BẢO ĐẠI, NHÂN VẬT LỊCH SỬ THỜI ĐẠI

PHẠM TRẦN ANH

NHÂN VẬT LỊCH SỬ THỜI ĐẠI

BẢO ĐẠI- NGÔ ĐÌNH DIỆM – HỒ CHÍ MINH

VIỆN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ & VĂN HÓA VIỆT NAM

VIETNAM TOMORROW FOUNDATION ẤN HÀNH

IN LẦN THỨ NHẤT TẠI HOA KỲ 2024

NXB VĂN HIẾN &TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN

Sông núi trời Nam của nước Nam

Sách trời định rõ tự muôn ngàn

Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn

Chuốc lấy bại vong, lũ bạo tàn…

PHẠM TRẦN ANH

cẩn dịch

KÍNH DÂNG

HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

DÒNG GIỐNG RỒNG TIÊN

QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG LẬP QUỐC

ANH THƯ HÀO KIỆT ĐỜI ĐỜI BẢO QUỐC AN DÂN

Nhớ xưa Quốc Tổ dựng nền

Ngàn năm văn hiến sử thiên anh hùng

Bọc điều trăm họ thai chung

Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam!

PHẠM TRẦN ANH

DI CHÚC MUÔN ĐỜI

“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải mà ta phải nghĩ tới chuyện khác lớn hơn là họ không bao giờ tôn trọng biên giới quy ước. Họ cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác…

Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau. Quá khứ là gốc rễ của tương lai, rễ càng đâm sâu thì cây mới vững vàng và càng vươn cao”.

VUA TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308)

Tượng đồng vua Lê Thánh Tông ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám Hà Nội.

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian.  Nếu ngươi dám đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho gìặc, thì phải tội tru di … ”.

VUA LÊ THÁNH TÔNG (1447-1497)

DUY NGÃ ĐẠI VIỆT CHI QUỐC

THỰC VI VĂN HIẾN CHI BANG…

DANH NHÂN VĂN HÓA NGUYỄN TRÃI

CHỈ NƯỚC ĐẠI VIỆT TA TỪ TRƯỚC

MỚI CÓ NỀN VĂN HIẾN NGÀN NĂM …

PHẠM TRẦN ANH

Cẩn dịch

“Chúng ta đều do Tổ Tiên sinh ra, không cứ là trai gái già trẻ, không cứ là chi tộc nào, dòng họ nào. Mọi người đều là CON RỒNG CHÁU TIÊN, từ một bào thai của mẹ Âu nên tất cả đều từ một mẹ sinh ra các ngành các chi mà thôi.

    Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.

    Ngưỡng mộ và tưởng nhớ Tổ Tiên, chúng ta hãy lấy việc siêng năng mà bồi đắp cho gốc rễ. Lấy sự cần kiệm làm răn rồi tu nhân tích đức, giàu lòng thương người hơn là chê bai ghen ghét người. Là con cháu thì chúng ta phải nối tiếp truyền thống của Tổ Tiên, chứ lẽ nào con cháu mà lại không suy nghĩ về ý nghĩa thâm trầm cao đẹp nói trên hay sao?”.

HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

(Nói chuyện với các bô lão làng Vân Nội)

BÁCH VIỆT TỪ ĐƯỜNG TỘC PHẢ

Chú giải của La Sơn Phu Tử

“Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đây ứng xử như vậy… Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó hành động như thế”.

KHỔNG PHU TỬ

 “Giao Chỉ là đất văn hiến, núi sông hun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”.

HÁN HIẾN ĐẾ (189-220)

“Việt tuy gọi là man di nhưng tiên khởi đã có đại công đức với muôn dân vậy…”.

TƯ MÃ THIÊN

“Tên Giao Chỉ đã có từ lâu. Kinh Thư gọi là Minh Đô, thực đáng là cái vực sâu, cái chằm rậm chứa đựng văn minh của nhân loại”.[1] 

LÊ QUÝ ĐÔN

“Người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, đã ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém, chỉ thu thập văn minh và văn hóa Trung Quốc mà không tin rằng, văn hóa Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam. Những nếp sống văn hoá này đem vào Trung Hoa thời Tiền sử mang yếu tố “Biển” rõ rệt và có thể mô tả bằng một chữ, đó là chữ “VIỆT” mà trước kia thường gọi sai lầm là Thái cổ (ProtoThai).” Tôi xác định chữ Việt nay là quốc hiệu của một nước vùng Đông Nam châu Á: Nước Việt Nam. Sự thật bị che phủ hàng ngàn năm cùng với ảnh hưởng của ngàn năm thống trị nô dịch văn hóa khiến ngay cả người Việt cũng ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật …”.

