CỘI NGUỒN DÂN TỘC

Kính thưa quý vị,

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã bớt chút thì giờ quý báu tới tham dự buổi Ra Mắt tác phẩm Việt Đạo ngày hôm nay. Nhân dịp này, tôi xin trình bày cùng quý vị về nguồn gốc dân tộc và cội nguồn văn hóa Việt Nam. Thưa quý vị, Sau thời gian 20 năm tù đày trong trại tù Cộng sản mà anh em tù nhân chúng tôi gọi là nới Tận cùng của địa ngục có thật trên trần gian. Tôi nguyện dành hết thời gian còn lại của cuộc đời để tìm về nguồn gốc dân tộc và cội nguồn văn hóa Việt Nam. Với những kết quả mới nhất thuyết phục nhất của khoa học khi về cội nguồn dân tộc, tôi giật mình vì tất cả những gì chúng ta biết trước đây về nguồn gốc dân tộc đều sai lầm. Chính vì vậy, xin quý vị, chúng ta cùng tìm về nguồn cội dân tộc với những kết quả khoa học mới nhất và cùng nhau phổ biến rộng rãi để tất cả người Việt Nam chúng ta hiểu rõ nguồn gốc của dân tộc Việt chúng ta…

1. DÂN TỘC VIỆT KHỞI NGUỒN TỪ HÒA BÌNH BẮC VIỆT Ở PHƯƠNG NAM:

       Sách sử cũ đều chép rằng dân tộc Việt của chúng ta từ hồ Động Đình Nam Trung Quốc di chuyển xuống miền Bắc và Trung Việt Nam. Xin thưa rằng điều này chỉ đúng một phần vì cội nguồn văn hóa của chúng ta phát xuất từ nền văn hóa Hòa Bình cổ nhất của nhân loại và chúng ta là hậu duệ của người Hòa Bình Hoabinhian. Theo dấu người  xưa tìm về ngọn nguồn dân tộc khởi nguyên từ người Hòa Bình sau một thời gian tiến hóa thích ứng với mội trường sinh sống ở lưu vực sông Hồng, sông Việt (Châu giang, Tây Giang) để trở thành người Tiền Việt (Pre-Vietnamese) rồi người Việt cổ (Ancient Vietnamese). Khi mực nước biển dâng cao, khí hậu phương Bắc bớt lạnh thì người Tiền Việt phải di cư lên miền cao Vân Nam rồi tới chân cao nguyên xứ Tạng (Tibetan Plateau). Sau khi nước biển rút thì người tiền Việt từ cao nguyên Tây Tạng (Ancient Vietnamese) lại tiến xuống dọc lưu vực con sông Nguồn mà sau này Hán tộc đổi tên là Hán Thủy xuôi xuống Đông Nam định cư trên vùng đất mà sách cổ “Thượng Thư” chép là Xích Quy Phương, dân gian gọi là Cửa Việt hay Giao Chỉ. Lần biển tiến cuối cùng cách ngày nay 8 ngàn năm nên nhà Trung Hoa học David Keightly đã nhận định là “ Xuất phát từ trung tâm văn hóa Hòa Bình đã di dân lên tới bờ sông Vị ở chân cao nguyên Tây Tạng đã lập ra nền văn minh đồ đá mới ở Trung Quốc”. Tất cả chứng cớ Khảo cổ, Văn hóa Khảo cổ, Khảo tiền sử, Dân tộc và Ngôn ngữ học đối chiếu với nguồn thư tịch cổ đã xác định là trên vùng đất trải dài từ lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử trở xuống vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo gồm Malaysia, Indonesia, Philippine, quần đảo Polynesia và cả Mỹ châu nữa là địa bàn sinh sống của cư dân Hòa Bình thuộc đại chủng  Hoabinhoid là người Tiền Việt Pre-Vietnamese.

       Như vậy, nguồn gốc dân tộc Việt từ Hòa Bình phương Nam do nạn biển tiến đã thiên cư lên phương Bắc cư trú trên toàn lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Sự kiện lịch sử này đã được hội nghị các nhà Trung Hoa Học kể cả các học giả Trung Quốc, Đài Loan tham dự cuộc hội thảo về nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa tại Đại học Berkeley California Hoa Kỳ năm 1978 đã xác nhận là cư dân Di Việt định cư đầu tiên trên toàn lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Hán tộc du mục đến sau xâm chiến nhà Hạ của tộc Việt thành lập triều Thương đầu tiên của lịch sử Trung Quốc năm 1.600 TDL. Sau đó, đại tộc Việt bị đẩy lui dần xuống phương Nam và trụ lại tại phần lãnh thổ Việt Nam bây giờ.

Sông Nguồn Tầu Hán đổi tên là sông Hán (Hán Thủy) bây giờ.

2. LỊCH SỬ TRUNG HOA THỜI CỔ ĐẠI LÀ CỦA ĐẠI TỘC VIỆT:

       Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu thường không phân biệt rõ khái niệm Trung Hoa và Trung Quốc, cũng như không phân biệt người Hoa Hạ và người Trung Quốc. Thậm chí còn cho rằng Trung Hoa là Trung Quốc và người Hoa Hạ là người Trung Quốc, từ đó đưa tới nhiều nhận định sai lầm đáng tiếc. Do đó, phục hồi sự thật lịch sử về lịch sử Trung Hoa cổ đại hết sức quan trọng vì sư thật lịch sử được chứng minh bởi kết quả của những công trình nghiên cứu, những kết quả khảo cổ, khảo tiền sử, huyết học, Đại Dương học và nhất là phân tích di truyền DNA đã làm thay đổi nhận định từ trước đến nay về lịch sử tiến hoá cũng như tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.

         Sách sử cổ thường viết là lịch sử Trung Hoa cổ đại hoặc dựa theo Kinh Thư viết “Phương Bắc” để chỉ nước Hạ của người Hoa Hạ. Công trình Khảo cổ tìm thấy những di chỉ của nền văn hóa Lão Ngưu Pha của cư dân Việt ở bờ Nam sông Vị và di chỉ văn hóa Diêm La Thôn của cư dân Lạc (Việt) sống ở bờ Nam sông Lạc vùng Tam Giang Bắc, hợp lưu của các con sông Vị, sông Lạc (bộ Chuy) và sông Hoàng Hà. Cổ thư Trung Hoa cũng chép về một quốc gia cổ là “Hoa Tư” gọi là Hoa Tư cổ quốc hoặc “Hoa Tư Thị” ở khu vực Lam Điền của Tây An ngày nay. Hoa Tư thị là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, chữ Hoa Hạ và Trung Hoa bắt nguồn từ Hoa Tư thị.[1]

       Tư Mã Thiên, sử gia chính thống của tộc Hán viết: Tư Mã Thiên cũng viết trong “Sử Ký-Hạ bản kỷ” và “Đại Đái Lễ Ký – Đế hệ”, rằng Cổn là con của Chuyên Húc. Như thế “ngũ đế” trong lịch sử Trung Hoa cổ đại là Đế Hoàng, Đế Cốc, Đế Chuyên Húc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Đế Thuấn truyền ngôi cho Đế Hạ Vũ. Công trình nghiên cứu chữ cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thành thì chữ Hạ 夏 cũng là chữ “Diềt 夏  Việt”, tiếng Triều châu đọc là “He 夏” như “Hè 夏” trong tiếng Việt để chỉ “mùa hè 夏”. Chữ “hè 夏” này có chữ “Hiệt 頁” phía trên, phát âm “Hiệt 頁” ngày xưa cũng  tương đương là chữ “Diềt 夏 Việt”. 

