ĐẠI LỄ GIỖ ĐỨC QUỐC TỔ
ĐẠI LỄ GIỖ ĐỨC QUỐC TỔ
Thưa Quý Vị,
Theo truyền thống ngàn đời của con dân nước Việt thì hôm nay là 10 tháng ba Âm lịch cử hành “Đại Lễ Giỗ Quốc Tổ” năm thứ 4.903 của dân tộc chúng ta. Chúng ta cùng nhau “Ngưỡng vọng Đức Quốc Tổ Hùng Vương đã lập quốc Văn Lang đã để lại cho hậu thế chúng ta giang sơn gấm vóc Việt Nam hôm nay. Thưa quý vị và các bạn, mỗi dân tộc đều có những truyền kỳ lịch sử được thần thoại hoá thể hiện lòng tự hào dân tộc mang tính sử thi của mình. Thật vậy, huyền thoại Rồng Tiên về ngọn nguồn huyết thống Việt tuy đượm vẻ huyền hoặc nhưng lại tràn đầy tính hiện thực, thấm đậm nét nhân văn của truyền thống nhân đạo Việt Nam.
Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, mà còn tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con”. Truyền thuyết Rồng Tiên khởi nguyên của dân tộc Việt Nam cũng không hoang đường huyền hoặc mà là một truyền kỳ lịch sử, một hiện thực lịch sử mà chính cổ sử Trung Hoa đã thừa nhận sự hiện hữu của cộng đồng Bách Việt với một triết lý văn hóa, đạo lý làm người Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dân tộc Việt vẫn ngưỡng vọng, thờ kính Đức Quốc Tổ Hùng Vương nên hàng năm cứ vào ngày mồng mười tháng ba Âm lịch, đồng bào Việt Nam ở khắp nơi đều tưởng nhớ công ơn của Quốc Tổ Hùng Vương, người khai mở nước Văn Lang xa xưa của Việt tộc. Chúng ta cùng nhau cúi đầu tưởng niệm ngưỡng vọng Quốc Tổ để tâm tư lắng đọng tìm về ý nghĩa của ngày đại lễ cao cả tuyệt vời này.
Thưa quý vị, ngày nay với đầu óc duy lý nên nhiều người trong chúng ta không tin vào truyền thuyết. Trong tác phẩm “Truyền Kỳ các thời đại”, Victor Hugo đã tìm về nguồn cội, khai thác các truyền thuyết thần thoại xa xưa vì đó là “Lịch sử được lắng nghe ở ngưỡng cửa của truyền thuyết. Truyền kỳ có phần nào hư cấu nhưng tuyệt đối không có ngụy tạo”. Thật vậy, truyền thuyết tự thân nó không phải là lịch sử biên niên nhưng truyền thuyết là có thật, nó phản ảnh những ý nghĩa có thật của một thời lịch sử ban sơ mà người xưa ký thác vào đó với những hư cấu huyền hoặc để truyền lưu gửi gấm cho những thế hệ sau. Triết gia thời đại Jung đã viết: “Truyền thuyết huyền thoại hàm chứa những ý nghĩa lịch sử trung thực nhất, vì nhân vật thần thoại là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của một thời đại tạo dựng tỏa sáng nhưng nó phải chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý giải. Huyền thoại là đạo sống của một dân tộc”. Lịch sử đã chứng minh nhận định của Karl Jung là “Huyền thoại là đạo sống của một dân tộc. Nếu Dân tộc nào quên đi huyền thoại thì dân tộc đó dù là những dân tộc văn minh nhất, sớm muộn cũng sẽ tiêu vong”. Trong lịch sử loài người, nhiều cộng đồng người đã không tồn tại được với thời gian vì không có truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc với huyền thoại “Rồng Tiên” là di sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế. Huyền thoại là dòng tâm linh sâu thẳm xuyên suốt lịch sử, là mạch sống nối cội nguồn quá khứ với thế hệ hiện tại và mai sau, là gia sản cao quý vô giá ghi nhận những cảm nghiệm nội tâm của người xưa đã thực chứng suốt dòng vận động của lịch sử.