J. NEEDHAM

“Ngay từ ngày lập quốc, tất cả then chốt của lịch sử Việt Nam đều ở cái tinh thần đối kháng kết hợp một cách kỳ lạ, một bên là năng lực đồng hoá lạ lùng, bên kia là ý chí quật khởi quốc gia không chịu khuất phục mặc dầu bị thua trận, bị phân tán, bị chinh phục. Hơn một ngàn năm bị sát nhập hoàn toàn vào Trung Quốc, từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên đến thế kỷ thứ mười sau kỷ nguyên, thay vì làm cho dân tộc Việt Nam kiệt quệ thì ngược lại đã làm cho dân tộc Việt trở nên hùng cường… Việt Nam đầy rẫy những triết gia hiểu biết theo nghĩa là những con người có chiều sâu tư tưởng, biết suy nghĩ trăn trở. Càng về đồng quê, thôn cùng xóm vắng thì càng nhiều, đó là xã hội lý tưởng của Platon mơ ước đã hiện thực ở Việt Nam từ lâu rồi” .

PAUL MUS

 “Chúng ta thấy ở đây là cả một nền văn minh, mọi thứ được xây dựng từ lâu. Nghệ thuật, khoa học, kể cả khoa quản lý quốc gia đều phát triển mạnh. Luật pháp, phong tục, tôn giáo, văn học, tất cả đều đã hoàn chỉnh và hòa hợp với nhau, trải qua bao nhiêu thế kỷ, đã được điều hòa và ngày càng hoàn hảo hơn. Những vết tích man rợ đã hết từ lâu. Dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức, trong khi người phương Tây còn ở trong tình trạng bán khai. Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói Thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn trọng lẽ phải, ghét xa hoa, không ham tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, sẵn sàng hy sinh…  Đó là đức tính của người dân Việt. Tất cả người Việt Nam bình thường. mà người ta gặp bất cứ nơi đâu cũng đều như thế…”

Học giả Couve De Pouvourville

“Văn Miếu không phải để cầu kinh hay làm bùa phép mà là nơi trang trọng ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các vị Tiến sĩ với những chuẩn mực đạo đức để con cháu đời sau ghi sâu vào tâm khảm bài học về đạo làm người Việt Nam, xứng đáng với hoài bão của Tiền Nhân”.

Nhà Việt Nam Học Henri Bernard Maitre

“Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ.”.

Linh mục Cadière

“Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ có một sức sống phi thường. Suốt mười thế kỷ bị Trung Quốc thôn tính, người Việt Nam vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc và liên tiếp nổi dậy đánh đuổi kẻ xâm lược ỷ vàosức mạnh tưởng có thể khuất phục được dân tôc này.  Lịch sử đã đặt lòng tin vào dân tộc ấy và họ đã chứng minh khả năng đề kháng, óc sáng tạo, tính kiên trì và sự thích ứng với mọi cuộc chiến gian khổ nhất, khó khăn nhất và kể cả không cân sức nhất… Người Việt Nam tự hào với quá khứ của mình, tôn vinh những bậc vĩ nhân đã tô điểm rạng rỡ quá khứ đó và quá khứ dù xa xăm hay gần đây luôn luôn có mặt khắp nơi trên đất Việt Nam, tác động mạnh mẽ vào hiện tại và tương lai.

Nhà sử học Phillipe Devilère

“Một việc phi thường mà không một sử gia nào có thể giải thích được một cách thỏa đáng, mặc dầu đã nghiên cứu rất nhiều là tại sao sau hơn 1 ngàn năm bị đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa và Việt Nam vẫn giành lại nền độc lập dân tộc”.

G. BUTTINGER                                                                                                       (The smaller Dragon, NewYork, Praeger 1958

“Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước, yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã-hội của Tổ tiên đã xây dựng nên mà để lại cho mình”.