       Việt 夏/Hè cũng chính là “Hùng 夏 vương”, Họ Mỵ 芈 hay Mi 芈 của vua Việt và Hoa 華 – Hạ ” do đó chữ Hoa 華 này chính là Hạ 夏 là Yùe là Việt với nguyên âm “Hiệt 頁”. Theo Tư Mã Thiên thì Đế Hoàng là thủ lĩnh của Hạ Hầu Thị nên lấy tên Hạ để gọi, nước Hạ là tên thường gọi của La Việt có kinh đô là Đại Việt nên còn gọi là Đại Việt. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử chủ trương “hành Hạ chi thời”, đến nay nông lịch truyền thống vẫn là Lịch Nhà Hạ. Lịch nhà Hạ được ghi chép trong các văn hiến thời Tiên Tần như “Thi Kinh”, “Tả Truyện”, “Trúc Thư Kỷ Niên”.

Núi Thái Sơn ở Sơn Đông giáp với Hà Nam địa bàn cư trú của Thủ Lĩnh Đế Hoàng (Hữu Hùng Thị)

Núi Thái Sơn ở Sơn Đông giáp với Hà Nam địa bàn cư trú của Thủ Lĩnh Đế Hoàng (Hữu Hùng Thị) và Sông Nguồn khởi nguyên từ chân cao nguyên Tây Tạng chảy xuống nhập vào sông Dương Tử ở Vũ Hán            tỉnh Hồ Bắc.

3. NÚI THÁI SƠN VÀ SÔNG NGUỒN TRONG TÂM THỨC VIỆT:

       Nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc cho chúng ta thấy rằng sau khi đi lên phương Bắc tới tận chân cao nguyên Tây Tạng Tibetan Plateau để tránh nạn biển tiến sau khi nước biển rút lần cuối cùng cách đây 5.500 năm, người Việt cổ đã từ chân cao nguyên Tây Tạng nơi phát nguyên của con sông Nguồn tiến xuống dọc theo triền sông Nguồn định cư ở lưu vực các con sông Hoàng Hà Dương Tử còn để lại di chỉ của các nền văn hóa Trung Hoa thời cổ đại. Nhánh Việt cổ xuống định cư ở Hà Nam nơi có núi Thái Sơn ở bán đảo Sơn Đông

       Theo khoa Đại Dương học thì lần biển tiến gần đây nhất cách ngày nay 8 ngàn năm và nước biển bắt đầu rút cách ngày nay khoảng 6 ngàn năm – 5.500 năm, khi nước biển rút dần thì một nhánh Indonesian mà chúng tôi gọi là Hoabinhian Pre-Vietnamese = > (Ancient Vietnamese) tiến dọc theo triền sông Dương Tử xuống vùng đất đỏ Xích Quy ở Ba Thục Tứ Xuyên. Các nhà Tiền Sử học đã đo chỉ số sọ của họ và vẽ được lộ trình di chuyển của Hoabinhian => Pre-Vietnamese => Ancient Vietnamese => Hundred-Viets (Bách Việt = Bai-Yue) này. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với niên đại trong cổ sử Trung Quốc ghi rằng họ Thần Nông làm vua từ năm 3.220 TDL đến năm 3.080 TDL.

           Từ vùng chân cao nguyên Tây Tạng Tibetan, người Việt cổ tiến xuống vùng lòng chảo Dạ Lang định cư nơi 4 con sông lớn giáp nhau là sông Min (Mân giang), sông Ya (Dạ Lang), Kong (Mekong Cửu Long) và sông Kạ (Dương Tử) trên bản đồ ngày nay ghi là Bồn địa Tứ Xuyên. Con sông Nguồn phát nguyên từ đây chảy xuống hướng Đông Nam rồi nhập vào sông Dương Tử ở Vũ Hán Hồ Bắc. Sách Thượng Thư gọi vùng này là Xích Quy Phương, còn gọi là Giao Chỉ hay Cửa Việt chính là nơi mà thủ lĩnh Kinh Dương Vương đã lập quốc gia sơ khai và lấy tên đất đặt tên nước là Xích Quy.

        Khoa Khảo Tiền sử cho biết đợt thiên cư thứ ba của Pre-Vietnamese tức người Việt cổ (Ancient Vietnamese => Hundred-Viets) cách đây 5.000 năm về hướng Đông dọc theo lưu vực phía Nam của Hoàng Hà. Đợt này định cư ở vùng Tam giang Bắc là lưu vực 3 con sông Vị, sông Hoàng và sông Lạc. Một số đã vượt qua ngã ba sông Vị tới định cư ở Nam Sơn Tây, Bắc Hà Nam và Nam Hà Bắc để hội nhập với cư dân Bách Việt phương Nam (South Hundred-Viets) từ hạ lưu sông Dương Tử lên định cư từ trước. Theo các nhà Khảo tiền sử thì nhóm này không thuần chủng vì khi họ đi qua hành lang Thanh Hải, Cam Túc đã gặp Mông Cổ và có lai giống phần nào.[2]Đợt thiên cư thứ hai này của người Việt cổ (Ancient Vietnamese = Hundred-Viets) xuống Sơn Tây, Hà Bắc mà truyền thuyết chép chính là dòng Thần Nông phương Bắc, thành lập các triều đại Đế Nghi, Đế Lai, Đế Du Võng. Tuy là cùng chung nguồn cội nhưng thủ lĩnh các thị tộc thường đánh lẫn nhau để tranh quyền lãnh đạo. Cuối cùng, thủ lĩnh họ Hùng (Hữu Hùng Thị) ở Tân Trịnh Hà Nam nơi có ngọn núi Thái Sơn đánh thắng Li Vưu (Suy Vưu, Xi Vưu) thủ lĩnh tộc Miêu và Đế Du Võng dòng Thần Nông phương Bắc thống lĩnh trung nguyên. Đây là cuộc chiến tranh giành ngôi thủ lĩnh liên minh Đại tộc Việt mở đầu cho cuộc phân hóa ly tán đầu tiên của đại tộc Việt khiến một số dòng tộc người Miêu (Hmong-mien, Miao-Yao) phải rút lên vùng núi cao, một số mà sách sử cổ Trung Quốc gọi là Rợ Cao Câu Ly phải chạy lên hướng Bắc thành lập nước Triều Tiên, sang quần đảo Nhật Bản, một số đi đường biển theo gió xuôi Nam xuống Đài Loan, Hải Nam, Bắc Việt Nam (Cổ Việt), một số lạc xuống tận đảo Célèbres…