Kính thưa Quý vị, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Sử gia Ngô Sĩ Liên viết về họ Hồng Bàng và sách “Lĩnh Nam Chích Quái” chép Truyền kỳ lịch sử về khởi nguyên Dân tộc kể rằng: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần du phương Nam, đến dãy Ngũ Lĩnh gặp Vụ Tiên nữ sinh ra Vương (Lộc Tục). Vương là bậc Thánh trí thông minh. Đế Minh yêu quý lạ, muốn cho nối ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh nên Đế Minh lập Đế Nghi là con trưởng nối dòng trị phương Bắc và phong cho vua là Kinh Dương Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Vương lấy con gái Chúa Động Đình tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm, nhà vua lấy con gái của Đế Lai là nàng Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng, ấy là Tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khắc nhau, sum hợp thật khó nên phải chia tay, năm chục con theo nàng về núi, năm chục con theo ta về miền Nam. Có sách chép là về biển Nam. phong con cả là Hùng Vương nối ngôi”.
Như vậy, tự thân truyền thuyết đã chứng tỏ Kinh Dịch, thuyết Âm Dương Dịch biến luận là của đại tộc Việt và Tổ Phụ của dân tộc Việt là Đức Kinh Dương Vương – Long Nữ hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông, Quốc Phụ là Đức Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ mà Đức Quốc Tổ Hùng Vương lập nước Văn Lang là người con cả trong một trăm người con, trăm chi tộc Việt cùng chung một bào thai của mẹ Âu Cơ với các chi tộc Việt dòng giống Tiên Rồng (Lạc Hồng) nên mới gọi nhau là “Đồng Bào”. Chúng ta tự hào vì chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu:“Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam…”. Thế nhưng tại sao lại vô cùng Việt Nam vì thưa quý vị và các bạn, trên thế giới duy nhất có dân tộc Việt Nam có hai tiếng “Đồng bào” vì “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào hai tiếng vô cùng Việt Nam”… Chúng ta có chung cội nguồn huyết thống thiêng liêng, truyền lưu cho chúng ta nên chúng ta đều “bình đẳng” như nhau. Chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu Cơ, người Mẹ Tổ quốc Việt Nam sinh thành dưỡng dục nên chúng ta có quyền gọi những anh em là đồng bào ruột thịt mà các dân tộc khác không thể gọi được như thế. Hai chữ đồng bào mà chúng ta vẫn gọi một cách thân thương trìu mến “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam…”. Thưa quý vị, chính vì vậy, chúng ta xem nhau như anh em một nhà, một Dòng tộc nên yêu nước phải thương nhà, yêu nước phải thương Nòi là như vậy. Truyền thuyết Việt Nam, nói đúng hơn đó là truyền kỳ lịch sử, “Dòng Sinh Mệnh của Dân tộc Việt Nam” được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất lại đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống.
Thưa quý vị và các bạn, trên thế giới duy nhất có dân tộc Việt Nam có Quốc Tổ để tôn thờ và chỉ dân tộc Việt mới có hai tiếng “Đồng bào” vì “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào hai tiếng vô cùng Việt Nam” của mẹ Âu Cơ… Chúng ta có chung cội nguồn huyết thống thiêng liêng, truyền lưu cho chúng ta nên chúng ta đều “bình đẳng” như nhau. Chúng ta cùng chung một bào thai của Mẹ Âu Cơ, người Mẹ Tổ quốc Việt Nam sinh thành dưỡng dục nên chúng ta có quyền gọi những anh em là đồng bào ruột thịt mà các dân tộc khác không thể gọi được như thế. Hai chữ đồng bào mà chúng ta vẫn gọi một cách thân thương trìu mến “Bọc điều trăm họ thai chung, Đồng bào tiếng gọi vô cùng Việt Nam…”. Thưa quý vị, chính vì vậy, chúng ta xem nhau như anh em một nhà, một Dòng tộc nên yêu nước phải thương nhà, yêu nước phải thương Nòi là như vậy. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu về Việt Lịch là Lịch của nước Việt chúng ta.