TRẦN TRỌNG KIM                                                                                                                                                  (Việt Nam Sử Lược)

    Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, dưới ánh sáng của khoa học sự thật lịch sử về Nguồn cội văn hóa và Lịch sử Việt đã được phục hồi. Dân tộc Việt là người Hòa Bình Hoabinhian thuộc đại chủng Hoabinhoid=> Previetnamese. Người Tiền Việt đã thiên cư lên chân cao nguyên Tây Tạng Tibetan Plateau để tránh nạn biển tiến trở thành TibertoViets. Khi nước biển rút thì tiến xuống lưu vực Hoàng Hà Dương Tử định cư hình thành các nền văn minh Trung Hoa Cổ đai của Đại chủng Việt (Hundred – Viets).

    Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc chính là truyền kỳ lịch sử Việt Nam được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại được hư cấu như một huyền tích trong đó đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống. Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, mà còn tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”.  Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc cho chúng ta thấy rằng chúng ta cùng một mẹ sinh ra nên chúng ta mới gọi nhau là “Đồng Bào” vì chúng ta là anh em cùng trong bào thai mẹ sinh ra: “Bọc Điều Trăm Họ Thai Chung, Đồng Bào Tiếng gọi Vô cùng Việt Nam…”.

     Chúng ta có một “Quốc Tổ Hùng Vương”, từ Quốc Tổ đảo ngược để thăng hoa thành ý niệm “Tổ Quốc”, biểu trưng tinh thần dân tộc u linh bàng bạc trong tâm khảm của mọi con dân đất Việt. Từ ý niệm đồng bào mà người Việt Nam khi nói tới yêu nước thường gắn liền với thương nòi vì chúng ta là một quốc gia, một dân tộc cùng chung một nòi giống “Tiên Rồng”. Chúng ta cùng chung một ông Tổ là “Quốc Tổ Hùng Vương”, cùng chung một “Tổ Quốc Việt Nam”. Đối với người Việt, việc thờ cúng Ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người trong đời sống tâm linh của người Việt. Đạo thờ cúng ông bà là một “Việt Đạo” của nền minh triết Việt. Chúng ta tự hào là một dân tộc có lịch sử lâu đời và là một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến.

PHẠM TRẦN ANH                                                                                                            (Việt Nam Nước Tôi)

Vua Gia Long

                                           Minh Mạng       Thiệu Trị         Tự Đức

Dục Đức Hiệp Hòa Kiến Phúc  Hàm Nghi  Đồng Khánh

                                    Thành Thái     Duy Tân    Khải Định       Bảo Đại

NHÀ NGUYỄN                                                                                                                                       TRIỀU ĐẠI CUỐI CÙNG CỦA NỀN QUÂN CHỦ VIỆT NAM

Thế phả vua nhà Nguyễn

1
Gia Long
1802 – 1820
 
 
2
Minh Mạng
1820 – 1841
 
 
3
Thiệu Trị
1841 – 1847
  
 
4
Tự Đức
1847 – 1883
 Thoại Thái Vương Kiên Thái Vương 6
Hiệp Hòa
1883
 
 
5
Dục Đức
1883
 9
Đồng Khánh
1885 – 1889
 8
Hàm Nghi
1884 – 1885
 7
Kiến Phúc
1883 – 1884
 
10
Thành Thái
1889 – 1907
 12
Khải Định
1916 – 1925
 
 
11
Duy Tân
1907 – 1916
 13
Bảo Đại
1926 – 1945
 Tổng cộng 13 đời vua

        Nhà Nguyễn kể từ thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đến Bảo Đại là vị vua cuối cùng trải dài 143 năm với 13 đời vua. Nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng của nền Quân chủ Việt Nam với những sự kiện lịch sử quan trọng như sau:

1. Sau khi Hoàng Đế Quang Trung băng hà, nội tình nhà Tây Sơn suy yếu nên Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn thành lập triều Nguyễn. Nhà Tây Sơn tuy binh lực hùng hậu với tài chỉ huy bách chiến bách thắng của danh tướng Nguyễn Huệ, sau nhiều lần đem quân vào Nam đánh tan quân Nguyễn nhưng Nguyễn Ánh vẫn may mắn thoát hiểm. Sở dĩ quân Tây Sơn không chiếm được miền Nam vì lòng người dân miền Nam lúc nào cũng hướng về công lao của các chúa Nguyễn là người khai hoang mở đất phương Nam. Thứ nữa, Nguyễn Ánh là người kiên gan trì chí, có đầu óc tiến bộ nên năm 1791, Nguyễn Ánh đã thông qua một người nước ngoài tên là Budinonhi gửi mua tại Bồ Đào Nha một vạn súng điểu thương, hai nghìn cỗ súng gang mỗi cỗ nặng một trăm cân, hai nghìn viên đạn nổ đường kính 10 tấc. Chính nhờ những vũ khí tối tân này quân Nguyễn đã cầm cự chống lại quân Tây Sơn..

