SỰ TÍCH NAM PHƯƠNG THÁNH MẪU VỚI LỄ HỘI BÁNH TRÔI BÁNH CHAY

LỄ HỘI BÁNH TRÔI BÁNH CHAY
MỒNG 3 THÁNG 3 ÂM LỊCH
HUYỀN TÍCH MẪU THƯỢNG NGÀN

LỄ HỘI BÁNH TRÔI BÁNH CHAY

MỒNG 3 THÁNG 3 ÂM LỊCH

HUYỀN TÍCH MẪU THƯỢNG NGÀN

Hàng năm cứ đến “Mùa Trôi nước” nhằm ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch, dân gian thường làm bánh trôi bánh chay để cúng mẫu Thượng Ngàn, bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm được dân gian tôn sùng là “Nam phương Thánh mẫu” của Việt tộc. Người Việt cổ với niềm tin thuở ban sơ vào cha trời mẹ đất, “Người” đã ban phát những giọt nước mưa xuống nhân gian để rồi mẹ đất ấp ủ hạt giống nảy mầm cho mùa vụ gặt hái nhiều, đời sống ấm no sung túc. Trong niềm tin của dân gian thì bà Trời, bà đất và cả bà nước nữa là những thần nữ trong đời sống tâm linh Việt. Đền thờ “Tam Phủ” mọc lên khắp nơi trong cả nước để thờ kính các thần nữ Việt gồm:

. Mẫu Thượng thiên là “bà mẹ trên trời” được dân gian

sùng bái gọi là Cửu Thiên Huyền nữ, người đã xuống trần gian hóa thân là một bà lão để dạy cho Lộ Bàn, Lộ Bộc chặt cây làm nhà để ở, làm thuyền để di chuyển trên sông nước biển cả.

. Mẫu Thượng Ngàn là “Bà mẹ trên rừng” mà theo huyền tích Việt chính là Nam phương Thánh mẫu, vợ của Nam phương Thánh chúa Kinh Dươnng Vương.

. Mẫu Thoải là “Bà mẹ nước” nguyên ngữ là mẫu Thủy, theo huyền tích chính là mẹ Âu Cơ người đã theo bố Lạc về miền sông nước gọi là “Thuỷ phủ”. Dân gian tôn kính mẹ Âu nên đã đọc trại âm là mẫu Thoải.

Sự tích Nam phương Thánh mẫu và nguyên ủy của lễ hội bánh Trôi bánh Chay theo “Bách Việt Tộc phả Cổ lục” thì Mẫu Thượng Ngàn là một cơ gái xinh đẹp thuộc chi tộc Lộc Y tên là Hồng Đăng Ngàn, con gái cưng của Động Đình Quân chúa vùng hồ Động Đình lưu vực sông Dương Tử thuộc lãnh thổ Văn Lang của Việt tộc. Hồng Đăng Ngàn thường mặc áo màu xanh lục nên mọi người thường gọi là nàng áo xanh. Màu xanh lục là màu xanh biếc pha màu vàng như đá Vân Mẫu còn gọi là Vân Anh nghĩa là ráng mây.

Thuở ấy ở núi Tử Di trên thượng nguồn sông Dương Tử có giặc Mạc Ma nổi lên bức hiếp bá tánh. Đế Minh sai Lộc Tục đem quân đi đánh dẹp, khi vừa đi qua hồ Động Đình thuộc quyền cai quản của Động Đình Quân. Lộc Tục ghé thăm chúa vùng để vấn kế dẹp giặc. Chúa hồ Động Đình ân cần đón tiếp và sai con gái hướng dẫn Lộc Tục đi xem thắng cảnh quanh vùng. Trước vẻ đẹp hồn nhiên và sự thông minh lanh lợi của nàng áo xanh, Lộc Tục đem lòng thương nhớ và hứa hẹn cùng nàng sau khi dẹp giặc sẽ cùng nàng nên duyên chồng vợ. Hồng Đăng Ngàn e thẹn cúi đầu không trả lời nhưng trong lòng cũng đã xiêu xiêu trước một Lộc Tục thông minh đĩnh ngộ tài trí hơn người.