Thưa quý vị, nếu kể từ thời lập quốc năm 2879 TDL cho đến ngày nay 2024 thì chúng ta đã có 4.903 năm lịch sử. Nói đến đây, chắc có người thắc mắc rằng đây chỉ là con số huyền sử làm sao mà tin cho được. Xin thưa rằng, chúng ta có những chứng cớ khoa học thuyết phục rằng lịch sử Việt Nam còn lâu hơn thế nhiều. Khoa Đại Dương học và Khảo Cổ học đã chứng minh rằng người cổ Hoà Bình Hoabinhian do nạn biển tiến gần đây nhất cách ngày nay khoảng 8.000 năm đã tiến lên vùng núi cao Hòa Bình, Bắc Sơn và ngược lên hướng Tây Bắc tới chân cao nguyên Tây Tạng Tibean và Đông Bắc vùng Ngũ Lĩnh. Khi mực nước biển dần dần dâng lên cao, cư dân khắp các nơi lần lượt dồn về vùng cao nên đã hình thành nền văn hóa Hòa Bình, một nền văn hóa cổ đại tinh hoa của nhân loại.[1] Mực nước dâng cao dần khiến cư dân Tiền Việt Pre-Vietnamese (Hoabinhian) ở lưu vực 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long phải thiên cư mang theo 25 đặc trưng của văn hoá Hoà Bình đi lên hướng Tây Bắc, miền cao Vân Nam Quý Châu rồi tới cao nguyên Tây Tạng Tibetan giữa 2 dãy núi Hi Mã Lạp sơn và Côn Luân. Khoa Khảo tiền sử cũng cho biết một nhánh khác tiến theo hướng Đông Bắc lên định cư ở Phúc Kiến, Chiết Giang tiến lên cao nguyên Thái Sơn ở bán đảo Sơn Đông Trung Quốc bây giờ.
Cách đây 5.500 năm, khi mực nước biển rút dần thì cư dân Hoabinhian=> Pre-Vietnamese) này lại từ vùng cao nguyên Tibetan khô cằn, khí hậu lục địa lạnh không thích hợp cho điều kiện sinh sống đã di chuyển dần xuống phương Nam định cư ở vùng đồng bằng lưu vực sông Hoàng Hà Dương Tử… Theo kết quả đo chỉ số sọ của khoa Khảo Tiền Sử gọi chủng người này là Indonesian mà chúng tôi gọi là Pre-Vietnamese đã chia ra làm 3 đợt lần lượt di chuyển xuống vùng đồng bằng: Đợt đầu tiên từ chân cao nguyên Tibetan thiên cư xuống Ba Thục (Tứ Xuyên) thành lập cộng đồng Bách Việt ở phương Nam. Theo khoa Đại Dương học thì lần biển tiến gần đây nhất cách ngày nay 8 ngàn năm và nước biển bắt đầu rút cách ngày nay khoảng 5.500 năm, khi nước biển rút dần thì một nhánh Indonesian mà chúng tôi gọi là Hoabinhian (Pre-Vietnamese) = > Ancient Vietnamese tiến dọc theo triền sông Dương Tử xuống vùng đất đỏ Xích Quy ở lòng chảo Dạ Lang Ba Thục sau gọi là Bồn địa Tứ Xuyên. Các nhà Tiền Sử học đã đo chỉ số sọ và vẽ được lộ trình di chuyển của Hoabinhian => Pre-Vietnamese => Ancient Vietnamese => Hundred-Viets (Bách Việt = Bai-Yue) này. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với niên đại trong cổ sử Trung Quốc ghi rằng họ Thần Nông làm vua từ năm 3.220 TDL đến năm 3.080 TDL.