2. Triều đại Gia Long là triều đại được sự hậu thuẫn của người ngoại quốc để giành lại ngôi vua từ nhà Tây Sơn. Vua Gia Long đã cầu viện nước Pháp qua Giám mục Bá Đa Lộc và cầu viện cả quân Xiêm La. Trong cuộc chiến với quân Tây Sơn, bên cạnh Nguyễn Ánh có một đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật, quân sự rất có kinh nghiệm như Dayot, Philippe Vannier, Guilloux, Laurent Barisy, De Forssant, Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel, Theodore lebuen. Tiêu biểu nhất trong số đó là Pierre Joseph George Pigeau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc). Để trả ơn những người đã giúp mình giành lại ngôi báu, Gia Long đã phong quan tước cho người ngoại quốc và cho tham dự việc triều chính. Đây là điều không thể chấp nhận được, tuy nhiên nhà vua đã không thực hiện những cam kết với chính phủ Pháp là nhường đứt cảng Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Sử chép rằng “Năm 1817, Tàu chiến Pháp ghé cảng Đà Nẵng. Thuyền trưởng De Kergarion trình với triều Nguyễn yêu cầu của Pháp Hoàng Louis XVIII thi hành những điều ước nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Nhà vua sai quan ra trả lời: “Nước Pháp đã không thi hành nên những điều ước ấy không còn giá trị nữa”. Đặc biệt một việc làm khôn ngoan sáng suốt của vua Gia Long là đã chọn Hoàng Tử Đảm là con của một cung phi mà không chọn con của Hoàng Tử Cảnh là Nguyễn Phúc Mỹ Đường theo đúng truyền thống “Đích Tôn Thừa Trọng” vì e ngại ảnh hưởng của Pháp đến tình hình chính trị Việt Nam.

3. Triều đại Gia Long đặt tên nước là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân. Lãnh thổ Việt Nam thời ấy bị thu hẹp lại vì Gia Long đã cắt vùng Trấn Ninh rộng khoảng 45.000 km2 cho vương quốc Vạn Tượng để giúp Gia Long đánh nhà Tây Sơn. Trong lịch sử Việt chưa có vị vua nào đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi quốc gia, vì tham vọng chiếm ngôi báu bằng mọi giá nên đã nhường vùng đất Trấn Ninh cho Vạn Tượng và hải cảng Đà Nẵng, đảo Côn Sơn cho Pháp nếu như Hiệp ước Versaille được thi hành. Gia Long cũng phải cúi mình cầu viện vua Xiêm, chấp nhận là chư hầu của Xiêm La. Nguyễn Ánh đã sáu lần dâng cây Cây vàng cây bạc (bunga mas dan perak), vật phẩm tượng trưng cho sự thần phục mà các chư hầu phải dâng lên vua Xiêm để đổi lấy sự hậu thuẫn của vua Xiêm trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã cho con theo Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện ngoại bang đã mở đường cho Thực dân Pháp đô hộ nước ta gần 1 thế kỷ. Trong lịch sử Việt cũng chưa có một triều đại nào mà người ngoại quốc làm quan trong triều cai trị dân Việt Nam. Lịch sử cũng không thể nào chấp nhận được một vị vua Việt đã gửi cho quân Thanh lúa gạo để xâm lược nước ta…

4. Về mặt đối nội, do cầu viện nước ngoài mà thắng được nhà Tây Sơn nên lòng người không phục, mặt khác thời Gia Long tăng thuế khóa và lao dịch quá nặng, dân tình bất mãn nên chỉ trong 18 năm đã có 90 cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước. Gia Long cũng xóa bỏ các cải cách tiến bộ của triều Tây Sơn để thay bằng việc áp dụng các chính sách cai trị phong kiến bảo thủ để bảo vệ vương quyền. Về văn hóa xã hội, triều Nguyễn kể từ Gia Long chịu ảnh hưởng nặng nề của phong kiến Trung Quốc nên soạn Hoàng triều luật lệ mà dân gian gọi là “luật Gia Long” cho Việt Nam mà chép nguyên mẫu từ luật khắc nghiệt của triều Thanh Trung Quốc nên không áp dụng những điều luật tiến bộ hợp lòng dân như bộ Luật Hồng Đức thời nhà Lê.[2]