      4. DÂN TỘC VIỆT HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT VỚI HÁN TỘC.

       Trước đây do thiếu kết quả khoa học nên cho rằng Việt tộc từ Hán Tộc mà ra. Ngày nay với những kết quả khoa học đã chứng minh rằng tộc Việt hoàn toàn khác biệt với Hán tộc. Theo khoa Chủng tộc học (Anthropologie physique) thì sọ cách biệt trên 2 chỉ số nghĩa là thuộc 2 chủng khác nhau. Do đó cư dân Hoa Bắc và Hoa Nam là hai chủng tộc khác nhau vì sọ của 2 nhóm cư dân này cách biệt trên 2 chỉ số có nghĩa là thuộc 2 chủng khác nhau. Người Hoa Bắc có chỉ số sọ 76,56 gần gũi với sọ cổ người Cam Túc tức người Hán cổ (76,70) hoàn toàn khác người Trung Quốc ở Hoa Đông và Hoa Nam thuộc chủng tộc Việt. Các nhà khoa học Khảo tiền sử thuộc trường Viễn Đông Bác cổ đã đo chỉ số sọ trung bình của người Việt là 82,13. Dung lượng sọ Việt là 1341,48 và tính cách sọ Việt là sọ tròn trong khi chỉ số sọ của Hán tộc ở miền Bắc Trung Quốc  (Hoa Bắc) là 76,51 và thuộc loại sọ dài có dung lượng sọ là 1440. Chỉ số sọ trung bình của dân ở miền Nam Trung Quốc (Hoa Nam) và dân ở miền Đông Trung Quốc (Hoa Đông) là 81,22 và thuộc loại sọ tròn. Như vậy Tộc Việt và người Trung Quốc ở miền Đông và Nam Trung Quốc gốc Việt Cổ có cùng chỉ số sọ  và hoàn toàn khác biệt với Hán tộc (Cách biệt hơn 5 chỉ số sọ). Người Trung Quốc ở miền Nam tuy bị Hán tộc thống trị hàng ngàn năm nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống Việt cổ giống hệt người Việt Nam nên tuy Hán tộc bắt họ phải “Đồng (giống)” nhưng không hoa giờ “Hóa” thành người Trung Quốc. Người Hoa Nam gốc Việt cổ thường gọi họ thay cho tên như ông Trần, bà Lý, ông Đặng, bà Trịnh… chính là để nhận ra họ hàng huyết thống cội nguồn Bách Việt còn lại nơi trăm họ (Bách tính).

       Kết quả phân tích cấu trúc di truyền mã genome DNA cho thấy Tộc Việt có Haplogroups chính gồm A, B, C, D. và có đặc biệt đột biến di truyền châu Á vì Không có cặp căn bản số 9 giữa 2 thể di truyền COII/ tRNA.LYS. Trong khi Hán Trong khi Hán tộc Halogroup không có yếu tố B và không có đột biến đặc biệt châu Á. Do đó tộc Việt hoàn toàn khác biệt với Hán tộc.

5. DÂN TỘC VIỆT CÓ LỊCH SỬ LÂU ĐỜI NHẤT THUỘC ĐẠI CHỦNG HOABINHOID

Kết quả của khoa Phân tích Di truyền hoàn toàn phù hợp với thư tịch cổ Trung Hoa, Khoa Khảo cổ học, Nhân chủng học, Khảo tiền sử kể cả truyền thuyết Rồng Tiên về thời kỳ dựng nước của Việt tộc. Chứng cớ khoa học mới nhất có tính thuyết phục nhất, một lần nữa khẳng định tộc Việt và Hán tộc là 2 tộc người khác nhau. Genome mã di truyền DNA của đại tộc Việt và Tầu Hán (Trung Quốc) hoàn toàn khác nhau.

         Theo Ladir Dynamics, Phòng thí nghiệm Tương tác và Phản ứng ở Đại học Paris 6, các miếng gốm cổ có từ 4000 năm trước Công nguyên, đồ sứ và đồ trang sức đã xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á, nơi người Việt đang sinh sống vào thời đó. Những mảnh gốm cổ nhất (4.000 TDL) được tìm thấy ở Đài Loan, ở Philippines và ở Việt Nam.[3] Đặc biệt, Việt tộc và các dân tộc Đông Nam Á, kể cả người Trung Quốc ở miền Đông và miền Nam Trung Quốc có cùng một Haplotype A B C D và có yếu tố đột biến di truyền đặc biệt của châu Á trong khi Hán tộc không có yếu tố này.[4] Các công trình khoa học cũng xác định địa bàn cư trú của tộc người Ancient Vietnamese => Hundred-Viets là Bách Việt từ rặng Tần Lĩnh, hạ lưu sông Hoàng Hà ở Trung nguyên trải dài xuống tận vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Địa bàn cư trú của Việt tộc phía Bắc tới hạ lưu sông Hoàng Hà, phía Tây giáp Tây Tạng, Đông giáp Nam Hải, Nam xuống tận Bắc Trung Việt, chính là cương giới của nước Văn Lang xưa của tộc Việt.

         Năm 1992, Hiệp hội Di truyền Hoa Kỳ đã công bố công trình nghiên cứu “DNA của ty thể (mtDNAs) từ 153 mẫu độc lập bao gồm bảy quần thể châu Á đã được khảo sát về biến thể tuần tự bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phân tích endonuclease hạn chế và lai tạo oligonucleotide” và kết luận: “Tất cả các quần thể châu Á chia sẻ hai hình thái đa dạng sinh học AluIIDdI cổ ở 10394 và 10397 và tương tự về mặt di truyền cho thấy họ có chung một nguồn cội tổ tiên. Sự đa dạng mtDNA lớn nhất và tần số cao nhất của mtDNAs với HfiaI / HincII morph 1 của người Việt Nam cho thấy nguồn gốc phương Nam của người châu Á. Đặc biệt, tần số đa dạng cao của người Việt Nam và tần số cao của HincII / H # aI morph 1 haplotypes cho thấy phía Nam Trung Quốc là trung tâm của phát tán mtDNA châu Á (BLANC et al.1983). Các tần số cao của nhóm haplotype xóa D * mtDNAs ở Đông Nam Á, các hòn đảo Thái Bình Dương chứng tỏ rằng những người di cư tới vùng đất này là hậu duệ của một cộng đồng người ở Hòa Bình Việt Nam và miền Nam lãnh thổ Trung Quốc bây giờ”. Hiệp hội Genetics của Hoa Kỳ công bố công trình nghiên cứu về trình tự gen với những kết quả khoa học đã kết luận: “Người Việt Nam có tần số đa dạng nhất, dân số già nhất và dĩ nhiên có lịch sử lâu đời nhất.”.[5]

        Nhà nhân chủng Ballinger và đồng nghiệp đã nghiên cứu mtDNA của 7 dân tộc Đông Nam Á đã kết luận là chỉ số đa dạng sinh học (F-value) ở người Việt cao nhất trong các sắc dân Ðông Nam Á thuộc chủng Mongoloid phương Nam (Thực ra là Hoabinhoid Previetnamese=> Ancient Vietnamese). Do đó, Việt Nam là trung tâm của mtDNA từ đó lan toả ra khắp vùng Thái Bình Dương. Nhà nhân chủng Ballinger và Lâm Mã Lý gọi là các tộc người Mongoloid Nam Á mà chúng tôi gọi là đại chủng Hoabinhoid tức Pre-Vietnamese (Tiền Việt). Kết quả khoa học thuyết phục này chứng minh người Việt là hậu duệ của cư dân Hòa Bình Hoabinhian=người Tiền Việt Previetnamese. Tất cả các dân châu Á đều phát tích từ Hoabinhian => Previetnamese tức đại chủng Bách Việt (Ancient Vietnamese) và Việt Nam là một dân tộc có chỉ số đa dạng sinh học F-value biến thiên cao nhất nên có lịch sử lâu đời nhất.[6]