Truyền kỳ dân gian về thuở khai thiên lập địa có ông Bàn Cổ tạo dựng trời đất, kế tiếp là thời lịch sử cổ đại với sự tiến hóa từ người Tiền Sử tới người khôn ngoan. Đến thời Phục Hy mà cổ sử gọi là Phục Hy Thị (tộc, họ) truyền 15 đời dài 1260 năm từ 4.480 năm đến 3.220 năm TDL. Phục Hy dạy dân săn thú, đánh bắt cá bằng lưới, dùng bếp lửa để nấu chín thức ăn nên Phục Hy còn được gọi là Bào Hy. Tương truyền Phục Hy đã tìm ra dịch lý âm dương, tiết điệu căn cơ của vũ trụ muôn loài muôn vật, là quy luật thường hằng bất biến. Theo truyền thuyết thì Đế Viêm Thần Nông họ Khương, làm vua thay Phục Hy xưng là Thần Nông. Sách sử gọi là Đế Viêm vì Thần Nông lấy đức hỏa để làm vua. Theo Từ Nguyên Tự Điển của Trung Hoa thì Thần Nông là người đầu tiên phát minh ra lưỡi cày, chuôi cày. Thần Nông dạy cho dân cách làm ruộng khai mở nghề nông, dạy dân lập chợ trao đổi hàng hóa thực phẩm. Thần Nông cũng là người đầu tiên vào rừng hái các lá cây, nếm các thứ cây cỏ tìm vị thuốc trị bệnh cho dân nên Thần Nông được dân gian tôn thờ là ông Tổ của nghề nông, nghề thuốc và thương nghiệp. Họ Thần Nông truyền được 8 đời từ 3.220 đến 2700 năm, tổng cộng 520 năm TDL. Sách cổ Trung Hoa chép Đế Viêm Thần Nông từ Tây Bắc xuống lập nước ở phương Nam, đóng đô ở Trần về sau dời đô về Khúc Phụ nước Lỗ sau này.
Các nguồn sử sách cổ đối chiếu với truyền kỳ dân gian cho biết Quân Trưởng Thần Nông lãnh đạo Bách Việt Hundred-Viets từ nôi sinh tụ vùng cao nguyên Tây Tạng Tibetan về đồng bằng Đông Nam để định cư khai khẩn đất đai mà các nhà nhân chủng gọi là Mon-Khmer và cổ sử Trung Quốc chép là tộc Khương. Theo cổ sử thì địa bàn định cư đầu tiên ở nước Trần sau này mà địa giới bao gồm các tỉnh An Huy, Giang Tô và vùng phía Bắc sông Hoài. Thời kỳ này lãnh đạo tộc Việt được gọi là Quân Trưởng nên Sử Trung Quốc chép “Người Việt gọi vua là Quân, gọi cha là Bố”. Thần Nông truyền được 8 đời, đến đời Đế Minh là cháu 3 đời của Thần Nông tức đời thứ 5 thì dòng Thần Nông có mặt cả ở miền Bắc Trung Quốc (Hoa Bắc) và miền Nam Trung Quốc (Hoa Nam). Vì thế truyền thuyết khởi nguyên dân tộc mới kể Đế Minh truyền ngôi cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Sách sử sau viết là vua nhưng trên thực tế lúc đó chỉ là Quân Trưởng thủ lĩnh của vùng châu Kinh và châu Dương mà thôi.
Như vậy, niên đại lịch sử ghi chép trong sách sử cổ về Thần Nông (3220-2700 TDL) phù hợp với truyền thuyết khởi nguyên dân tộc về thời kỳ lập quốc của tộc Việt 2879 TDL. Đặc biệt là kết quả của khoa Khảo Tiền sử đo chỉ số sọ cũng xác định cuộc thiên cư từ cao nguyên Tibetan xuống phương Nam cách nay khoảng 6 ngàn năm.[2] Sách sử cổ Trung Quốc ghi rõ về các nước Bách Việt (Bai-Yuè) ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc bây giờ. Đặc biệt, kết quả khảo cổ ở di chỉ Hà Mỗ Độ cách ngày nay hơn 7 ngàn năm cùng với những kết quả khảo cổ khác của nền văn hóa Hòa Bình đã xác định tộc Việt là cư dân trồng lúa nước đầu tiên trên thế giới.[3] Di chỉ của cộng đồng Bách Việt với nghề trồng lúa nước, và nghề luyện kim đồng đã tìm thấy khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và vùng Đông Nam Á. Bây giờ chúng ta lại tìm hiểu về Quốc gia sơ khai Xích Quy mà sử Tầu chép là Xích Quỷ cũng như sự thành lập của quốc gia Văn Lang của chúng ta.