        Các đời chúa Nguyễn được sự ủng hộ của thế lực “Huê Kiều” là những di dân từ Trung Quốc sang nước ta nên chịu ảnh hưởng nặng nề về lối sống, văn hóa tập tục của họ. Mặt khác giới nho sĩ làm quan trong triều chịu ảnh hưởng của sự nô dịch Hán hóa nên ngay từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744 đã bắt người dân phải ăn mặc theo người Tầu mà sách Tam Tài Đồ Hội là bộ Bách Khoa Từ Điển bằng tranh vẽ y phục Tầu Hán… Đến đời Minh Mạng, nhà vua sính Nho học, chống triều Thanh, xem Thanh triều là man di nên đã tự nhận là “Hán nhân”.[3] Năm 1828, vua xuống chiếu bắt dân Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc cho giống dân Đàng Trong. Năm 1837, lại xuống chiếu nữa: “Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở Đàng Ngoài chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào Nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy. Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi. Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng”. Việc làm sai lầm của Minh Mạng khiến dân gian oán hận như thời quân Minh xâm lược nước ta. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng: Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1414), quân Minh ra lệnh ‘cấm con trai, con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn, quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc”.[4]

5. Gia Long lên ngôi không phải sau chiến thắng giặc ngoại xâm mà do đánh thắng nhà Tây Sơn nên không được toàn dân ngưỡng mộ. Đã vậy, Gia Long áp đặt chính sách thuế khóa cao hơn thời Tây Sơn và cưỡng bức dân phu xây dựng những công trình lớn. Người dân miền Bắc và giới sĩ phu “Hoài Lê” tiếc nhớ triều Lê cùng với nạn đói thường xuyên diễn ra ở vài khu vực khắp nước nên Gia Long thường xuyên phải đối mặt với các phong trào chống đối ở khắp nước. Trước đây Nguyễn Ánh lấy chiêu bài “Phò  Lê”, theo phò nhà Lê để người dân ủng hộ đánh Tây Sơn nhưng khi thắng Tây Sơn rồi lại lên ngôi lập ra một triều đại mới nên lòng dân không phục. Vì vậy, Gia Long đã thi hành một chính sách hai mặt đối với miền Bắc, một mặt hậu đãi tôn thất nhà Lê, hậu đãi công thần nhà Lê và tổ chức trọng thể lễ tế thờ vua Lê hàng năm, mặt khác lại tìm cách làm phai mờ ảnh hưởng của nhà Lê và vai trò của giới sĩ phu Bắc Hà.[5]

6. Vua Gia Long là một người thông minh, có nhiều tham vọng nên đã hy sinh chịu đựng gian khổ, làm tất cả để đạt tham vọng giành ngôi báu cho mình nên đã để lại hình ảnh không mấy tốt đẹp về triều Nguyễn.

7. Tuy nhiên, vua Gia Long đã thấy rõ ý đồ thâm độc của Thực dân Pháp nên không truyền ngôi cho cháu đích tôn theo truyền thống mà truyền ngôi cho Hoàng Tử Đảm.[6]Hoàng tử Đảm là người điềm đạm chín chắn, có ý thức dân tộc lại thấm nhuần Nho giáo nên không những giữ vững được nền độc lập dân tộc cũng như bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn xây dựng một quốc gia Đại Nam rộng lớn giàu mạnh. Lịch sử Việt Nam ghi nhận nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam đã có công tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phương Nam như ngày nay. Lịch sử Việt cũng ghi nhân công lao của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) với Quốc hiệu Việt Nam năm 1804. Vua Gia Long đã cắm cờ, xây cột mốc xác định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam năm 1816. Thời Minh Mạng với đế chế Đại Nam hùng mạnh một thời và những vị vua yêu nước thương dân như vua Hàm Nghi, Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại…

8. Nền Văn học nhà Nguyễn có thể chia làm các thời kỳ như sau: thời Hoài Lê với Phạm Quý Thích, Nguyễn Du và Phò  nhà Nguyễn với các  quan của triều Nguyễn như Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định.