         Các tần số cao của nhóm haplotype xóa D * mtDNA ở Đông Nam Á, các hòn đảo Thái Bình Dương chứng tỏ rằng những người di cư tới vùng đất này là hậu duệ của một cộng đồng người ở Hòa Bình Việt Nam và miền Nam lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Hiệp hội Genetics của Hoa Kỳ công bố công trình nghiên cứu về trình tự gen với những dữ liệu khoa học đã kết luận: “Người Việt Nam có tần số đa dạng nhất, dân số già nhất và dĩ nhiên có lịch sử lâu đời nhất.”.[7]

        Nhà nhân chủng Ballinger và đồng nghiệp đã nghiên cứu mtDNA của 7 dân tộc Đông Nam Á đã kết luận là chỉ số đa dạng sinh học (F-value) ở người Việt cao nhất trong các sắc dân Ðông Nam Á thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Do đó, Việt Nam là trung tâm của mtDNA từ đó lan toả ra khắp vùng Thái Bình Dương. Nhà nhân chủng Ballinger và Lâm Mã Lý gọi là các tộc người Mongoloid Nam Á. Thế nhưng,  suốt thời kỳ đồ đá trên địa bàn Đông Nam Á không tìm thấy di cốt người Mongoloid. Như vậy, trong tổng số 58 sọ cổ thì vào thời đá mới yếu tố mà các nhà nhân chủng gọi là Indonesian chính là Hoabinhian-Pre-Vietnamese chiếm 20 sọ trong khi không có sọ Mongoloid. Sang thời đồng thau và sắt sớm thì yếu tố Hoabinhian-Pre-Vietnamese từ cao nguyên Tây Tạng Tibetan di chuyển xuống phương Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam trở thành người Việt cổ (Ancient Vietnamese) => Bách Việt (Hundred-Viets) giảm từ 20 còn 14 sọ. Chính vì vậy mà chúng tôi gọi là đại chủng Hoabinhoid vì phát tích từ Hòa Bình, sau một thời gian thích ứng với môi trường đã trở thành là người Tiền Việt (Previetnamese).

6. TỪ TRIẾT THUYẾT PHƯƠNG ĐÔNG ĐẾN ĐẠO VIỆT

       Các công trình nghiên cứu đã phục hồi sự thật của lịch sử là các nền văn hóa Trung Hoa thời cổ đại và cái gọi là nền văn minh Trung Quốc chính là của Đại tộc Việt. Kết quả của công trình văn hóa khảo cổ chứng minh rằng nền văn hóa Lương Chử là của tộc Việt. Di chỉ văn hóa Lương Chử với sơ đồ Bát quái sớm nhất với phiến ngọc có vòng tròn chia làm 8 phần, ở giữa có hình mặt trời 8 cánh… Kinh Thư chép là sau khi Đại Vũ trị thủy xong, được trời ban cho Lạc Thư vẽ trên lưng Rùa Thần nổi lên trên sông Lạc ở Hà Nam là địa bàn cư trú của người Lạc Việt gốc Lương Chử…

         Nhà Trung Hoa Học Allan  nhận định “Văn hóa Lương Chử bước vào giai đoạn phát triển thành hình nền văn minh Lương Chử với lễ khí bằng ngọc, lụa, đồ gốm cao cấp, một hệ thống chữ viết nguyên thủy trong một cơ cấu xã hội hình Kim tự tháp tập trung quyền lực vào một người quyền lực nhất có chức tước cao nhất nên được xem là một hình thức quốc gia sơ khai”.[8] Đây chính là quốc gia sơ khai Xích Quy rồi Văn Lang của tộc Việt.

        Đặc biệt là trên bình gốm của nền văn hóa Lương Chử có khắc 4 chữ thể hiện ý thức Việt trên một chiếc nồi gốm đen có khắc 4 ký hiệu: “方钺会矢” – “Phương Việt Hội Thi”, đây là các ký hiệu có ý nghĩa rất quan trọng đó là “Liên minh quốc gia Việt” viết theo ngữ pháp Việt là từ trái qua phải khác với Hán tự viết từ phải qua trái thể hiện ý thức Việt để thành lập Quốc gia sớm nhất là Liên minh các quốc gia Việt.[9]

Hình chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday]

          Nền minh triết Việt khởi nguyên từ thần tổ kép Tiên Rồng, uyên nguyên của triết lý Âm Dương Việt cổ, tinh túy của triết học phương Đông. Âm Dương biểu tượng cho 2 mặt đối lập tương sinh tương khắc nhưng không dẫn đến triệt tiêu, hủy diệt lẫn nhau mà cùng nhau tương hoà theo lý đối lập thống nhất. Trong vũ trụ vạn vật muôn loài đều có 2 mặt đối lập với nhau nhưng vẫn cần thiết có nhau, tương hòa để tồn tại. Nếu thiếu một trong 2 yếu tố căn bản hoặc âm hoặc dương thì sẽ không có muôn loài muôn vật. Thực tế cuộc sống được chiêm nghiệm suốt chiều dài của lịch sử loài người, đó là tuy đối lập nhưng vẫn hài hòa, thống nhất trong đa dạng thì loài người mới tồn tại mãi tới ngày nay. Bất cứ muôn loài muôn vật muốn tồn tại phải “Tương Hòa” đó chính là đạo “Thái Hòa” của nền minh triết Việt Nam. Hòa hợp ngay tự bản chất mỗi vật, hòa hợp ngay chính bản thân mỗi người như thể xác với tâm hồn, tình cảm với lý trí, tâm với tính, hài hòa với thiên nhiên, hài hòa trong ứng xử giao tiếp với tha nhân, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác để cùng tồn tại chứ không cực đoan, mưu đồ tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải cùng tôn trọng nhau, chấp nhận nhau dù có sự khác biệt. Phải chấp nhận thống nhất trong đa dạng, lấy yếu tố con người làm đích điểm để cùng chung sống trong hòa bình. Đó chính là triết thuyết Nhân bản Cộng tồn, lấy con người là chính để cùng chung sống trong hòa bình an lạc của nền minh triết Việt. Nhân loại đang trải qua thời kỳ khủng hoảng, bế tắc của tư tưởng nên hết chiến tranh ý hệ lại quay sang chiến tranh dân tộc và tôn giáo đe dọa sự sống còn của nhân loại. Chỉ có nền minh triết siêu việt nhân bản tâm linh Việt mới đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay để giải quyết vấn đề nhân sinh trước thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

