Chris Smith đã tổ chức điều trần năm 2016 khi vợ tôi tới Hoa Kỳ.”
Ông Đài, người đang tị nạn tại Đức, cho biết bên cạnh việc hối thúc chính phủ nước sở tại vận động cho tự do của ông, các nghị sĩ còn lên tiếng mỗi khi có dịp tiếp xúc với quan chức Việt Nam.
“Và nhờ sự vận động rất tích cực của các nghị sĩ Hoa Kỳ và Đức, tôi được trả tự do sớm hơn so với nhiều người mặc dù tôi bị án 15 năm tù và 5 năm quản chế.”
Ông Phan Văn Phong là người thường xuyên liên lạc với nhiều viên chức ngoại giao Hoa Kỳ và EU ở Việt Nam để vận động trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga trong thời gian cô thi hành án tù chín năm.
Ông cho biết việc Trần Thị Nga được trả tự do có sự đóng góp của nhiều chính trị gia Hoa Kỳ, những người lên tiếng để buộc Việt Nam phải phóng thích bà Nga. Ông chia sẻ với RFA trong ngày 6/2:
“Nhiều cá nhân và nghị sĩ của Mỹ lên tiếng. Nga cho biết có ông nghị sĩ Hoa Kỳ sang Việt Nam và đi cùng cán bộ sứ quán vào tận nhà tù để thăm cô.”
Theo ông, quốc tế quan tâm đến trường hợp Huỳnh Thục Vy, tương tự như Trần Thị Nga, vì đều có hai con nhỏ, do vậy, có nhiều khả năng Huỳnh Thục Vy được trả tự do trước thời hạn.
Ngày 30/12/2022, dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna cũng đã kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, người bị bắt năm 2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và đang bị buộc chữa bệnh ở một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội từ nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, chồng bà, ông Huỳnh Ngọc Chênh cho RFA biết bà vẫn chưa được trả tự do cho dù bà không bị đối xử hà khắc trong bệnh viện.
Phóng viên đã liên lạc với văn phòng của hai dân biểu nhận bảo trợ cho nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nhưng chưa nhận được phản hồi.
Dân biểu Ro Khanna đã từng lên tiếng với RFA từ văn phòng ở DC hôm 6/8/2021 về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Ông từng nhận xét: “Là một trong những dân biểu quan tâm đến nhân quyền, thường lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm các quyền căn bản của người dân, chúng tôi đã gởi hơn 12 thư đến Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, chấm dứt hành động tống giam các nhà báo, ngưng việc truy lùng và sách nhiễu người bất đồng chính kiến.”
“Tôi đoán chắc Việt Nam vẫn đang tiếp tục vi phạm nhân quyền, thể chế cộng sản này thật sự cần được đổi mới cho tự do của con người. Tôi đã nêu rõ với hành pháp và với Phó Tổng thống Hoa Kỳ rằng nhân quyền phải là vấn đề ưu tiên trong bang giao cũng như trong kinh tế.”
Đóng Góp Ý Kiến