Thưa quý vị, Công trình Văn hóa khảo cổ của nền văn hóa Lương Chử (4.100-2.600 TDL) đã phục hồi sự thật lịch sử về quốc gia Xích Quy sơ khai của tộc Việt. Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc kể rằng: “Đế Minh, cháu 3 đời của Đế Thần Nông tuần du phương Nam…. Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ…”. Thật ra tên gọi nước ta là Xích Quy. Xích Quy Phương theo Kinh Thư gọi là Xích Quy Phương là vùng đất đỏ trải dài từ 3 con sông ở phương Bắc là sông Hoàng, sông Lạc và sông Vị trải dài xuống phương Nam gồm 3 con sông là sông Nguyên, sông Tương và sông Dương Tử, còn gọi là Cửa Việt hay Giao Chỉ. Dòng Thần Nông phương Nam đã định cư từ vùng Xích Quy Phương ở Tam Giang Nam với liên minh của những chi tộc Việt như quốc gia sơ khai Xích Quy rồi Văn Lang, Việt Thường… Theo Kinh Thi thì cư dân Sơn Đông vẫn được gọi là Lai Di, Cửu Di hay Cửu Lê… và một nước Di (Yifang) ở vùng Trung và Hạ lưu sông Hoài được ghi trong bản đồ Trung Quốc thời Thương Ân thế kỷ 17 – 11 TDL có ghi nước Lai Di (Laiyi) ở bán đảo Sơn Đông.[4] Theo Địa phương Chí của Vũ Hán thì: “Di chỉ Bàn Long Thành ở Vũ Hán là kinh đô của nước Phương thời Thương”. Như vậy, tên nước là Xích Quy Phương nhưng Hán tộc gọi miệt thị là Quỷ Phương. [5]Nhà ngôn ngữ Pulleyblank xác định người Đông Di trong đó có cư dân Lương Chử nói một ngôn ngữ Nam Á có họ hàng với tiếng Việt-Mường.[6]
Thưa quý vị, nói tới thời đại Hùng Vương thì ai trong chúng ta cũng thắc mắc rồi hoài nghi vì lịch sử chép thời đại Hùng Vương gồm 18 đời vua Hùng kéo dài tới 2622 năm và chấm dứt vào đời Hùng Duệ Vương 258 TDL?! Như vậy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, tính ra trung bình mỗi đời Vua trị vì khoảng 150 năm. Để giải thích sự kiện lịch sử này, các nhà sử học Mác Xít viết sử theo nghị quyết của đảng Cộng sản đã nhất loạt kéo lùi lịch sử cho phù hợp với sử quan Đại Hán và đế quốc Trung Cộng là nước Văn Lang chỉ mới thành lập vào đời Chu Trang Vương (696-682TDL). Việc làm này phù hợp với những gì Tiền Hy Tộ sửa đổi trong Đại Việt Sử Lược để hợp thức hóa việc Hán tộc xâm lăng rồi sáp nhập các nước Bách Việt vào lãnh thổ Trung Quốc.