ĐẠO VIỆT

       Là cư dân nông nghiệp đời sống thiên về văn hóa với những lễ hội dân gian quanh năm suốt tháng. Người việt cổ có đời sống tâm linh cao độ, từ đạo thờ Trời, thờ Ông bà Tiên Tổ của dòng họ, ông Tổ của nòi giống đến thờ nhân thần, thờ kính các anh hùng dân tộc, đặc biệt các thần nữ. Khởi đi từ quan niệm Đạo Trời, đạo Đất cũng là đạo người, nhất âm nhất dương chi vị đạo, nam nữ cấu tinh-vạn vật hóa sinh để truyền chủng bảo tồn nòi giống dẫn tới ý niệm nhân chủ, xem con người làm chủ cuộc sống nên phải xem con người là căn bản, tôn trọng sự sống nên nhân loại phải cùng chung sống hòa bình với triết thuyết “Nhân bản Cộng Tồn” và nhân sinh quan “Nhân Hòa Trung Đạo” của nền minh triết An Lạc Thái hòa…

ĐẠO THỜ TRỜI

      Người Việt cổ là cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước nên người thời Hùng Vương đặt niềm tin vào Cha trời Mẹ đất ban phát cho mưa thuận gió hoà, mùa vụ gặt hái đầy đồng vì thế người Việt cổ xưa thờ thần mặt trời với những lễ thức nông nghiệp tế thần mặt trời. Đối với cư dân nông nghiệp buổi ban sơ thì không gì quan trọng hơn thần mặt trời là thần quyết định việc mưa nắng thuận lợi để cây lúa tốt tươi, muôn loài muôn vật sinh sôi nảy nở. Thần mặt trời có một uy lực thiêng liêng trong tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân Việt cổ nên ngay chính giữa mặt trống đồng khắc hình mặt trời với những tia sáng tỏa ra xung quanh. Thần mặt trời còn ngự trị trong đời sống tâm linh nên thần được nhân cách hoá một cách thân thương gần gũi trong đời sống dân gian với những hình ảnh như ông trời, mặt trời, chân trời, lưng trời.

      Quan sát nghiên cứu những hoa văn trên mặt trống đồng đã cho thấy đầy đủ chi tiết nghi thức trong buổi lễ tế thần mặt trời của người Việt cổ xưa. Trên mặt trống khắc hoạ những vũ nhân đang nhảy múa, vũ phục hoá trang hình chim với những lông chim xếp thành từng lớp trên thân mình, nhảy múa uốn éo lượn vòng quanh nhịp nhàng. Những họa tiết trên hoa văn trống đồng Ngọc Lũ làm sống lại khúc Đông Quân trong chương cửu ca, tập Sở Từ của đại thi hào Khuất Nguyên. Tục thờ trời là của Việt tộc nên từ vua chúa đến thứ dân đều thờ kính. Sách sử cổ chép: “Vua Vũ thờ trời tế Thiên ở núi Thái Sơn (Sơn Đông) rồi về Tế Giao ở Cối Kê U-Việt”.

        Tục thờ Trời còn được gìn giữ truyền lưu mãi tới ngày nay trong dân gian nhất là ở miền Nam, hầu như không có nhà nào mà không có một bàn thờ Thiên (ông Trời) ở trước ngõ. Các dân tộc trong cộng đồng Bách Việt (Hundred-Viets) gồm các nước Đông Nam Á cũng thờ thần mặt trời kể cả Nhật cũng thờ Thái Dương Thần Nữ, thổ dân Đài Loan, Indonesia và thổ dân châu Mỹ nữa. Tất cả đều có những nghi thức tế thần mặt trời với vũ nhân vẽ mình và hoá trang hình chim với màu sắc giống hệt nhau. 

       Hình ảnh ông trời cũng như ý niệm về cha trời mẹ đất giữ một vai trò quan trọng thiết yếu trong đời sống tâm linh của dân gian. Ý niệm cha Trời mẹ Đất hình thành trong tâm thức Việt dẫn đến Đạo thờ Trời. Hình ảnh ông Trời được xem như Đấng Tối Cao siêu nhiên ban phát ơn ích cho mọi người. Từ đó, nhà vua đại diện cho nhân dân phải tế Trời gọi là lễ Tế Thiên và tế Đất gọi là lễ Tế Giao hàng năm để cầu cho mưa hoà gió thuận, vạn vật sinh sôi nẩy nở. Tế Trời – Tế Đất là nghi lễ đạo thờ Trời của Việt tộc từ xa xưa đến mãi ngày nay, vì vậy trước nhà mỗi gia đình Việt ở thôn quê vẫn có bàn thờ trời gọi là bàn Thiên mà Trung Quốc không hề có. Hình tượng ông Trời sâu đậm trong đời sống tâm linh của người Việt nên mỗi khi con người gặp phải một điều bất trắc, khổ đau thì hai tiếng “Trời ơi” của miền Nam và “Ối Giời ơi” của người Việt miền Bắc được thốt lên như niềm than van, nổi khẩn cầu, cứu giúp trong tận cùng đau khổ của trần gian.

    Nhà Việt Nam học người Pháp Léopold Cadière đã nhận định về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam như sau: “Với người Việt, Trời không phải là một vị thần, ít nhất là trong quan niệm dân gian. Đó là ông Trời, đấng hình như thuộc về thế giới siêu việt. Hoàng đế tế trời một cách trọng thể còn dân gian thì cầu trời, kêu trời hàng ngày bằng ngôn ngữ thông thường. Ý niệm trời thấm sâu vào tâm tư người Việt và được biểu lộ thường xuyên mỗi ngày qua ngôn ngữ một cách minh nhiên đến nỗi ta không thể thấy rằng ý niệm trời chính là một nguyên lý cơ bản và cao cả nhất đối với đời sống tín ngưỡng của người Việt”.

     Từ Đạo thờ Trời nguyên thủy của Việt tộc thuở đó còn theo chế độ mẫu hệ nên khi Đông Di tức Lạc bộ Trĩ thiên cư sang Nhật Bản vẫn tôn thờ Thái Dương thần nữ Amaterasu mãi tới ngày nay. Bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt cổ với tín ngưỡng phồn thực còn gọi là đạo “Phong nhiêu”. Tín ngưỡng phồn thực với  nghi lễ “Truyền sinh” được thể hiện qua hình những tam giác gốc là âm vật và dương vật hoặc hình ảnh mẹ Tiên giao hòa với Bố Rồng qua hình chim lao vào miệng thuyền được khắc họa trên mặt trống đồng. Nghi lễ Truyền sinh của đạo “Phong nhiêu” thể hiện qua hình ảnh đôi nam nữ giao phối trên nắp thạp Đào Thịnh và giới Khảo cổ cũng tìm thấy dưới lòng sông Lạc một  di chỉ khảo cổ hình Phục Hy và Nữ Oa đang quấn quít nhau khai mở cuộc hôn phối gia đình cho nhân loại.

     Trống đồng cũng khắc họa những hoa văn biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực nguyên thủy, lễ tế thần mặt trời của người Việt cổ và đặc biệt, trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng là hình có khe hở biểu trưng cho bộ phận truyền sinh của phái nữ. Nghi thức tế lễ này được diễn tả trong Cửu Ca của Khuất Nguyên, đại văn hào của nhân loại là người nước Sở tức người Việt cổ đã cho chúng ta biết rõ hơn về tôn giáo nguyên thủy, đạo thờ trời của Việt tộc.