Lộc Tục kéo quân tiến đánh vào sào huyệt của giặc Mạc Ma, tướng giặc đầu hàng. Để thu phục nhân tâm tránh sự xung đột chết chóc cho người dân quanh vùng. Lộc Tục phủ dụ tướng giặc không được bức hiếp nhân dân rồi giao cho tướng giặc tiếp tục cai quản như xưa. Chúa động Vương Đạo Nhân kế tục dòng họ cai quản vùng đỉnh núi đã mấy trăm năm, nghe uy danh của Lộc Tục vội xuống núi cầu kiến giữa đường gặp Lộc Tục cũng đang trên đường viếng thăm phủ dụ họ Vương. Vương Đạo Nhân vội vàng xuống ngựa kính vái và ca tụng uy đức của Lộc Tục. Lộc Tục khiêm tốn đáp rằng:“Không dám, không dám. Ta vốn là một tiểu tướng vâng mệnh vua cha đi dẹp giặc bảo vệ dân chúng trong khu vực của ngài, chứ đâu dám nhận là chúa Công ..”. Thấy rõ đức độ của Lộc Tục, Vương Đạo Nhân lại càng cung kính hơn:“ Hôm nay tôi xin kính vái chúa công. Hai mươi năm sau như có gặp lại Ngài, lại xin kính vái lần nữa. Lòng trời đã định, thần người đều phải cung kính nghe theo !”.

Sau khi đánh dẹp xong giặc giã mà không tốn một mũi tên, một giọt máu đổ, Lộc Tục làm biểu dâng lên vua cha. Đế Minh thân hành đến hồ Động Đình làm lễ mừng chiến thắng và phủ dụ dân chúng, đồng thời tổ chức hôn lễ cho Lộc Tục và Hồng Đăng Ngàn. Nhân dịp này, Đế Minh chính thức phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam gồm 2 châu Kinh và châu Dương kiêm nhiệm cả vùng phía Bắc Phong Đô. Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Hai mươi năm sau, Đế Minh băng hà, dân chúng 15 bộ và 72 chúa động nhất loạt suy tôn Kinh Dương Vương lên làm Nam phương Thánh Chúa, kế nghiệp Đế Minh đứng đầu 3 vua hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông (Xích Đế) nên gọi là Xích Tam Vương.

Huyền tích Việt kể rằng Kinh Dương Vương lập đàn tế cáo trời đất trên núi Thiên Đài. Mấy ngàn năm sau, Bác sĩ Trần Đại Sĩ Giám đốc Viện Pháp Trung nhân chuyến công tác ở tỉnh Hồ Nam đã đến thăm núi Thiên Đài. Đền Thiên Đài nằm trên ngọn núi Thiên Đài cao 180 mét bên bờ sông Tương gần hồ Động Đình. Trong đền còn đôi câu đối khắc trên đá:

“ Thiên Đài đại đại phân Nam Bắc,

Lĩnh địa niên niên dữ Việt Thường”.

Xin tạm dịch :

“Đền Trời mãi mãi phân Nam Bắc,

Đất Lĩnh ngàn năm đất Việt Thường ..!”

Theo Lĩnh Nam Trích Quái thì Kinh Dương Vương lấy Long Nữ con gái vua hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm sau thay vua cha lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Như vậy Hồng Đăng Ngàn chính là Long Nữ. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành trăm con trai, mở đầu cho một trăm chi tộc của Việt tộc mà cổ sử Trung Quốc gọi là Bách Việt. Thời kỳ này, Việt tộc đã từ cao nguyên giữa 2 rặng núi Hi Mã Lạp Sơn và Côn Luân, tiến dọc theo triền sông Hoàng Hà và Dương Tử xuống Ba Thục rồi tới hạ lưu sông Dương Tử định cư quanh vùng hồ Động Đình xuống tận duyên hải phía Nam Trung Hoa.

Đất Ba Thục được xem một nơi sinh tụ của nhiều chi tộc Việt trong đó có họ Tàm Tùng là dòng họ chuyên trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa. Tàm Tùng nguyên ngữ là bụi cây có con Tằm nên được cư dân bản địa chọn làm họ Tàm Tùng ở nước Thục. Nước Thục thời Xuân Thu Chiến Quốc một thời có nền văn minh khá cao và đã có chữ viết từ lâu. Tổ tiên dân Thục họ Khai Minh, đặt kinh đô ở cảng Thành Đô, Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên. Thuở xa xưa gọi là Thuỷ Phủ, nơi mà Bố Lạc dẫn 50 con xuống vùng sông nước này định cư khai hoang lập ấp. Thời kỳ này vùng đất Tứ Xuyên đất mới bồi, Quảng Tây, Quảng Đông còn là vùng biển nước mênh mông nên sách sử xưa gọi chung vùng này là Nam Hải.