Thưa quý vị, Công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyện” của Nguyễn Như Đỗ thời Lê Thánh Tôn cho thấy thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua. Theo bản “Hùng Vương Ngọc Phả” thì đời vua Chữ Hán là “Thế”, “Thế” không phải chỉ một đời vua mà là một dòng vua, một triều đại gồm nhiều đời vua. Riêng chi thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì tỉnh Vĩnh Phú còn thờ bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. Chi này chấm dứt năm Quý Mão 258 TDL vào cuối đời Chu. Mỗi dòng vua được xếp theo thứ tự bát quái và thập can như sau: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài và Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Theo sự tích Ngọc Phả Truyền Thư thì thời Hùng Vương gồm 47 đời vua theo thứ tự sau: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, quý.
Sách sử xưa chép rằng 18 đời Hùng Vương trị vì 2.622 năm nên chúng ta thấy vô lý. Thực ra là 18 chi, mỗi chi gồm nhiều đời vua Hùng. Nếu tính từ thời Ngô Quyền giành độc lập năm 938 đến Bảo Đại vị vua cuối cùng đời Nguyễn 1945 thì có 10 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn gồm 68 vị vua trị vì 1007 năm thì trung bình, mỗi vị vua trị vì gần 15 năm. Như vậy, chúng ta phải hiểu 18 đời ở đây là 18 chi, 18 triều đại và mỗi triều đại gồm nhiều đời vua, tất cả là 47 đời vua Hùng trị vì 2.622 năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc Qua khắc tên vị vua Hùng Nhược Ngao và sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Xuân Thu Tả Truyện thì vị vua có hiệu là Nhược Ngao là vị vua Hùng thứ 14 tên thật là Hùng Nghi hiệu Nhược Ngao cai trị vào năm 789 trước Dương Lịch đã xác nhận thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, thời kỳ lập quốc cách đây hàng mấy ngàn năm được kể lại từ đời này sang đời khác dưới dạng truyền thuyết, sử truyền khẩu dân gian nên niên đại lịch sử, thời kỳ lịch sử cũng như những con số cũng chỉ chính xác tương đối mà thôi.
[1] Năm 1923, Học giả Madeleine Colani đã tìm thấy 2 chữ sĩ và thượng của nền văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay 8 ngàn năm.
[2] Theo Khoa Khảo Tiền sử thì họ chỉ đo được sọ dưới 6 ngàn năm vì quá 6 ngàn năm thì sọ bị tiêu hủy và Mực nước lên cao nhất cách đây 6 ngàn năm và rút hẳn cách đây 5.500 năm.
[3] Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Hawai, W. G Solheim II đã công bố công trình nghiên cứu khoa học cho biết hạt lúa Orizasativa đã có ít nhất là 3.500 TDL và cư dân Hòa Bình có thể đã thuần hóa cây lúa nước từ 15.000 năm trước. Như vậy hạt lúa này đã có trước hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Quốc ít ra là mấy ngàn năm. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy di chỉ lúa cổ cách đây 9.000 năm ở Pengtou gần hồ Động Đình, phiá Nam sông Dương Tử (Trường Giang) và hơn bốn mươi địa điểm có di tích lúa cổ ở gần cửa biển Nam Trường giang.
[5]. Phương chỉ cái đòng đòng lúa nên cư dân lấy tên Phương để đặt tên cho nước của cư dân nông nghiệp. Theobald (2005), Chang (1980:251).
[6]. Tạ Đức: Nhà ngôn ngữ học người Anh Pulleyblank 1983 cho rằng người Đông Di cũng như người Việt, Lý, Lão ở vùng ven biển từ Chiết Giang xuống Quảng Đông nói cùng một thứ tiếng Nam Á. Người Di phía Bắc cũng chính là người Việt phía Nam nên Tiếng U việt có họ hàng với tiếng Việt Nam. Nhà ngôn ngữ Hoa Kỳ La Polla (2001:232) dựa trên các bằng chứng ngôn ngữ và khảo cổ của Pulleyblank (1983), Bellwood (1992), Li Jingchong (1994), Tong (1998) đã xác định là ít nhất có 2 khối Bách Việt, một khối nói ngôn ngữ Nam Á (ven biển) và một khối ở lục địa nói tiếng Thái-Kadai và Mông-Dao…
Đóng Góp Ý Kiến