    Trong những con vật được khắc họa trên hầu hết các mặt trống thì chim và rồng là hai vật biểu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt cổ. Đặc biệt, hình ảnh chim đậu trên nóc nhà dài bằng cả ngôi nhà sàn và cao bằng cả 1 chiếc thuyền. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là thủ pháp phóng đại để làm nổi bật trọng tâm về phương diện tâm linh với hình ảnh chim hoá thân của mẹ Âu được thánh hoá thành mẹ Tiên là vật tổ biểu trưng của Việt tộc, đây chính là nguyên lý “Mẹ” trong tâm thức Việt. Bên hông của trống đồng Ngọc Lũ ở giữa khắc hình 2 chiến thuyền có một con chim nước đối diện với 1 con chim chân dài nhưng không phải là chim nước vì mỏ ngắn, đó là một con chim Trĩ. Chim Trĩ chính là con chim Phượng Hoàng huyền thoại, vua các loài chim và là vật tổ biểu trưng của tộc Việt. Trong tổng số 15 con chim đếm được thì 5 con chim nước biểu trưng cho cư dân nông nghiệp sống ở vùng đồng bằng, ao hồ sông nước.

      Theo nguồn sách sử cổ được phối kiểm bởi các công trình khảo cổ, Tiền sử học thì khi nước biển rút dần, người Việt cổ Ancient Vietnamese từ cao nguyên Tibetan đã tiến xuống phương Nam từ  thượng nguồn các con sông Cửu Long, sông Hồng và  tiến về hướng Đông Nam theo dấu chim bay về hướng Đông Nam tìm nắng ấm mặt trời. Cư dân Ancient Vietnamese => Hundred-Viets được sách sử cổ Trung Quốc gọi là Bách Việt định cư ở vùng lưu vực 2 con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử đến ven vùng duyên hải lãnh thổ Trung Quốc bây giờ.

       Huyền thoại Rồng Tiên kể rằng Đế Minh, cháu 3 đời của Đế Thần Nông tuần du phương Nam gặp nàng Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Sùng Lãm, Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Tầm nguyên ngữ nghĩa của chữ “Vụ” là một loài chim nước, loài cò bể nên người xưa đã thần thoại hóa con Vụ ở miền sông nước thành “Tiên nữ”. Truyện cổ tích họ Hồng Bàng kể rằng, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ con gái Động Đình Quân sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân hàm ẩn ý nghĩa là Kinh Dương Vương có mẹ Tiên, lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân có dòng máu của mẹ Rồng (Long Nữ) con của Động Đình Quân, chúa vùng hồ Động Đình.

       Tầm nguyên ngữ nghĩa của hai chữ Hồng Bàng chúng ta sẽ thấy rõ hơn nguồn gốc của đại chủng Bách Việt. Thật vậy, chữ “Hồng” ghép bởi chữ “Giang” là sông nước và chữ “Điểu” là chim nên dân gian vẫn gọi chim Hồng là vua của các loài chim sinh sống ở lưu vực sông Dương Tử nên Chim được xem là biểu tượng của phương Nam. Các nhà nghiên cứu còn cho biết chữ Hồng bộ điểu này thông nghĩa với chữ “Hồng” là con nước to, con nước tràn lũ lụt do chữ “Hồng” gồm bộ thủy và chữ “cộng” ở bên phải. Bàng là to lớn, như vậy họ Hồng Bàng là họ to lớn, nguyên chữ Hồng Bàng đã hé mở cho chúng ta thấy dân tộc Việt là một đại chủng, sau khi biển lùi đã di cư xuống miền Nam khai khẩn đất đai. Chi tộc Việt ở miền cao nguyên chọn chim  làm vật biểu đó là chi Âu Việt mà các nhà nhân chủng gọi là Hundred-Viets rừng núi.

      Sách sử cổ Trung Quốc cho biết một số còn định cư ở Thiểm Tây gọi là Khuyển Nhung tức Lạc bộ Chuy (Chuy = điểu = chim đuôi ngắn) và số khác tiến xa hơn xuống đồng bằng miền Kinh-Việt thuộc châu Kinh định cư lâu dài ở đó. Sách sử cổ Trung Quốc cho biết, sau này họ thành lập nước Sở thờ chim Hồng, hoá thân của mẹ Tiên Âu Cơ làm vật tổ biểu trưng. Hình ảnh khắc họa trên trống đồng với kẻ ở miền núi, người ở miền xuôi, mỗi chi tộc có một vật tổ biểu trưng khác nhau nhưng vẫn chung sống hòa hợp, chung lưng đấu cật trong một quốc gia Văn Lang bao gồm 15 bộ. Chính sự hợp nhất này tạo sức mạnh vô địch nên mặc dù, trải bao thịnh suy hưng phế của thời gian, trước một kẻ thù tàn bạo quỷ quyệt nhưng dòng giống Việt vẫn tồn tại mãi với thời gian.

         Lịch sử Việt thời Lý Trần đã dung hóa Nho-Phật-Lão giáo đại thành “Tam Giáo Đồng Nguyên”. Tổng hòa tinh hoa của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Nho giáo với Bi, Trí, Dũng của Phật giáo để hình thành quan niệm sống “Lễ-Nghĩa-Liêm-Sỉ” và “Nhân, Trí, Dũng”của người Việt được tuyên xưng trong áng văn bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo”: “Duy Ngã Đại Việt chi quốc, Thực vi văn hiến chi bang…”. Quan niệm sống của giới sĩ phu nói riêng và người Việt Nam yêu nước nói chung là “Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…” nên “ Từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần-cùng Hán Đường Tống Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương… Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có…

ĐẠO THỜ CÚNG TỔ TIÊN

         Một nét son cao đẹp tuyệt vời của văn hoá Việt cổ còn bảo lưu mãi cho tới ngày nay đó là tục thờ nhân thần và thờ cúng ông bà Tiên Tổ, truyền thống đạo lý cao đẹp của người Việt Nam. Trong tâm thức mỗi người Việt thì người thân yêu trong gia đình tuy đã chết nhưng vẫn còn hiện diện nơi người sống với tất cả sự nhớ nhung thương tiếc. Hàng năm đến ngày người thân mất, những người còn sống trong gia đình vẫn làm một bữa cơm cúng mời vong linh người chết trở về sum họp gọi là ngày giỗ. 

         Ngày giỗ là ngày tất cả con cháu trong gia đình xa gần trở về đoàn tụ, mỗi người mang theo một bó nhang, ít trái cây và con gà gọi là để góp giỗ để người quá cố chứng giám cho lòng thành của họ. Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, con cháu quỳ lạy khấn vái vong linh người quá cố, cúng cơm xong rồi hạ lễ, mọi người trong nhà quây quần bên mâm cơm vừa ăn vừa nhắc tới công ơn, đức hạnh, tình cảm người quá cố khi còn sống.

         Trong đời sống tâm linh của người Việt thì người đã qua đời vẫn còn sống mãi trong lòng con cháu. Hình ảnh, tình cảm, đức hạnh của người quá cố vẫn còn hiện diện trong đời sống tâm linh của những người còn sống như để phù hộ độ trì cho họ để rồi một mai khi họ chết đi, thì họ lại che chở, phù hộ cho thế hệ con cháu sau này qua cơn hoạn nạn. Chính vì vậy, người Việt đón nhận cái chết như một sự bình thường phải xảy ra không trừ một ai.