        Thời nhà Nguyễn độc lập là thời của các nhà thơ thuộc đủ mọi xuất thân trong đó có các vua như Minh MạngThiệu TrịTự Đức, và các thành viên hoàng tộc như Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm. Các nho sĩ thì gồm có Nguyễn Văn SiêuCao Bá QuátHà Tôn QuyềnTrương Quốc DụngPhan Thanh GiảnPhạm Phú Thứ.  Thời nhà Nguyễn thuộc Pháp là thời kỳ ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử đương thời tác động rất lớn vào văn chương, các nhà thơ sáng tác văn thơ yêu nước chống Pháp gồm Nguyễn Tư GiảnNguyễn ThôngNguyễn KhuyếnDương LâmNguyễn Thượng Hiền.  Thời kỳ nhà Nguyễn, văn học phát triển mạnh, nhất là chữ Nôm với nhiều thành tựu lớn, trong đó tác phẩm chữ Nôm tiêu biểu nhất là Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên và Lục Vân Tiên với 2 thể thơ là lục bát và lục bát gián cách, nâng tiếng Việt lên một trình độ văn chương hoa mỹ.

9. Ngoài ra, triều Nguyễn được xem là một triều đại với những vị vua cần mẫn thanh liêm như vua Gia Long tuy vọng ngoại, tôn sùng Nho giáo nhưng có chí học hỏi, làm việc siêng năng suốt ngày, đêm chỉ ngủ 6 tiếng với đời sống thanh bạch  ăn cơm với cá mắm, xắn tay đào hào, đắp luỹ cùng với tướng sĩ. Nhà vua Minh Mạng mua cân đường, cân nhãn cũng ghi vào Hội điển và thi hành luật pháp bất vị thân dù là cha vợ cũng bị xử án chém đầu… các sử thần triều Nguyễn viết trung thực, không xiểm nịnh ca tụng nhà vua là một điểm son trong lịch sử Việt.

11. Triều Nguyễn với những vị vua yêu nước. Năm 1889, vua Thành Thái lên ngôi. Nhà vua trẻ tuổi yêu nước có tinh thần cầu tiến nên học tiếng Pháp đọc sách tìm hiểu về nền văn minh phương Tây nên nhà vua từ bỏ những thiết chế triều nghi quân chủ phương Đông, ngoài những nghi lễ chính thức của triều đình, nhà vua theo lối sống tân học, cắt tóc ngắn, mặc âu phục… Là một người yêu nước, nuôi chí hướng khôi phục chủ quyền và canh tân đất nước nên nhà vua thường xuyên tiếp xúc với giới sỹ phu yêu nước, trọng dụng nhân tài thanh liêm đức độ để bổ sung vào giới quan lại chỉ lo hưởng thụ… Ngay sau khi nhà cách mạng Phan Chu Trinh đề ra phong trào Duy Tân kêu gọi giới sĩ phu thức tỉnh, từ bỏ lối học từ chương kinh điển của nho gia, cắt tóc ngắn, mặc âu phục theo cách sống tân thời và học chữ a, b,c để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí thì nhà vua công bố sắc lệnh học chữ Quốc ngữ năm 1906. Việc làm yêu nước của vua Thành Thái được giới sĩ phu và toàn dân từ Nam ra Bắc ủng hộ nhiệt liệt khiến thực dân Pháp lo sợ, nên năm sau 1907, thực dân Pháp ép nhà vua phải thoái vị và bị quản thúc tại Vũng Tàu đến năm 1916 bị đày sang đảo Réunion.

        Hành động yêu nước của vua Thành Thái cổ súy việc học chữ Nam, cắt tóc ngắn gần gũi với người dân đã gây nên một phong trào tân học, thanh niên đồng loạt cắt tóc ngắn từ thành thị lan tỏa xuống nông thôn. Sau khi thực dân Pháp buộc vua Thành Thái phải thoái vị thì toàn dân xuống đường biểu tình đòi giảm sưu thuế bùng nổ khắp nơi. Tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam quê hương của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, nông dân đầu cắt tóc ngắn, đi thành từng đoàn người lũ lượt kéo đến các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế. Phong trào lan rộng mau chóng ra Nghệ An, Hà Tĩnh ngoài Bắc và Phú Yên Bình Định trong Nam khiến thực dân Pháp lo sợ trước phong trào Dân Biến Trung Kỳ, thể hiện sức mạnh của toàn dân Việt Nam.