Theo huyền tích Việt thì chính Long Nữ vợ Kinh Dương Vương đã mang nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt the, dệt lụa dạy cho dân Bách Việt và từ đó người Việt cổ đã biết dùng quần áo để che thân thay cho vỏ cây như hồi quốc sơ. Nhân dân Bách Việt biết ơn Nam phương Thánh mẫu nên khi bà qua đời được suy tôn là Bà chúa Tằm, bà chúa vùng Lĩnh Nam.

Nam phương Thánh mẫu mất ngày mồng 3 tháng 3 nên ngay từ hồi đó cư dân Bách Việt đã chọn ngày mồng 3 tháng 3 là ngày Quốc lễ. Dân gian làm bánh Trôi bánh Chay dâng lên Thánh mẫu với tất cả lòng thành kính. Bánh Trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước bọc nhân đường phèn bên trong. Sau khi nặn xong, bánh được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, năm lần bảy lượt đến chừng nào nổi hẳn lên mặt nước thì được vớt ra bày vào đĩa. Bánh Chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước nhưng nhân bằng đậu xanh bỏ vỏ, giã nhuyễn rồi cho vào nồi nấu chín. Bánh Chay làm xong cũng thả vào nồi nước sôi như bánh Trôi, đợi khi nào bánh nổi lên thì vớt ra cho vào bát nước đường đợi khi thật nguội ăn mới ngon.

Người Việt cổ sống về nghề nông nên sau mỗi mùa vụ đều lấy phẩm vật mới mà đất trời ban phát dâng lên cúng tạ ân. Đến “mùa Trôi nước”, dân gian Việt làm bánh Trôi, bánh Chay dâng cúng Trời đất, Nam phương Thánh mẫu, Tổ tiên ông bà để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Từ ý niệm nhân bản đơn sơ chân chất đó, theo thời gian đã hun đúc thành truyền thống dâng lễ tạ ân của người Việt cổ.

Ngay tự thuở xa xưa, sau ngày Nam phương Thánh mẫu qua đời, bà đã hiển linh phù trợ cho con cháu nên dân gian sùng kính gọi là “Mẫu Thượng Ngàn” như để nhắc nhở hướng vọng về vùng đất Tổ xa xưa ở rừng núi Tam Giang Bắc nơi 3 con sông Hoàng Hà, sông vị và sông Lạc là nơi định cư của dòng Thần Nông phương Bắc, quê hương của Thánh mẫu. Trong lễ hội Trôi nước ngày mồng 3 tháng 3, ngày giỗ Nam phương Thánh mẫu cũng như ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba, ngày hội đền Hát Môn thờ hai Bà Trưng ngày mồng 5 tháng 3, dân làng nào cũng làm một mâm bánh Trôi gồm 100 bánh làm lễ vật dâng cúng.

Sau khi hạ lễ, Trưởng lão trước gọi là Già làng về sau gọi là Tiên Chỉ đem 50 bánh đặt trên bè sen thả trôi sông và 50 bánh đem đặt lên núi để nhắc nhở đến sự tích “Bọc điều trăm họ thai chung”, năm mươi con theo cha xuống vùng sông nước, năm mươi con theo mẹ Âu lên vùng rừng núi chia nhau mà trị theo lời dặn dò của Bố Lạc. Sau khi hạ lễ, bánh Trôi bánh Chay thật nguội ăn mới ngon lành đồng thời cũng hàm ý nhắc lại nỗi cực nhọc vất vả của nghề nuôi tằm luôn luôn phải đứng mà ăn cơm nguội nhất là khi tằm ăn rỗi nên dân gian ta có câu “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng” là như thế.

Truyền thống văn hóa dân tộc này đã được vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) xác định trong bài thơ kèm theo mâm bánh Trôi bánh Chay tặng sứ giả triều Nguyên  Trương Hiển Khanh (tên là Lập Đạo) sang Việt nam năm 1292. Trong bài thơ Vua Trần đã nói rõ đó là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”.

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
Tòng lai phong tục cựu An Nam.

(Múa giá chi rồi, thử áo xuân
Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần
Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
Phong tục An Nam cuả cổ nhân.)
(Biếu Trương Hiển Khanh bánh xuân – Trần Lê Văn dịch)

Bánh Trôi nước đã đi vào văn học với bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương diễn tả tấm lòng trung trinh son sắt của  người phụ nữ Việt Nam qua chiếc bánh trôi nước như sau:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

You may also like...