         Người xưa quan niệm cõi trần gian chỉ là cõi tạm dừng chân, còn khi chết đi mới thực sự về với ông bà tiên tổ nên mới có thành ngữ “sống gửi thác về” (sinh ký tử quy). Trái lại người phương Tây quan niệm sống một cách thực dụng nên họ rất lo sợ trước cái chết và hết sức ngạc nhiên xen lẫn thán phục, khi thấy các cụ già Việt Nam đã sắm trước cái quan tài ưng ý để bình thản đón chờ cái chết. Một số dân tộc khác trên thế giới cũng có thờ cúng ông bà thuở xa xưa nhưng tập tục này dần dần mai một không còn nữa, duy chỉ có dân tộc Việt Nam trân trọng bảo lưu đạo thờ cúng ông bà mãi cho tới ngày nay. Trong khi người Trung Quốc hầu như không thờ ông bà Tổ Tiên, không tổ chức cúng giỗ mà họ lại thờ tất cả những vị thần nào mà họ cho là có lợi, một ngày cúng đến 3,4 lần, kể cả thần mùa màng thời tiết nữa. Họ cúng Hạ Chí, Đông Chí, Xuân Phân, Thu Phân, Thần cửa, thần bếp, thần tài …

         Đối với người Việt, việc thờ cúng Ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người, hết sức thiêng liêng cao đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa nên thường nghĩ tới ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Ngày nay, dù giới trẻ quan tâm nhiều đến ngày sinh nhật nhưng cũng không quên những ngày kỵ giỗ người thân trong gia đình. Đạo thờ cúng ông bà là một “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của Việt tộc. Linh mục Cadière khi nghiên cứu về văn hóa dân tộc Việt Nam đã phải thốt lên: “Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ”. Học giả P. Mus nghiên cứu về Việt Nam cũng thừa nhận rằng: “Dân tộc Việt có một đời sống tâm linh cao, người Việt không làm việc, họ tế tự”. Thật vậy, người ngoại quốc ngạc nhiên khi thấy “Mỗi gia đình Việt Nam là một nhà thờ, nhà nào cũng có bàn thờ gia Tiên ở chính giữa nhà”.

         Trong đời sống tâm linh Việt, “Nhất cử nhất động, việc gì cũng tràn đầy tính chất thiêng liêng, thờ phượng, tế lễ, cúng giỗ với tất cả tấm lòng chí thành”. Đây chính là điểm đặc thù độc đáo thấm đậm bản sắc dân tộc, tràn đầy vẻ nhân văn của triết lý văn hoá nhân chủ. Trong đời sống tâm linh Việt không chỉ hiển hiện ở bàn thờ Gia Tiên mà đền thờ ngự trong tâm thức mỗi người.  “Người Việt không tham dự vào các buổi lễ để được ban phát ân sủng, mà họ hiệp thông cầu nguyện như một người Tư tế, với tất cả tính chất thiêng liêng của một tôn giáo”. Điều này thể hiện giá trị cao đẹp đặc trưng đời sống tinh thần của người Việt cổ. Hiện nay người Nhật còn lưu giữ tập tục cao đẹp của người Việt cổ xưa, đó là “Thần đạo” ảnh hưởng rất lớn trong dân gian Nhật Bản với truyền thống thờ cúng Ông bà Tổ tiên. Cũng như người Việt, người Nhật không có sự phân biệt tách bạch giữa thần linh và con người, cả hai cùng có nguyên lý sinh sản nối tiếp theo quan niệm duy linh: “Với người còn sống, thần linh chính là tổ tiên đã khuất và khi họ chết đi, họ lại trở thành thần linh phù hộ con cháu”.

         Thờ cúng tổ tiên chính là đạo lý làm người, là những gì thiêng liêng cao cả lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chính dòng sống tâm linh này đã góp phần bảo tồn dòng giống Việt.  Truyền thống thờ cúng ông bà không còn là một tập tục, một tín ngưỡng đơn thuần mà đã trở thành đạo lý của dân tộc. Đạo thờ cúng ông bà được xem như Tổ Tiên chính giáo của đạo làm người Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX đã ân cần nhắc nhở: “Trai thời Trung Hiếu làm đầu, Gái thời Tiết Hạnh làm câu sửa mình…Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ…”. Đạo thờ Ông bà Tiên tổ đứng đầu trong “Tứ Ân” trọng đại, tinh hoa của Phật Giáo mà sau này, nơi Phúc Địa miền Nam đã kết tụ tinh hoa thành “Bửu Sơn Kỳ Hương”, một triết lý nhân sinh thể hiện ngay trong đời sống thường ngày, đó là Ân Tổ Tiên Cha mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo và Ân Đồng bào nhân loại.

         Trong mỗi gia đình Việt nam, ngoài bàn thờ Tổ tiên còn có tục thờ Thổ công tức thần đất đai bản thổ như dân gian thường quan niệm là đất có Thổ công, sông có Hà Bá. Mỗi khi cúng giỗ muốn mời vong linh ông bà Tổ tiên về phải cúng và xin phép Thổ thần cho vong linh người thân được về để chứng giám lòng thành của con cháu. Tại miền Nam, nhà nào cũng có một bàn thờ Trời gọi là “Bàn Thiên” trước sân nhà và một bàn thờ Ông Địa đặt ngay ở dưới đất, ông Địa có râu với bụng to, ngực lớn xệ xuống nên dân gian tin tưởng ông Thần Tài mang lại may mắn cho gia đình.  Đây chính là điểm độc đáo của dòng sống tâm linh Việt vẫn tiếp nối truyền lưu trong mỗi con người Việt Nam chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau.

       Thật vậy bên cạnh đời sống thực tế khổ đau trước mắt, vẫn hiển hiện một đời sống tâm linh sâu thẳm thấm đậm tính nhân bản hiện thực cao đẹp. Chính dòng sống tâm linh đó đã tạo cho mỗi người Việt Nam một quan niệm sống lạc quan yêu đời, an nhiên tự tại nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nền độc lập thực sự, quyền tự do thực sự và sự ấm no hạnh phúc thực sự cho mỗi con dân đất Việt.[10]

TÔN THỜ QUỐC TỔ QUỐC MẪU

        Nhiều học giả ngoại quốc đã đặc biệt trân trọng truyền thống thờ nhân thần của Việt Nam. Trong khi các dân tộc khác trên thế giới chỉ thờ các thần linh với những uy lực siêu phàm từ một cõi xa xăm nào khác thì ở Việt Nam, những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hoá hoặc bất kỳ ai dù thuộc bất cứ thành phần xã hội nào, nếu lúc còn sống có công với dân địa phương mà khi chết đi hiển linh sẽ được nhân dân địa phương tôn thờ như vị thần làng.  Cội nguồn Việt tộc khởi từ Kinh Dương Vương, Đức Long Nữ, Lạc Long Quân, Âu Cơ được dân gian, mà dân gian gọi một cách thân thương là Bố Rồng Mẹ Tiên, Bố Lạc mẹ Âu được nhân dân cả nước lập đền thờ “Quốc Tổ – Quốc Mẫu” và hàng năm tổ chức trọng thể ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba âm lịch. Ngày giỗ Tổ được dân gian xem như ngày của “Bố Rồng Mẹ Tiên” để đồng bào cả nước tưởng nhớ công ơn của người khai sáng nguồn cội giống dòng và mỗi người cũng nhớ đến Bố mẹ, người đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người.