        Sau khi vua Thành Thái phải thoái vị, nhà vua trẻ tuổi yêu nước Duy Tân lên ngôi tiếp tục việc cổ súy học chữ Quốc ngữ. Nhà vua lập ra Bộ Học, cải cách nền giáo dục với chủ trương học hành thi cử thực dụng, không từ chương kinh điển, không học để lấy bằng cấp mà phải học lấy thực tài để ra giúp dân, giúp nước… Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại với quan niệm tiến bộ cải cách triều nghi cung đình, thực hiện tôn chỉ của Mạnh Tử: “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”. Nhân cơ hội Quân Phiệt Nhật đảo chánh Thực dân Pháp, Hoàng Đế Bảo Đại đã triệu tập Cơ Mật Viện để tuyên bố Độc lập dân tộc ngày 11 tháng 3 năm 1945.

Duyệt binh ở nhà hát lớn Hà Nội (1947) .

Trước mặt nhà hát là hình nhà vua Bảo Đại và cờ Quốc gia Việt Nam.


[1]. Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, bản dịch của Phạm Vũ và Lê Hiền.

2. Lương Đức Thiệp nhận xét rằng việc Nguyễn Ánh thi hành chính sách bảo thủ, xóa bỏ các cải cách tiến bộ của triều Tây Sơn đã khiến “dân tộc Việt Nam vẫn cứ đứng lỳ trên một nấc tiến hóa với cái kỹ thuật canh tác không thay đổi”.

3. Hán nhân mà vua Minh Mạng dùng không có nghĩa là người Hán, người Tầu mà là người theo đạo Khổng Mạnh, Hán nho Tống nho khác với Hán Nhân chủng (Han renzhong) là Hán tộc (Hanzu).

4. Năm 1776, Trịnh thắng Nguyễn, Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa: “Tôi được sai làm Tham thị quân vụ giúp việc cho Trấn phủ. Vào đến nơi thấy quan dân (Ðàng Trong) ăn mặc lạ kiểu. Tôi cùng đồng liêu đổi bỏ lối ăn mặc dị dạng để theo chế độ quốc triều”. Thời Minh Mạng  Dân gian oán hận rêu rao rằng “Tháng sáu có chiếu vua ra, Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.

5 .Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia thì Một mặt Gia Long hậu đãi tôn thất và những công thần nhà Lê bằng cách phong quan tước cho con cháu nhà Lê Gia Long phong cho Lê Duy Hoán được cấp 1016 tự dân và 10.000 mẫu tự điền để lo việc thờ cúng các vua Lê. Ngoài ra, Gia Long còn cho giữ gìn lăng tẩm, đền miếu các vua Lê, cho sửa chữa lại Lam Kinh, xây đền Lê Bố Vệ, triều đình tổ chức lễ thờ tế vua Lê hằng năm cũng như “phong bách thần trong nước cho triều Lê”. Gia Long cũng phong quan tước cho các cựu thần nhà Lê như Nguyễn Duy HợpLê Duy ĐảnNgô Xiêm…  Mặt khác, Gia Long tìm cách làm giảm tình cảm nhớ về nhà Lê của dân chúng bằng cách tiêu hủy những di sản của triều Lê: cho phá hoàng thành Thăng Long nhà Lê xây và thay thế bằng hoàng thành nhỏ hơn rất nhiều, thay chữ Long (龍) mang nghĩa là rồng trong Thăng Long (升龍) thành chữ Long (隆) mang nghĩa là thịnh vượng… Triều đình cũng hủy bỏ sáu trường thi Hương ở Bắc Hà.

6 Vua Gia Long không chọn con của Hoàng Tử Cảnh kế vị vì cha là Hoàng Tử Cảnh đã được Giám mục Bá Đa Lộc dạy dỗ giảng đạo để trở thành một Ki Tô hữu chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây nên con thế nào cũng chịu ảnh hưởng giống cha, nên Gia Long đã truyền ngôi cho Hoàng Tử Đảm cùng với lời dặn dò “ Hãy đối xử tử tế với người Âu nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ…”.

You may also like...