       Niềm tự hào về cội nguồn con Rồng cháu Tiên cùng một bào thai mẹ nên đối với người Việt, thì lòng yêu nước luôn luôn đi đôi với tình thương nòi giống. Yêu nước thương nòi, đó chính là đặc trưng của Việt tộc mà không một dân tộc mà có được. Bố Rồng, người anh hùng mở nước, khai sáng văn hoá của dân tộc được nhân dân cả nước tôn thờ không chỉ bằng đền đài miếu mạo, mà còn ngự trị trong tâm thức Việt như một “Người Thần”.  Hình tượng Bố Rồng mẹ Tiên mang tính thần kỳ lịch sử, lại là Bố Lạc mẹ Âu trong thực tế cuộc sống nên vừa là người anh hùng huyền thoại dựng nước, vừa là anh hùng khai sáng văn hoá dân tộc. Từ đó đã dẫn tới đạo thờ cúng ông bà Tiên Tổ, tôn thờ những “Nhân thần” đã truyền lưu sự sống cho cả dân tộc cũng như cho bản thân mỗi người chúng ta. Truyền thống cao đẹp tôn thờ sùng kính, biểu lộ lòng tri ân Đức Quốc Tổ Quốc mẫu, các anh hùng dân tộc cũng như thờ cúng ông bà Tiên Tổ biểu thị lòng hiếu thảo đối với những người sinh thành dưỡng dục, truyền lưu sự sống cho mình đã là sợi dây tình cảm thiêng liêng phối kết con dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Truyền thống tôn thờ các anh hùng dân tộc thể hiện lòng tri ân sâu sắc tiền nhân, tri ân những chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì đất nước để dân tộc trường tồn sống mãi trong tâm thức Việt. Hình ảnh các anh hùng dân tộc từ biết bao thế hệ trước của ông bà Tiên Tổ sống mãi trong lòng thế hệ cháu con. Thế hệ này sẽ tiếp nối truyền lưu ngọn lửa thiêng của dân tộc sang thế hệ sau, với niềm tin mãnh liệt là anh linh của các anh hùng dân tộc đã hiển linh hoà quyện thành “Hồn thiêng sông núi”, phù trợ cho cháu con bảo vệ bờ cõi giang sơn cẩm tú của dòng giống Lạc Hồng.

        Trên khắp nẻo đường đất nước, biết bao địa danh lưu dấu những chiến công hiển hách của các anh hùng dân tộc đã đi vào tâm thức Việt. Người dân cả nước tri ân lập đền thờ phượng khắp nơi từ đền thờ Quốc tổ Hùng Vương đến hội làng Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, từ đền sông Hát thờ hai Bà Trưng đến đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương, Bình Định Vương Lê Lợi và đền thờ Đại đế Quang Trung. Đạo lý truyền thống thờ cúng nhân thần như các anh hùng dân tộc, thờ cúng ông bà Tiên tổ không chỉ là một tín ngưỡng mà còn bao hàm một ý nghĩa triết lý văn hoá tuyệt vời của truyền thống nhân bản Việt. Người Việt cổ thời Hùng Vương đã tiến hoá cao về phương diện tâm linh, vượt qua thời kỳ bái vật, duy thần để tiến lên nhận thức cao hơn là lấy con người là chính, con người cao quý linh thiêng hơn muôn loài nên người có công dù thuộc bất cứ một thành phần nào trong xã hội phải được trân trọng tôn thờ. Truyền thống thờ nhân thần thể hiện quan niệm sống của người Việt cổ từ xa xưa vẫn được bảo lưu mãi cho tới ngày nay. Xã hội Việt cổ với truyền thống nhân bản tâm linh, tôn trọng người quá cố, tôn trọng giá trị con người, không phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu sang nghèo hèn thậm chí  một người ăn xin được gọi một cách trân trọng là “Ông ăn mày” nhưng lại có thái độ coi rẻ gọi bằng “Thằng” những kẻ thù của dân tộc, những người giàu sang quyền quý mà  thiếu đạo đức như thằng Tầu, thằng Tây, thằng trọc phú, thằng Việt gian bán nước.

       Một điểm độc đáo đặc thù cuả ngôn ngữ Việt, dân tộc Việt đó là từ ý niệm Quốc Tổ, người khai sáng ra dòng giống Việt nếu đảo ngược chữ “Quốc Tổ” lại sẽ thành “Tổ Quốc”, diễn tả một ý niệm u linh bàng bạc cuả Hồn thiêng sông núi Việt Nam tự bao đời mà không một dân tộc nào có được. Tóm lại, Đạo Việt chính là đạo lý làm người Việt Nam của chúng ta.


[1] Wikipedia tiếng Việt: Thiểm Tây (Shanxi)

[2] Bình Nguyên Lộc: Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc…                                 Wikipedia: Cam Túc giản thể: 甘肃; phồn thể: 甘肅; bính âm: Gānsù; Wade-Giles: Kan-su, Kansu, hoặc Kan-suh) là một tỉnh ở phía tây bắc của Trung Quốc. Cam Túc nằm giữa tỉnh Thanh HảiNội Mông và Cao nguyên Hoàng Thổ, giáp với Mông Cổ về phía bắc. Hoàng Hà chảy qua phía nam tỉnh này. Cam Túc có tên gọi tắt là Cam hay Lũng (陇/隴), cũng còn gọi theo tên cũ là Lũng Tây hay Lũng Hữu vì có núi Lũng ở phía đông Cam Túc. Từ Cam Túc, dòng Thần Nông phương Bắc tiến dần sang Thiểm Tây rồi tới Sơn Tây, Hà Bắc… nên khảo cổ ghi nhận người Cám ở vùng này…

[3] Tao Babe WordPress.com.  

 

[5] Tao Babe WordPress.com.

[6] S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 p.139-45. S.W. Ballinger& đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45. “The greatest mtDNA diversity and the highest fruency of mtDNA with HpaI/HincII were observed in the Vietnamese…”    

[7] https://taobabe.wordpress.com

[8] Allan Sara (ed):The Formation ofChinese Civilization, Yale University Press 2005.

[9] Đổng Sở Bình 董楚平: “Phương Việt hội thi” “方钺会矢”. Một trong những học giả nghiên cứu về văn hóa Lương Chử. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “Liên minh các nước Việt”, các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt trong khi Hán tự viết từ phải qua trái. 

[10] Đọc lại chuyện xưa tích cũ trong lịch sử, trước khi bước sang thiên niên kỷ thứ III của lịch sử loài người. Chúng ta không khỏi ngẫm nghĩ suy tư, cái mà một thời vì chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến “Đại Hán” cho là vượt lễ giáo, thì ngày nay lại là tính tự do tất yếu của con người, là yêu cầu thời đại giải phóng phụ nữ: tôn trọng nữ quyền, tự do luyến ái của nhân loại trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *